.

Thứ ba, 23/04/2024 -15:13 PM

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật lao động

 | 

Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đã quy định Viện kiểm sát có quyền “Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật”. Để thực hiện quyền năng trên thì quá trình kiểm sát phải chú trọng phát hiện những vi phạm, yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh trong chấp hành pháp luật. Qua công tác kiểm sát, Kiểm sát viên phát hiện, tổng hợp những vi phạm trong hoạt động tư pháp, những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó làm cơ sở để tham mưu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật.

Trong những năm gần đây, hoạt động tổ chức cho người lao động làm thêm giờ là vấn đề nổi cộm, được quan tâm; xác địnhđây cũng là nguyện vọng chính đáng của người lao động, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử và một số ngành nghề đặc thù khác... hoạt động này đã tăng thu nhập cho người lao động, tạo ra sản phẩm, doanh thu cho doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước... do đóBộ luật Lao động năm 2019, Nghị quyết số 17/2022/UBTV QH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã cho phép người lao động được làm thêm giờ đến 300 giờ/người/năm. Tuy nhiên, việc tổ chức làm thêm giờ phải đảm bảo đúng quy định, bảo đảm quyền được nghỉ ngơi của người lao động, có đủ thời gian để tái tạo sức lao động.

Ảnh minh họa

Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 đã nêu rõ, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:

“Phải được sự đồng ý của người lao động;

Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng;

Bảo đảm số giờ làm thêm không quá 200 giờ/năm, trừ trường hợp làm thêm không quá 300 giờ/năm nếu làm công việc như sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, điện, điện tử, chế biến nông, lâm…”

Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động quy định về việc “Thông báo về việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm:

1. Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại các nơi sau:

a) Nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;

b) Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Việc thông báo phải được thực hiện chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm...”

Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy nhiều Công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhất là doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài không thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam về việc chấp hành pháp luật lao động của nước sở tại nhưng chưa có cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thi hành, làm giảm hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về lao động, đặc biệt là không phát hiện được doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm thêm giờ vượt mức từ 200 giờ/ người/ năm đến 300 giờ/ người/ năm, vi phạm nghiêm trọng Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng không được phát hiện kịp thời để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình là thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Wonjin do ông Lee - Quốc tịch Hàn Quốc là Giám đốc, đóng trên địa bàn Khu Công nghiệp V đã phát hiện được: Năm 2018, Công ty Wonjin đã tổ chức cho người lao động làm thêm giờ, với tổng số tiền thanh toán chi trả cho người lao động là gần 20 đồng. Qua kiểm tra cho thấy:có 88 trường hợp làm thêm giờ vượt định mức từ 200 giờ đến 300 giờ/người/năm; 732 trường hợp vượt định mức từ đến 300 giờ/người/năm trở lên; cá biệt: có 112 trường hợp vượt mức 880 giờ; 03 trường hợp vượt hơn 1.800 giờ; 02 trường hợp vượt gần 1.600 giờ; 01 trường hợp vượt mức 2.132 giờ/người/năm (đã trừ mức 200 giờ/người/năm). Trong số đó có 03 trường hợp là lái xe ô tô chở công nhân, nhân viên của Công ty đã làm thêm giờ vượt mức 2.000 giờ/ người/ năm; trong khiĐiều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ôtô “không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”.

Tương tự, Công ty Solar (Khu Công nghiệp Đ)cũng thanh toán chi phí tiền lương nhân công tăng ca không đúng quy định (làm thêm giờ vượt định mức 200 giờ/ người/ năm); trong đó năm 2018 thanh toán chi trả cho người lao động là 91.846.055.104 đồng; năm 2019 là 195.701.332.297 đồng.

Ảnh minh họa

Mặc dù Công ty Wonjin, Công ty Solar đã thanh toán tiền làm thêm giờ cho người lao động hàng tháng, nhưng hoạt động tổ chức làm thêm giờ vượt định mức 300 giờ/người/ năm của các Công ty này đã vi phạm Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019; Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013,  Thông tư 54/2015 ngày 16/12/2015 của Bộ LĐ-TBXH, thậm trí vượt mức điều chỉnh tại Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Mặt khác, Công ty Wonjin, Công ty Solar cũng không thông báo cho Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang biết về việc Công ty tổ chức cho người lao động làm thêm giờ theo quy định tại Điều 62 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020.

Ngoài ra, các Công ty cũng đã kê khai hạch toán tiền chi trả cho người lao động làm thêm giờ vượt mức quy định vào chi phí hợp lý được giảm trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thiệt hại về thuế cho ngân sách nhà nước.

Sau khi sự việc bị phát hiện, cơ quan quản lý nhà nước về lao động là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đều xác định: Từ năm 2015 đến năm 2020, Sở chưa tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động đối với các Công ty này, do đó không phát hiện được Công ty này đã vi phạm quy định về tổ chức cho công nhân làm thêm giờ vượt định mức để xử lý theo quy định.

Nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, người lao động; đồng thời bảo đảm pháp luật lao động được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang kiến nghị đồng chí Giám đốc Sở chỉ đạo công tác hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành pháp luật về lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; khi tổ chức cho người lao động làm thêm giờ từ 200 giờ - 300 giờ/năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hộitheo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động và Điều 62 Nghị định 145/ 2020/NĐ-CP của Chính phủ; Chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tăng cường công tác thanh tra, rà soát việc chấp hành quy định pháp luật về lao độngcủa các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm, thiếu sót tương tự có thể xảy ra; đồng thời phối hợp với Cục Thuế để kịp thời nắm bắt các vi phạm có liên quan đến việc chấp hành pháp luật lao động, vi phạm quy định về sử dụng lao động, tổ chức làm thêm giờ... qua kết quả thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế để có biện pháp xử lý theo quy định.

Việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước về lao động nhằm phòng ngừa vi phạm, tội phạm tương tự có thể xảy ra có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nâng cao hiệu quả hoạt động và chấp hành pháp luật lao động; góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, nhất là quyền được nghỉ ngơi, giải trí nhằm tái tạo sức lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Qua đó, nâng cao vị thế và niềm tin của nhân dân, chính quyền và cấp ủy tại địa phương đối với Ngành Kiểm sát nhân dân./.

Nguyễn Thị Huệ Anh- Phòng 3, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,742,690
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.154.171

    Thư viện ảnh