ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -01:51 AM

Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” do Tòa án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn được xử lý tài sản thế chấp

 | 

Ngày 27/6/2019 anh V ký hợp đồng tín dụng số 2019.1.00174/HĐCV vay 400.000.000đ của Quỹ tín dụng nhân dân L (viết tắt Quỹ tín dụng). Thời hạn vay 12 tháng. Anh V đã ký nhận số tiền 400.000.000đ. Sau khi vay đến ngày 14/8/2021 anh V mới thanh toán trả 10.380.000đ tiền lãi. 

Do anh V vi phạm thời hạn trả nợ nên nguyên đơn là Quỹ tín dụng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc anh V phải có nghĩa vụ thanh toán trả Quỹ tín dụng 400.000.000đ tiền gốc và 120.210.000đ tiền lãi và tiếp tục phải trả số tiền lãi phát sinh đến khi trả hết nợ; trường hợp anh V không thanh toán trả được nợ, thì Quỹ tín dụng được xử lý tài sản là quyền sử dụng đất do ông T (bố đẻ anh V) đã thế chấp đảm bảo cho việc anh V vay tiền của Quỹ tín dụng.

Bị đơn anh V đã được Tòa án giao gửi, niêm yết các văn bản tố tụng nhưng không có lời khai đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là anh C (con trai ông T) trình bày: Bố mẹ anh sinh được hai người con là anh và anh V. Mẹ anh đã mất từ năm 2000. Bố anh đã mất ngày 31/12/2020. Việc bố anh thế chấp đất cho Quỹ tín dụng anh không biết. Bố anh đã thế chấp cả phần diện tích đất đã cho anh sử dụng từ năm 2003. Anh không đồng ý việc xử lý tài sản thế chấp đối với phần diện tích đất do anh đang quản lý sử dụng. 

Với nội dung vụ án nêu trên, Tòa án nhân dân huyện T đã xử buộc anh V phải trả nợ tiền gốc, lãi cho Quỹ tín dụng; không chấp nhận yêu cầu của Quỹ tín dụng về việc được xử lý tài sản thế chấp.

Xem xét việc nguyên đơn yêu cầu được xử lý tài sản thế chấp và việc Tòa án giải quyết không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn thấy rằng:

Ông T có tài sản là quyền sử dụng diện tích 2.135m2 đất tại thửa số 37 tờ bản đồ 41. Địa chỉ thửa đất thôn T, xã L, huyện T; đã được UBND huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/3/2018.

Ngày 10/01/2019 ông T (bên thế chấp, khách hàng vay vốn) đã ký hợp đồng số 3538/HĐTC thế chấp quyền sử dụng đất trên cho Quỹ tín dụng. Tại mục 3 Điều 1 của hợp đồng thế chấp có ghi: Hợp đồng thế chấp tài sản được đảm bảo thế chấp cho tất cả các món vay tại Quỹ tín dụng nhân dân L theo các hợp đồng tín dụng. Hợp đồng được UBND xã L chứng thực và được đăng ký thế chấp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện T.

Nhưng ông T không trực tiếp ký hợp đồng tín dụng với Quỹ tín dụng. Mà ngày 10/01/2019 ông T đã ký giấy ủy quyền cho anh V xác lập thực hiện các giao dịch liên quan đến việc vay vốn tại Quỹ tín dụng, ký hợp đồng tín dụng, được quyền quyết định các nội dung về xử lý tài sản bảo đảm và các vấn đề có liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi ...Giấy ủy quyền được UBND xã L chứng thực.

Ngày 27/6/2019 giữa ông T và Quỹ tín dụng đã ký phụ lục hợp đồng thế chấp bổ sung. Hợp đồng có nội dung hai bên đồng ý sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng thế chấp số 3538/HĐTC ngày 10/01/2019; nghĩa vụ dân sự được bảo đảm cho hợp đồng tín dụng số 2019.1.00174/HĐCV ngày 27/6/2019 (là hợp đồng tín dụng giữa Quỹ tín dụng với anh V). Phụ lục hợp đồng được UBND xã L chứng thực.

Ngày 27/6/2019 anh V ký hợp đồng tín dụng số 2019.1.00174/HĐCV vay của Quỹ tín dụng 400.000.000đ. Tại Điều 3 của hợp đồng có ghi hình thức bảo đảm tiền vay theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 3538/HĐTC ngày 10/01/2019. Tại Điều 5 của hợp đồng có ghi hình thức xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là nếu bên đi vay không thực hiện đúng hợp đồng cho vay thì bên cho vay có quyền đơn phương phát mại tài sản thế chấp để trả vào nợ gốc, lãi cùng các khoản chi phí khác nếu có theo hợp đồng thế chấp số 3538/HĐTC ngày 10/01/2019.

Từ các căn cứ nêu trên có cơ sở để xác định ông T đã ký hợp đồng thế chấp, thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất của mình cho Quỹ tín dụng. Ông T đã ủy quyền cho anh V ký hợp đồng tín dụng với Quỹ tín dụng. Sau đó ông T lại ký phụ lục hợp đồng thế chấp có nội dung thế chấp tài sản để đảm bảo cho khoản vay tại hợp đồng tín dụng số 2019.1.00174/HĐCV ngày 27/6/2019 anh V vay của Quỹ tín dụng 400.000.000đ. Nên xác định hợp đồng tín dụng số 2019.1.00174/HĐCV ngày 27/6/2019 giữa Quỹ tín dụng với anh V được bảo đảm bằng hợp đồng thế chấp 3538/HĐTC ngày 10/01/2019 và phụ lục hợp đồng thế chấp bổ sung ngày 27/6/2019.

Các hợp đồng thế chấp, phụ lục hợp đồng thế chấp, giấy ủy quyền, hợp đồng tín dụng nêu trên đều được ký kết trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, được chứng thực, đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, là đúng pháp luật.

Ông T chỉ ký hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không thế chấp các tài sản trên đất. Anh C (con trai ông T) cho rằng một phần đất ông T thế chấp, ông T đã cho anh từ năm 2003, trên đất anh đã xây dựng các công trình kiên cố. Nhưng anh C không có chứng cứ chứng minh về việc anh đã được cho đất. Anh C chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại khoản 2 Điều 325 Bộ luật dân sự năm 2015 trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nên việc các bên không thế chấp tài sản trên đất, trên đất có tài sản của anh C không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng thế chấp giữa ông T và Quỹ tín dụng.   

  Quỹ tín dụng đề nghị được xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp anh V không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Anh V không trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu khởi kiện của Quỹ tín dụng. Anh C cho rằng ông T đã thế chấp cả phần diện tích đất ông T đã cho anh sử dụng từ năm 2003, anh không đồng ý việc xử lý tài sản thế chấp đối với phần diện tích đất do anh đang quản lý sử dụng. Không có đương sự nào trong vụ án đề nghị tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu và Tòa án cũng không tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu. Tòa án nhân dân huyện T đã xử buộc anh V phải trả nợ tiền gốc, lãi cho Quỹ tín dụng. Nhưng lại xử không chấp nhận yêu cầu được xử lý tài sản thế chấp của Quỹ tín dụng là không có căn cứ, không đúng quy định tại Điều 320, 323, 325 Bộ luật dân sự năm 2015, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Quỹ tín dụng.

Do vậy, Viện KSND huyện T để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với một phần Bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện T giải quyết vụ án nêu trên, đề nghị TAND tỉnh B xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa bản án sơ thẩm: Trường hợp sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, anh V không thanh toán trả hoặc thanh toán không đầy đủ số tiền nợ cho Quỹ tín thì Qũy tín dụng được xử lý tài sản thế chấp./.

Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,436,312
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.59.87.145

    Thư viện ảnh