ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -05:51 AM

Tăng cường công tác kiểm sát nhằm đảm bảo quyền bầu cử cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại cơ sở giam giữ

 | 

Ngày 17/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về ngày bầu cử đại biểu Quốc Hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là ngày Chủ nhật- 23/5/2021, đây là sự kiện chính trị quan trọng của cả nước, là ngày hội toàn dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Quyền bầu cử là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định tại Điều 27 Hiến pháp năm 2013 “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định” và  Điều 2 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013, “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, do vậy, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa bị coi là có tội nên họ được quyền tham gia bầu cử theo quy định của pháp luật. 

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 31/12/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó đặc biệt lưu ý đến nội dung: “Quan tâm, bảo vệ quyền của con người thông qua công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự…” và các văn bản chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; để đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ sở giam giữ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Phòng 8 và Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố tăng cường kiểm sát chặt chẽ, chú trọng thực hiện theo một số nội dung sau:

Một là, khi kiểm sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh và Nhà tạm giữ Công an các huyện, thành phố, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ chú trọng kiểm sát công tác phổ biến, hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, trong đó có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tại cơ sở giam giữ; xem xét, kiểm sát chặt chẽ việc phổ biến thông tin của cơ sở giam giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 ngay từ khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam vào cơ sở giam giữ và trong quá trình quản lý giam giữ. Việc phổ biến, hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải được thể hiện trong hồ sơ, tài liệu, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Hai là, khi tiến hành trực tiếp kiểm sát tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Phòng 8 và Viện  kiểm sát các huyện, thành phố phải chú trọng kiểm sát trong việc đảm bảo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện quyền bầu cử của mình theo quy định của pháp luật, cụ thể là:

Thứ nhất, đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân”.

Thứ hai, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại khoản 5, Điều 29 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân về danh sách cử tri: “Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cở sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

Thứ ba, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân về nguyên tắc bỏ phiếu: “Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cở sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử”.

Ba là, Viện kiểm sát hai cấp (tỉnh và huyện) chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; Ủy ban bầu cử địa phương trong hoạt động kiểm sát, giám sát việc lập danh sách cử tri là người đang bị tạm giữ, tạm giam, niêm yết danh sách cử tri và danh sách người ứng cử tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam theo quy định tại Điều 29, Điều 30, Điều 32 và Điều 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; đối chiếu danh sách người bị tạm giữ, tạm giam hiện có trong hồ sơ, sổ sách với Danh sách cử tri để kịp thời phát hiện những trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền bầu cử nhưng không có tên trong danh sách cử tri hoặc những người không được quyền bầu cử lại đưa vào danh sách cử tri để yêu cầu cơ sở giam giữ đưa vào danh sách cử tri hoặc xoá tên trong danh sách cử tri.

Kiểm sát viên được phân công kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam cần lưu ý thời gian gần đến ngày bầu cử cần kiểm sát chặt chẽ danh sách cử tri là người bị tạm giữ, người bị tạm giam có thể biến động cho đến ngày bầu cử nên thường xuyên kiểm sát, theo dõi thay đổi danh sách cử tri đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Phối hợp chặt chẽ với các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, yêu cầu xóa tên khỏi danh sách cử tri những trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được quyền bầu cử như: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà trước đó đã bị bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án tước quyền bầu cử; người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phạm nhân được trích xuất về cơ sở giam giữ để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử; người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người mất năng lực hành vi dân sự, người bị tạm giam bị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; người bị tạm giữ, người bị tạm giam được trả tự do trước thời điểm tiến hành bỏ phiếu.

Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố nắm chắc tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, giam giữ tại các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam trên địa bàn tỉnh; kiếm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại các Điều 33, 61, 75, 94 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Năm là, Viện kiểm sát hai cấp (tỉnh và huyện) phân công Kiểm sát viên chủ động phối hợp và kiểm sát chặt chẽ đối với các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam trong việc đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, người bị tạm giam ngay từ khi tiếp nhận cho đến ngày bầu cử để đảm bảo quyền bầu cử của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kiểm sát trong việc phối hợp của Nhà tạm giữ, Trại tạm giam với địa phương nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục của các bước tiến hành bầu cử theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Sáu là, cần lưu ý khi thực hiện chức năng kiểm sát, Viện kiểm sát hai cấp yêu cầu các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải có phương án đảm bảo an ninh, an toàn trong quản lý giam giữ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp lợi dụng việc tổ chức bầu cử để thông cung, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, trốn khỏi nơi giam, giữ hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác; đồng thời yêu cầu các Nhà tạm giữ, Trại tạm giam phải có biện pháp tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cơ sở giam giữ.

Có thể nói, việc tăng cường công tác kiểm sát nhằm đảm bảo quyền bầu cử cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại cơ sở giam giữ của ngành Kiểm sát Bắc Giang sẽ đóng góp một phần vào sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong thời gian sắp tới.

Lương Kim Thanh- Phòng 8, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,437,944
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.28.111

    Thư viện ảnh