Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, hướng tới mục tiêu tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn của Ngành. Năm 2021, Viện KSND thành phố Bắc Giang xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm đột phá của đơn vị là “Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ”.
Trong những năm qua, công tác đào tạo cán bộ tại chỗ luôn được Lãnh đạo Viện KSND thành phố Bắc Giang quan tâm và chú trọng. Ngay thời gian đầu khi cán bộ mới được tuyển dụng, Lãnh đạo đơn vị đã phân công các Kiểm sát viên có kinh nghiệm hướng dẫn kiến thức, kỹ năng ở tất cả các khâu công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ngành; gắn với việc giáo dục tư tưởng, văn hóa công sở, đạo đức, tác phong làm việc và bản lĩnh nghề nghiệp. Cán bộ được tiếp cận công việc chuyên môn ở hầu hết các khâu công tác chính. Có thể tự mình nghiên cứu hồ sơ, sau đó đề xuất với Kiểm sát viên về quan điểm giải quyết vấn đề. Cán bộ được phân công giúp việc cho Kiểm sát viên chuyên sâu ở một số khâu công tác nhưng vẫn được Lãnh đạo đơn vị giao xử lý các công tác khác. Do đó, tại đơn vị, một cán bộ trẻ có thể độc lập nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm ở nhiều khâu công tác khác nhau. Nếu có sự luân chuyển công tác hay chuyển đổi bộ phận trong đơn vị thì cán bộ đó đều có thể tiếp cận dễ dàng và chủ động.
Ảnh minh họa
Năm 2021, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về công tác đào tạo cán bộ tại chỗ, Lãnh đạo đơn vị đã đặt ra chỉ tiêu chuyên viên phải tham gia phiên tòa 100% các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại được phân công giúp việc cho Kiểm sát viên. Đối với một vụ án hình sự, cùng với việc giúp việc cho Kiểm sát viên kể từ giai đoạn tin báo đến kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử thì việc được trực tiếp cùng Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có thể coi là công đoạn cuối cùng để giải quyết xong vụ án đó. Việc được trực tiếp tham gia phiên tòa sẽ giúp cán bộ trẻ có trải nghiệm thực tế, cụ thể, đầy đủ về nội dung diễn biến của một phiên tòa hình sự và quan trọng nhất chính là rèn tâm lý tự tin cho bản thân khi thực hiện nhiệm vụ tại phiên tòa.
Khi trực tiếp ngồi giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa, những cán bộ trẻ sẽ có cơ hội học hỏi được nhiều điều bổ ích từ thực tế, điển hình là: Để có thể thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử một phiên tòa hình sự đảm bảo chất lượng, không phải đến trước khi xét xử mới nghiên cứu hồ sơ mà phải nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ ngay từ giai đoạn kiểm sát điều tra, để đề ra một bản yêu cầu điều tra đúng hướng và theo sát tiến độ điều tra. Đồng thời, trước khi thực hành công tố tại phiên tòa, cần phải dự kiến được các phương án tranh luận, dự liệu được các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết trong từng trường hợp; kết hợp với việc giải thích, tuyên truyền pháp luật khi cần thiết, nêu rõ được quan điểm và bảo vệ được Cáo trạng truy tố tại phiên tòa.
Việc phân công cán bộ tham gia phiên tòa với tư cách giúp việc cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa là một trong những hình thức đào tạo cán bộ tại chỗ thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa nhằm rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ và cách ứng xử cho những cán bộ trẻ đang trong quá trình tiếp cận công việc. Thông qua việc trực tiếp giúp việc cho Kiểm sát viên tại phiên tòa, mỗi cán bộ trẻ sẽ tích lũy được cho mình kinh nghiệm và sự tự tin, đồng thời cũng là cơ hội để trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ khi chính thức được tham gia phiên tòa với vai trò là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sau này./.
Phạm Công Thắng- VKSND thành phố Bắc Giang