Năm 2011, tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Yên Dũng tăng cả về số lượng, tính chất và hành vi phạm tội. Đáng chú ý hơn cả là năm qua, tại địa bàn “xuất hiện” nhiều loại tội phạm mới mà những năm trước đây ít hoặc chưa xảy ra. Như các loại tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” (Điều 123); “Sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm” (Điều 157); “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” (Điều 240). Tuy động cơ, mục đích các đối tượng thực hiện tội phạm không giống nhau nhưng tất cả đều có đặc điểm chung nhất là xâm phạm đến những khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ. Xin nêu và phân tích một số vụ việc như sau:
Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 14/8/2011, tàu hút cát của Nguyễn Văn Ước, sinh năm 1978 ở thôn Chùa. Xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng đang đi khai thác cát trái phép tại Sông Thương, khu vực đền Đà Hy thuộc địa phận thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang thì bị một số người dân thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn phát hiện, ném gạch đá lên tàu ngăn không cho khai thác cát. Vì thuyền của gia đình Ước đã nhiều lần hút cát tại khu vực này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ đê điều của xã Lãng Sơn và một số khu vực lân cận. Đến 22 giờ cùng ngày, Ước và đồng bọn đi thuyền từ bờ đê xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng đến tàu hút cát, sau đó lái tàu vào bờ đê thôn Mỹ Tượng, nhảy lên bờ, đuổi theo đánh gây thương tích và bắt giữ được anh Nguyễn Đức Xuân thuộc thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn về lán ở của gia đình mình tại bờ đê thôn Chùa, xã Tiến Dũng và buộc anh Xuân phải viết giấy thừa nhận đã lấy của gia đình Ước 30.000.000 đồng ở thuyền cát. Đến hồi 00 giờ ngày 15/8/2011thì Ước giao anh Xuân cho Công an xã Tiến Dũng giải quyết. Hành vi bắt, giữ người nêu trên của Ước cùng đồng bọn đã gây hậu quả nghiêm trọng dẫn tới việc rất nhiều người dân thôn Mỹ Tượng, xã Lãng Sơn bức xúc đã đưa anh Xuân đến Công an huyện Yên Dũng và Ủy ban nhân dân huyện Yên Dũng khiếu kiện làm mất trật tự trị an, ảnh hưởng xấu đến an ninh trên địa bàn huyện.
Phục vụ cho công tác ngăn chặn và trấn áp tội phạm trong vụ việc này, Viện KSND huyện Yên Dũng đã phê chuẩn Lệnh bắt khẩn cấp đối với 02 đối tượng cầm đầu; phê chuẩn Quyết định khởi tố đối với 04 bị can trong vụ án và phê chuẩn 02 lệnh tạm giam của Cơ quan CSĐT- Công an huyện Yên Dũng. Đây là vụ việc có tính chất và hậu quả rất nghiêm trọng. Gây tác động tiêu cực tới tình hình trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị của địa phương. Cơ quan CSĐT- Công an huyện Yên Dũng đã nhanh chóng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND huyện Yên Dũng truy tố các bị can theo khoản 3 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2010 vì trong trường hợp này, các đối tượng phạm tội gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, xét về góc độ xã hội thì vụ việc xảy ra đã làm cho dư luận quần chúng nhân dân lên án, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.
Qua vụ việc trên chúng ta thấy, quyền tự do thân thể của công dân đã bị xâm phạm, vi phạm nghiêm trọng quy định của Hiến pháp năm 1992 đối với “Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân”. Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân. Rộng hơn nữa, nó còn được coi như một quyền cơ bản của con người được công nhận tại Điều 9 Tuyên ngôn thế giới về Quyền con người năm 1948: “Không ai bị bắt, giam giữ hay đày đi nơi khác một cách độc đoán”. Do vậy, bất kỳ người nào xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thông qua hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì tùy theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đều phải bị xử lý bằng chế tài theo quy định của pháp luật một cách nghiêm minh nhất.
Hiện nay, Tòa án nhân dân huyện Yên Dũng đang thụ lý vụ án và dự kiến sẽ xét xử sau tết Nguyên đán Nhâm Thìn.
Vụ việc tiếp theo xin nêu ra là vụ việc đối với tội danh “Sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm". Tháng 10/2010, Ong Thị Tiếp ở thôn Tây, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng đã nảy sinh ý định làm hàng giả bằng cách đi mua vỏ bao có nhãn hiệu của hãng bột ngọt (mì chính) AJI-NO-MOTO, VEDAN; bột canh Iốt Hải Châu về rồi đi mua các nguyên liệu, công cụ như: máy dán ép túi nilon; mì chính rời được đóng trong bao không có nhãn mác, mì chính cánh mịn hiệu VERU của công ty cổ phần hữu hạn VEDAN Việt Nam được đóng trong bao; bột canh nhãn hiệu Phú Cường về nhà và cùng chồng là Trần Đức Thắng cân lên, đóng gói vào các bao bì có nhãn mác như đã nêu trên, dùng máy dán ép túi nilon dán các miệng túi sau đó mang bán ra thị trường với mục đích thu lời. Các gói mì chính giả vợ chồng Tiếp bán ra thị thường thấp hơn so với giá bán của hàng thật từ 1000 đến 2000 đồng/gói, thu lời được từ 1000 đến 2000 đồng/gói.
Riêng đối với việc đóng gói giả bột canh Iốt Hải Châu, do loại bột canh này có giá bán cao hơn giá bán của bột canh nhãn hiệu Phú Cường nên vợ chồng Tiếp đã trút toàn bộ số bột canh trong 01 gói bột canh của Phú Cường sang vỏ túi nhãn hiệu bột canh Iốt Hải Châu và dán mép túi lại như các gói mì chính giả và mang bán cho người tiêu dùng
.
Mỳ chính giả được đóng gói để bán ra thị trường
Ngày 22/02/2011, Đội CSĐT tội phạm kinh tế - chức vụ Công an huyện Yên Dũng đã tiến hành kiểm tra khẩn cấp nơi ở của Ong Thị Tiếp và Trần Đức Thắng thu giữ tại bếp 01 máy dập ép mép túi nilon nhãn hiệu Tân Thanh; 80 chiếc vỏ túi mì chính nhãn hiệu AJINOMOTO loại 1kg, 126 chiếc loại 454gram, 62 chiếc loại 100gram; 400 chiếc vỏ túi mì chính nhãn hiệu VEDAN loại 454gram; 730 chiếc vỏ túi bột canh nhãn hiệu Iốt Hải Châu loại 190gram cùng một số tang vật khác.
Sau khi khám xét và thu giữ những tang vật trên, cơ quan Công an huyện Yên Dũng đã tiến hành trưng cầu giám định số mì chính, bột canh nghi là hàng giả. Kết luận giám định cho thấy toàn bộ các nguyên liệu là mì chính và bột canh mà vợ chồng Tiếp mua về đóng gói bán cho người tiêu dùng là hàng giả, không đúng quy chuẩn về chất lượng của sản phẩm thật như nhãn mác bên ngoài. Qua các tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Cơ quan CSĐT- Công an huyện Yên Dũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và có công văn đề nghị Viện KSND phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Ong Thị Tiếp và Trần Đức Thắng về tội “Sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm". Tại hội nghị giao ban liên ngành (Công an - Viện kiểm sát - Tòa án) ngày 17/3/2011, 03 ngành đã xác định lấy vụ án này làm án điểm xét xử để phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội; đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng của pháp luật.
Hành vi trên của vợ chồng Ong Thị Tiếp đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe con người, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất, uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa bị người phạm tội sản xuất hoặc buôn bán hàng giả.
Việc sản xuất, buôn bán hàng giả ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất lưu thông hàng hóa trong nước, môi trường đầu tư và quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng; mặt khác việc kiểm tra, xử lý không thích đáng sẽ gây nên tình trạng ách tắc sản xuất, tiêu thụ và có tác động trái chiều. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống hàng giả chưa thật sự “bén rễ” vào các tầng lớp người tiêu dùng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; vấn đề phát hiện xử lý vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả của các cơ quan chức năng (như Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế...) hiệu quả còn hạn chế. Biên độ khung hình phạt các tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định trong Bộ luật hình sự còn rộng (hình phạt tù trong một khoản của một điều luật có thể chênh lệch 5-7 năm tù); Có lúc, có nơi, Tòa án xử phạt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả quá nhẹ, tác dụng giáo dục, phòng ngừa tội phạm không cao.Vấn đề đặt ra là giải pháp nào có thể áp dụng để ngăn chặn việc sản xuất, buôn bán cũng như xóa "chỗ đứng" của hàng giả trên thị trường? Cần tăng cường phối hợp và đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm, chống hàng giả; nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết các vụ việc về hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp; gắn chặt công tác chống hàng giả sản xuất trong nước với công tác chống buôn lậu hàng giả qua biên giới…; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong nhân dân; nâng cao vai trò của các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp cùng phối hợp với các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trong việc đấu tranh chống hàng giả.
Cũng trong năm qua, trên địa bàn huyện Yên Dũng xảy ra nhiều vụ “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, cụ thể hơn nữa đó là các vụ cháy rừng gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Cảnh tượng sau vụ cháy rừng
Các vụ việc xảy ra, tuy do lỗi vô ý nhưng cũng cần nhìn thẳng vào một sự thật rằng ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong một bộ phận nhân dân chưa cao dẫn đến việc “sai một li, đi một dặm”. Tuy hậu quả xảy ra là rất lớn nhưng việc xác định được đối tượng để xử lý lại rất khó khăn trên địa bàn huyện Yên Dũng.
Trong năm qua, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Yên Dũng đã ra 03 Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh này nhưng chỉ có 01 vụ xác định được 01 bị can, đến nay vụ án đã được truy tố, xét xử; còn 02 vụ đến khi hết thời hạn điều tra vụ án nhưng vẫn chưa xác định được đối tượng nên Cơ quan CSĐT - Công an huyện Yên Dũng đã phải ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Những vụ việc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trên cho thấy, hầu hết các vụ cháy rừng đều bắt nguồn từ việc dùng lửa của con người. Vì vậy, việc theo dõi thống kê nguyên nhân gây cháy rừng có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ sở để xác định các nhóm đối tượng chủ yếu của chiến dịch tuyên truyền giáo dục, nâng cao cảnh giác và tích cực ngăn ngừa các vụ cháy rừng xảy ra.
Chiến dịch tuyên truyền phòng cháy rừng được thực hiện qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài báo địa phương, pa-nô, áp-phích hoặc các khẩu hiệu và cũng có thể bằng hình thức tuyên truyền lưu động do Kiểm lâm trực tiếp thực hiện. Tất cả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới.
Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy ảnh hưởng của tội phạm đối với quá trình phát triển con người bền vững có tính chất dây chuyền. Hành vi của một người phạm tội, vi phạm pháp luật ảnh hưởng đối với sự phát triển của chính người đó, các thành viên trong gia đình của họ, ảnh hưởng tới người bị hại, thành viên của người bị hại và ảnh hưởng tới toàn xã hội. Hậu quả của tội phạm gây ra ở ba bình diện: Hậu quả về vật chất, về thể chất và hậu quả về tinh thần. Những hậu quả đó có thể ngay lập tức xảy ra và cũng có thể dần dần xảy ra. Có những hậu quả có thể khắc phục được và có những hậu quả không thể khắc phục được hoặc chỉ có thể khắc phục trong khoảng thời gian rất dài. Như các ví dụ đã nêu trên./
Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Viện KSND huyện Yên Dũng