Năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Việt Yên có chuyển biến, quốc phòng, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, tình hình tội phạm xảy ra và có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ án diễn biến phức tạp, tính chất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng đã và đang đặt gánh nặng lên vai không những của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn của cả xã hội.
Theo số liệu thống kê trong báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên trình tại kỳ họp thứ III - Hội đồng nhân dân huyện khóa XVIII, trong năm 2011, số vụ tội phạm và số người phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý bằng biện pháp hình sự đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan điều tra huyện Việt Yên đã phát hiện khởi tố, điều tra 103 vụ án hình sự các loại với 178 bị can (tăng 25 vụ và 35 bị can so với cùng kỳ năm 2010). Một số tội phạm còn xảy ra nhiều và gia tăng như: tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và xâm phạm sở hữu tăng 23 vụ và 39 bị can; các loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người tăng 4 vụ...
Ảnh: hoạt động xét xử vụ án hình sự tại Việt Yên, Bắc Giang
Trong thời gian vừa qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật huyện Việt Yên đã tích cực đấu tranh phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có những tội phạm về chống người thi hành công vụ, huỷ hoại tài sản, cướp tài sản, ma túy, cờ bạc ... được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.
Trong số các vụ án đã được phát hiện, khởi tố có nhiều vụ tính chất và hậu quả nghiêm trọng. Nhân dân vùng ven sông Cầu thuộc địa bàn các xã Tiên Sơn, Quang Châu đến nay vẫn còn chưa hết búc xúc về việc Nghiêm Văn Bé cùng đồng phạm đã có hành vi chống trả quyết liệt Đoàn công tác liên ngành của huyện khi phát hiện Bé cùng đồng phạm có hành vi hút cát trái phép trên sông Cầu. Người dân chưa hết bàng hoàng khi Trần Văn Chung, sinh năm 1993 ở thôn Khả Lý Thượng - xã Quảng Minh đã dùng gậy gỗ đánh vào đầu, xông vào bóp cổ chính người mẹ đẻ của mình cướp 12.000.000 đ đi chơi Game thì lại phẫn nộ trước hành vi của Phạm Văn Bình, sinh năm 1991 ở Thôn Hưng Đạo - xã Đông Lỗ - huyện Hiệp Hoà cùng đồng bọn dùng kiếm khống chế lái xe taxi để cướp tài sản xảy ra ở bờ đê thôn Phù Tài - xã Tiên Sơn.
Qua các vụ án đã được phát hiện và khởi tố điều tra trên địa bàn huyện Việt Yên cho thấy thực trạng đáng báo động hiện nay đó là số người phạm tội đang dần trẻ hóa độ tuổi, tội phạm chưa thành niên có chiều hướng gia tăng, có vụ tội phạm có thủ đoạn tinh vi, hành vi mang tính tàn bạo, có vụ hoạt động rất táo bạo, mạnh động, có vụ hoạt động băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”, phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn, sử dụng vũ khí “nóng” để gây án... gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp như đã nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm, có thể rút ra các nguyên nhân cơ bản sau:
Về nguyên nhân khách quan: Trong những năm gần đây, quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá trên địa bàn huyện Việt Yên đang diễn ra sôi động. Các doanh nghiệp hình thành ngày càng nhiều với quy mô lớn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, điều này còn làm nảy sinh nhiều mặt tiêu cực, việc người dân bị thu hồi đất để phát triển công nghiệp và việc du nhập các loại hình văn hóa độc hại, mạng Internet... trong quá trình mở cửa hội nhập đã gây lệch lạc trong tư tưởng, lối sống của một bộ phận nhân dân, trong đó có trẻ vị thành niên góp phần làm gia tăng không những về số lượng tội phạm mà tính chất, mức độ của hành vi phạm tội cũng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.
Về nguyên nhân chủ quan: Ở một số xã, thị trấn, cấp ủy chính quyền địa phương và lãnh đạo một số doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền trên một số lĩnh vực còn lỏng lẻo và có nhiều sơ hở. Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nghiêm; gia đình thiếu quan tâm trong việc kiểm soát, giáo dục con cái. Ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của một số cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân chưa cao; vai trò trách nhiệm và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan pháp luật có vụ, việc chậm được phát hiện làm cho tác dụng đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm bị hạn chế.
Từ thực trạng đáng báo động nêu trên, qua thực tiễn công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm, để góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:
1. Đề nghị Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân huyện chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ, nhân dân trên các lĩnh vực an toàn giao thông, ma tuý, cờ bạc… nhằm kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm hình sự.
2. Đề nghị các ngành chức năng cần quan tâm, đầu tư hơn nữa đến các chế độ, chính sách an sinh xã hội đối với công nhân.
3. Đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện cần có biện pháp hiệu quả và có sự đầu tư về tài chính, con người để làm tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng và tạo việc làm cho người phạm tội khi họ trở về địa phương, giúp họ có nhiều cơ hội để hoàn lương, không tiếp tục phạm tội. Hạn chế, dần xoá bỏ những tư tưởng phân biệt, kỳ thị với bản thân người phạm tội và gia đình họ.
Vũ Thị Lành
VKSND huyện Việt Yên, Bắc Giang