.

Thứ sáu, 17/05/2024 -12:57 PM

Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: thực trạng, nguyên nhân và một số giải pháp

 | 

Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phúc tạp đã và đang đặt gánh nặng lên vai không những của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn của cả xã hội.

Theo số liệu thống kê trong báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang trình tại kỳ họp thứ III - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, trong năm 2011, số vụ tội phạm và số người phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra và xử lý bằng biện pháp hình sự đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang đã phát hiện khởi tố, điều tra 1245 vụ án hình sự các loại với 2389 bị can (tăng 123 vụ và 564 bị can so với cùng kỳ năm 2010). Một số tội phạm còn xảy ra nhiều và gia tăng như: tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và xâm phạm sở hữu tăng 20 vụ và 95 bị can; các loại tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người tăng 12 vụ và 24 bị can; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng tăng 49 vụ và 391 bị can; tội phạm về ma túy tăng 42 vụ và 47 bị can...

Vụ " cướp tiệm vàng Ngọc Bích" gây xôn xao dư luận

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Giang đã tích cực đấu tranh phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có những tội phạm về tham nhũng, giết người, ma túy, mua bán người... nhiều vụ án nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong số các vụ án đã được phát hiện, khởi tố có nhiều vụ tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều gia đình trên địa bàn huyện Hiệp hòa đến nay vẫn còn điêu đứng khi bị Nguyễn Thị Hằng cùng với chồng ở xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa lừa đảo chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng. Người dân chưa hết bàng hoàng khi Hoàng Văn Mạnh sinh năm 1995 còn đang là học sinh lớp 11 ở xã Vân Sơn, huyện Sơn Động đã hiếp và giết chết chị Nông Thị H thì lại phẫn nộ trước vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích ở xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, hung thủ là Lê Văn Luyện chưa đầy 18 tuổi đã lập kế hoạch và bình thản ra tay sát hại một cách dã man ba người trong một gia đình, trong đó có một cháu bé mới 18 tháng tuổi và chặt đứt bàn tay của bé gái 8 tuổi là vụ giết người, cướp tài sản man rợ nhất trong các vụ giết người ngày càng nâng lên về mức độ tàn bạo.

Thông qua các vụ án đã được phát hiện và khởi tố điều tra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật xảy không chỉ ở thành thị mà còn xảy ra ở nông thôn và ở cả các làng bản miền núi, vùng sâu, vùng xa; số người phạm tội đang trẻ hóa độ tuổi, tội phạm chưa thành niên có chiều hướng gia tăng, có vụ tội phạm có thủ đoạn tinh vi, hành vi mang tính tàn bạo, có vụ hoạt động rất táo bạo, mạnh động, có vụ hoạt động băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”, phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn, sử dụng vũ khí “nóng” để gây án... gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khi bị phát hiện, vây bắt chúng tìm mọi cách chống trả quyết liệt.

Thực trạng tình hình vi phạm pháp luật đang ngày càng gia tăng và diễn biến phúc tạp như đã nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm, có thể rút ra các nguyên nhân cơ bản sau:

Về nguyên nhân khách quan: do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường vào đời sống xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực của nó như sự thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội còn làm nảy sinh nhiều mặt tiêu cực, thông qua việc du nhập các loại hình văn hóa độc hại, mạng Internet... trong quá trình mở cửa hội nhập tràn vào nước ta đã gây lệch lạc trong tư tưởng, lối sống của một bộ phận nhân dân, trong đó có trẻ vị thành niêngóp phần làm gia tăng không những về số lượng tội phạm mà tính chất, mức độ của hành vi phạm tội cũng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Về nguyên nhân chủ quan: đây có thể coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thực trạng vi phạm pháp luật hiện nay. Ở một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền trên một số lĩnh vực còn lỏng lẻo và có nhiều sơ hở. Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở các địa phương chưa sâu rộng, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, ý thức pháp luật của một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa nghiêm; gia đình thiếu quan tâm trong việc kiểm soát, giáo dục con cái. Ngoài ra, vai trò trách nhiệm và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm của các cơ quan pháp luật chưa cao, sức tấn công tội phạm của các lực lượng chức năng chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe tội phạm; một số vụ việc xảy ra chậm được phát hiện hoặc xử lý chưa kịp thời, nghiêm minh làm cho tác dụng đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm bị hạn chế.

Xét xử vụ án hình sự

Từ thực trạng nêu trên, thiết nghĩ cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả cấp bách và lâu dài. Để góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật hiện nay, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:

Một là: các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân cùng phát huy sức mạnh tổng hợp, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

Hai là: cần sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên của các cấp, các ngành, chính quyền và các đoàn thể trong việc tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cần phong phú với các nội dung phù hợp với tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ở từng địa phương. Đẩy mạnh các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các nhà trường. Đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao.

Ba là: mỗi gia đình là một “tế bào” của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật ngay từ trong trứng nước, mỗi gia đình cần tăng cường giáo dục về truyền thống đạo đức, văn hóa dựa trên nền tảng đạo đức xã hội và pháp luật của nhà nước; quan tâm hơn nữa đến con em mình, hiểu được đặc điểm tâm sinh lý của con trẻ để có thể xây dựng được phương pháp giáo dục phù hợp mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cần có sự gắn kết giữa gia đình - nhà trường - các tổ chức đoàn thể xã hội trong việc quản lý, giáo dục thanh thiếu niên về đạo đức và kiến thức pháp luật.

Bốn là, các cơ quan pháp luật cần kiên quyết hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Việc điều tra, truy tố, xét xử cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật; không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội. Có như vậy mới đủ sức răn đe tội phạm, mang lại niềm tin cho nhân dân./.

Lương kim thanh

P4- VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,919,452
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.17.174.108

    Thư viện ảnh