(Kiểm sát) - Trong không khí phấn khởi của cả nước đang kỷ niệm 66 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 31/8/2011, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vui mừng được đón đồng chí Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tới thăm và làm việc với Ngành.
Tham gia buổi làm việc còn có các đồng chí: Lê Thị Thu Ba, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW; đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Phó Chánh Văn phòng TW Đảng, Ủy viên Thường trực kiêm Trưởng ban Thư ký Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TW;
đồng chí Dương Thành Bắc, Phó Chánh Văn phòng TW Đảng cùng đại diện một số đơn vị liên quan.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; các đồng chí Phó Viên trưởng VKSNDTC: Hoàng Nghĩa Mai, Trần Phước Tới, Lê Hữu Thể cùngThủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSNDTC tham dự.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nghe đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC đã và đang nghiên cứu xây dựng nhiều đề án phục vụ việc xây dựng pháp luật. Trong đó, Đề án "Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam" đang xin ý kiến của các cơ quan hữu quan. Đề án "Đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo Kết luận 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị" đang được tích cực triển khai nghiên cứu.
Ngoài việc tích cực triển khai nghiên cứu, xây dựng các Đề án được Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp phân công, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC còn chủ động chỉ đạo xây dựng các Đề án"Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra"và chủ trương"Bảo đảm tốt hơn các điều kiện để VKS thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra. Đề án"Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKS theo yêu cầu cải cách tư pháp" đang được triển khai nghiên cứu cả về lý luận lẫn thực tiễn tổ chức, hoạt động điều tra nói chung và hoạt động của Cơ quan điều tra thuộc VKSND nói riêng.
Chỉ đạo VKS các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực kiểm sát các hoạt động tư pháp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan, sai.
Để tăng cường sự phối hợp công tác giữa VKS với các cơ quan hữu quan như TANDTC, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội... Đến nay, VKSNDTC đã chủ động xây dựng và đã ký kết nhiều Quy định phối hợp công tác với các cơ quan này, chỉ đạo VKS cấp dưới ký kết và thực hiện nhiều quy chế phối hợp công tác đạt kết quả tốt.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động của VKS, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Ban Cán sự Đảng VKSNDTC trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng;phối hợp cùng Ban Cán sự Đảng TANDTC, Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu, xây dựng Quy định về mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ban Cán sự Đảng: TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước với các tổ chức và người đứng đầu tổ chức có liên quan. Các quy chế, quy định này đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý, quyết định ban hành, tạo thuận lợi cho công tác phối hợp giữa các Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn ở Trung ương với cấp ủy các địa phương...
Ngoài ra, VKSNDTC đã mở rộng quan hệ song phương và đa phương với Viện kiểm sát, Viện công tố một số nước trên thế giới nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong hoạt động tư pháp.
Qua ý kiến của đồng chí Lê Thị Thu Ba và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo CCTPTW đã bổ sung đánh giá những kết quả đạt được của ngành Kiểm sát trong thời gian qua. Các ý kiến này đề xuất Ban Chỉ đạo CCTPTW cần xem xét cho ý kiến về những vấn đề thực tế đang còn có ý kiến nhiều như thành lập VKS khu vực, vấn đề có nên chuyển VKS thành Viện công tố không, việc lập Học viện Kiểm sát và vấn đề kinh phí, thang bảng lương có tính chất đặc thù của Ngành cần được quan tâm...
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo với Chủ tịch Nước về nhiều nội dung khẳng định rõ sự đồng thuận của Lãnh đạo VKSNDTC trong việc lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện Nghị quyết XI của Đảng, Nghị quyết 49 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị, đồng thời đồng chí Viện trưởng còn nêu một số bất cập trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong đó có công tác tuyển dụng công chức. Đây là vấn đề cấp bách cần được tháo gỡ để phục vụ tốt nhiệm vụ trong quá trình cải cách tư pháp. Ngành Kiểm sát cần có Học viện Kiểm sát để đảm bảo nguồn cung cấp cán bộ. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay, toàn Ngành hiện còn thiếu khoảng hơn 1.000 cán bộ, Kiểm sát viên so với biên chế được duyệt. Viện kiểm sát các địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp vẫn không tuyển dụng được. Theo dự báo của các chuyên gia, sau khi Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực, số lượng công việc mà ngành Kiểm sát nhân
dân phải thực hiện sẽ tăng lên 80%. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề trong khi số lượng cán bộ lại có hạn.
Cũng tại buổi làm việc, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình nêu lên thực trạng lạc hậu về trang thiết bị, phương tiện làm việc trong ngành Kiểm sát nhân dân, một số khó khăn về kinh phí, về đào tạo cán bộ...
Phát biểu chỉ đạo hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới,Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo CCTPTW đã khẳng định, hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân thời gian qua đã có những đổi mới đồng bộ, tạo được kết quả rõ rệt trong thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Chủ tịch nước chỉ rõ, ngành KSND cần tập trung thực hiện tốt hai chức năng của mình. Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng, Nhà nước xác định mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN. Yêu cầu đó, đòi hỏi ngành Kiểm sát phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ngành theo tiến trình cải cách tư pháp, bảo đảm tích cực, chủ động trong đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn ngừa vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý: Ngành KSND cần khắc phục triệt để tình trạng thiếu biên chế ở một số VKS địa phương, làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ các cấp để tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh; làm tốt hơn công tác phối hợp với Bộ Công an, TANDTC và các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Ngoài ra, cần chú ý công tác xây dựng Đảng trong toàn Ngành, tiếp tục cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đồng thời phải tạo quyết tâm lớn để có sự chuyển động mạnh trong khóa này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết XI của Đảng và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm phòng truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân. Tại đây, Chủ tịch nước đã ghi lại những dòng tâm sự của mình vào Sổ vàng ngành Kiểm sát nhân dân.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm phòng truyền thống ngành KSND
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết lưu niệm
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Lãnh đạo VKSNDTC tại phòng truyền thống ngành KSND
Tin và ảnh:Trần Tùng - Kiemsatonline