ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -00:12 AM

Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

 | 

Ký hiệu: 
63/2013/NĐ-CP
Ngày ban hành: 
27/06/2013
Người ký: 
Nguyễn Tấn Dũng
Loại VB: 
5. Nghị định
Lĩnh vực: 
10. Các lĩnh vực khác
Phân loại: 
Văn bản pháp luật
File vb: 

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 63/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27tháng 06năm 2013

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT

 

Căn cứ Luật tchức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh pháp điển hệ thng quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 4 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thng quy phạm pháp luật,

Chương 1.

CẤU TRÚC CỦA BỘ PHÁP ĐIỂN

Điều 1. Chủ đề trong Bộ pháp đin

Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội chưa thuộc các chủ đề đã có trong Bộ pháp điển thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề.

Chủ đề bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau chủ đề cuối cùng đã có trong Bộ pháp điển.

Điều 2. Đề mục trong Bộ pháp điển

1. Đề mục là bộ phận cấu thành của chủ đề, trong đó chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định.

2. Tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội thuộc chủ đề.

3. Theo tên gọi của từng đề mục, các đề mục trong mỗi chủ đề được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt và được đánh số theo chữ số Ả Rập, bắt đầu từ số 1. Trường hợp bổ sung đề mục thì đề mục bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau đề mục cuối cùng đã có trong chủ đề.

4. Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo bố cục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục.

Việc bổ sung phần, chương, mục vào cấu trúc của đề mục được thực hiện theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

Điều 3. Phần, chương, mục trong Bộ pháp điển

1. Phần, chương, mục là bộ phận cấu thành của đề mục, chứa đựng các điều của Bộ pháp điển.

2. Tên gọi và số thứ tự của phần, chương, mục trong đề mục là tên gọi và số thứ tự của phần, chương, mục trong văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục.

3. Trường hợp bổ sung phần, chương, mục thì phần, chương, mục bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau phần, chương, mục có nội dung liên quan nhất trong đề mục. Tên gọi của phần, chương, mục bổ sung là một cụm từ phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của phần, chương, mục.

Điều 4. Điều trong Bộ pháp điển

1. Điều trong Bộ pháp điển là bộ phận cấu thành của phần, chương, mục trong Bộ pháp điển; nội dung của mỗi điều trong Bộ pháp điển là nội dung của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển.

2. Tên gọi của điều trong Bộ pháp điển là tên gọi của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển.

3. Số của điều trong Bộ pháp điển gồm:

a) Số thứ tự của chủ đề;

b) Số thứ tự của đề mục;

c) Ký hiệu về hình thức của văn bản được pháp điển;

d) Số thứ tự của văn bản đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nếu có;

đ) Số của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển.

4. Ký hiệu về hình thức của văn bản như sau:

a) Luật của Quốc hội là LQ;

b) Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội là PL;

c) Lệnh của Chủ tịch nước là LC;

d) Quyết định là QĐ;

đ) Nghị định của Chính phủ là NĐ;

e) Nghị quyết là NQ;

g) Nghị quyết liên tịch là NL;

h) Chỉ thị là CT;

i) Thông tư là TT;

k) Thông tư liên tịch là TL.

5. Số thứ tự của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cùng một hình thức được ghi bằng chữ số Ả Rập, theo thứ tự về thời gian ban hành, bắt đầu từ số 1.

6. Số của điều trong Bộ pháp điển gồm các thành phần quy định tại Khoản 2 Điều này và được sắp xếp theo trật tự sau: Số thứ tự của chủ đề; dấu chấm; số thứ tự của đề mục; dấu chấm; ký hiệu về hình thức của văn bản được pháp điển; dấu chấm; số thứ tự của văn bản đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (nếu có); dấu chấm; số của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển; dấu chấm.

Điều 5. Ghi chú trong Bộ pháp điển

1. Ghi chú là việc ghi rõ số thứ tự của điều trong văn bản được pháp điển; số, ký hiệu, tên, ngày tháng năm ban hành, cơ quan ban hành và thời điểm có hiệu lực của văn bản.

2. Tại điều đầu tiên của mỗi văn bản được pháp điển thì phải ghi chú đầy đủ các thành phần quy định tại Khoản 1 Điều này; đối với các điều tiếp theo, thì chỉ ghi chú số thứ tự của điều; số, ký hiệu, thời điểm có hiệu lực của văn bản. Trường hợp nội dung của điều trong văn bản được pháp điển bị sửa đổi, bổ sung thì bổ sung phần ghi chú về nội dung sửa đổi, bổ sung, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực của văn bản.

3. Ghi chú được đặt trong ngoặc đơn ở dòng kế tiếp sau dòng về tên gọi của điều trong Bộ pháp điển bằng chữ in nghiêng, có cỡ chữ nhỏ hơn cỡ chữ của điều được ghi chú.

Điều 6. Chỉ dẫn trong Bộ pháp điển

1. Chỉ dẫn là việc chỉ ra các đề mục, phần, chương, mục hoặc điều của Bộ pháp điển có nội dung liên quan trực tiếp đến nhau.

2. Tùy từng trường hợp, việc chỉ dẫn được thực hiện giữa các đề mục, phần, chương, mục hoặc điều của Bộ pháp điển.

3. Chỉ dẫn được đặt trong ngoặc đơn, ngay sau nội dung được chỉ dẫn bằng chữ in nghiêng, có cỡ chữ nhỏ hơn cỡ chữ của nội dung được chỉ dẫn.

4. Căn cứ kết quả xác định các quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến nhau do cơ quan thực hiện pháp điển thực hiện theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này, Bộ Tư pháp thực hiện việc chỉ dẫn trong Bộ pháp điển.

Chương 2.

PHÁP ĐIỂN THEO ĐỀ MỤC

Điều 7. Đề nghị xây dựng đề mục

1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh, cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển quy phạm pháp luật trong văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định có trách nhiệm đề nghị xây dựng đề mục gửi Bộ Tư pháp. Đề nghị xây dựng đề mục gồm:

a) Tên gọi của đề mục;

b) Danh mục các văn bản dự kiến đưa vào đề mục được sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp;

c) Đề xuất sắp xếp đề mục vào chủ đề nào trong Bộ pháp điển.

2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Tổng hợp các đề nghị về xây dựng đề mục và lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục.

Điều 8. Thu thập văn bản

1. Cơ quan thực hiện pháp điển thu thập các văn bản sau đây:

a) Các văn bản thuộc nội dung của đề mục gồm: Văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản đó;

b) Các văn bản có nội dung liên quan đến các văn bản quy định tại Điểm a khoản này.

2. Các văn bản quy định tại Khoản 1 Điều này được thu thập theo thứ tự ưu tiên sau: Bản gốc văn bản; bản chính văn bản; bản đăng trên Công báo; bản sao y bản chính; bản sao lục của cơ quan, người có thẩm quyền; văn bản hợp nhất; văn bản đã được rà soát, hệ thống hóa được cơ quan có thẩm quyền công bố.

3. Nguồn thu thập đối với từng văn bản quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải được ghi rõ trong Danh mục các văn bản đã được thu thập.

Điều 9. Nội dung không pháp điển

1. Các quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực vào thời điểm cơ quan thực hiện pháp điển tiến hành việc pháp điển.

2. Quốc hiệu, căn cứ ban hành, lời nói đầu, phần về quyền hạn, chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền, dấu của cơ quan, tổ chức, nơi nhận văn bản.

Điều 10. Xử lý, kiến nghị xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế

1. Trường hợp phát hiện có quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản do mình ban hành hoặc trong văn bản liên tịch do mình chủ trì soạn thảo, thì cơ quan thực hiện pháp điển xử lý theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước khi sắp xếp các quy phạm pháp luật vào đề mục.

2. Trường hợp phát hiện có quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong các văn bản không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì cơ quan thực hiện pháp điển vẫn tiến hành việc pháp điển, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 11. Pháp điển các quy phạm pháp luật để xây dựng đề mục

Cơ quan thực hiện pháp điển tiến hành pháp điển các quy phạm pháp luật trong các văn bản theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trình tự sau:

1. Đối với quy phạm pháp luật trong văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục:

a) Xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này;

b) Loại bỏ các nội dung không pháp điển theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này;

c) Đưa toàn bộ nội dung còn lại với nguyên bố cục của văn bản vào đề mục.

2. Đối với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành:

a) Xử lý hoặc kiến nghị xử lý văn bản theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này;

b) Lựa chọn, sắp xếp các điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

c) Trường hợp có nhiều điều của một văn bản cùng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành lần lượt theo số thứ tự của các điều trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

d) Trường hợp một điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đầu tiên; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được sắp xếp ở trên;

đ) Trường hợp có nhiều điều của nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức;

e) Trường hợp trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có điều không hướng dẫn cụ thể điều nào của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì sắp xếp điều nàyngay sau điều có nội dung liên quan nhất của văn bản được quy quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành;

g) Các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.

3. Quy phạm pháp luật chuyển tiếp được sắp xếp ngay sau điều chứa quy phạm pháp luật được áp dụng chuyển tiếp. Trường hợp có nhiều điều được áp dụng quy phạm pháp luật chuyển tiếp thì sắp xếp quy phạm pháp luật chuyển tiếp ngay sau điều đầu tiên được áp dụng chuyển tiếp; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều có quy phạm pháp luật chuyển tiếp đã được sắp xếp ởtrên.

4. Phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo văn bản được sắp xếp vào cuối điều có quy định về phụ lục, biểu mẫu hoặc quy định việc áp dụng phụ lục, biểu mẫu. Trường hợp có nhiều điều cùng quy định áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì phụ lục, biểu mẫu được sắp xếp cuối điều đầu tiên có quy định về phụ lục, biểu mẫu hoặc quy định việc áp dụng phụ lục, biểu mẫu; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến phụ lục, biểu mẫu đã được sắp xếp ởtrên.

5. Việc đặt tên, đánh số của điều, ghi chú, xác định các quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến nhau và việc chỉ dẫn được thực hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 13 của Nghị định này.

6. Bộ Tư pháp hướng dẫn việc pháp điển đối với các văn bản không được bố cục theo điều và các trường hợp khác.

Điều 12. Bổ sung phần, chương, mục

Trường hợp các điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không sắp xếp được theo quy định tại Điều 11 của Nghị định này, thì tùy từng trường hợp, cơ quan thực hiện pháp điển bổ sung phần, chương, mục để sắp xếp các quy phạm pháp luật đó.

Vị trí phần, chương, mục bổ sung được sắp xếp ngay sau phần, chương, mục có nội dung liên quan nhất.

Điều 13. Xác định các quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến nhau

1. Trường hợp phần, chương, mục, điều của các văn bản được pháp điển có nội dung liên quan đến phần, chương, mục, điều của văn bản khác thì cơ quan thực hiện pháp điển ghi rõ số thứ tự, tên gọi của phần, chương, mục, điều, số, ký hiệu, tên gọi, ngày tháng năm ban hành của văn bản khác đó bằng chữ in nghiêng và được đặt trong ngoặc đơn vào cuối phần, chương, mục, điều của văn bản được pháp điển.

2. Trường hợp phần, chương, mục hoặc điều của văn bản được pháp điển có nội dung liên quan đến phần, chương, mục hoặc điều của đề mục đã có trong Bộ pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển ghi rõ số thứ tự, tên gọi của phần, chương, mục hoặc điều của đề mục đó bằng chữ in nghiêng và được đặt trong ngoặc đơn, ở cuối phần, chương, mục, điều của văn bản được pháp điển.

Điều 14. Đề nghị thẩm định, ký xác thực kết quả pháp điển theo đề mục

1. Sau khi hoàn thành việc pháp điển theo đề mục, cơ quan thực hiện pháp điển gửi 01 bộ hồ sơ kết quả pháp điển bằng văn bản kèm theo bản điện tử đến Bộ Tư pháp để thẩm định. Hồ sơ gồm:

a) Công văn đề nghị thẩm định;

b) Kết quả pháp điển theo đề mục; đối với kết quả bằng văn bản thì phải có chữ ký xác thực của Thủ trưởng cơ quan và được đóng dấu của cơ quan thực hiện pháp điển;

c) Các văn bản đã được sử dụng để pháp điển theo đề mục, kèm theo danh mục các văn bản đó.

2. Trường hợp có văn bản được ban hành sau thời điểm gửi kết quả pháp điển và trước thời điểm có kết luận của Hội đồng thẩm định, cơ quan thực hiện pháp điển bổ sung kết quả pháp điển và gửi hồ sơ bổ sung đến Bộ Tư pháp.

3. Cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm giải trình, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện pháp điển theo yêu cầu của Bộ Tư pháp trước khi tiến hành thẩm định kết quả pháp điển.

4. Cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm tiếp thu, chỉnh lý kết quả pháp điển theo kết luận của Hội đồng thẩm định.

5. Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển ký xác thực và đóng dấu cơ quan thực hiện pháp điển vào trang cuối của kết quả pháp điển theo đề mục đã được chỉnh lý, gửi Bộ Tư pháp theo thời hạn được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Điều 15. Kiểm tra kết quả pháp điển theo đề mục

1. Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định đề mục, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra việc tiếp thu, chỉnh lý kết quả pháp điển theo đề mục.

2. Trường hợp việc chỉnh lý kết quả pháp điển chưa đúng theo kết luận của Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp yêu cầu cơ quan thực hiện pháp điển tiếp tục chỉnh lý.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Tư pháp, cơ quan thực hiện pháp điển chỉnh lý đề mục, ký xác thực đối với nội dung đã được chỉnh lý và gửi về Bộ Tư pháp.

Chương 3.

CẬP NHẬT QUY PHẠM PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH, ĐỀ MỤC MỚI VÀO BỘ PHÁP ĐIỂN

Điều 16. Xác định quy phạm pháp luật mi ban hành

Quy phạm pháp luật mới ban hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là các quy phạm pháp luật được ban hành sau ngày có kết luận của Hội đồng thẩm định đối với kết quả pháp điển theo đề mục.

Điều 17. Pháp điển quy phạm pháp luật mi ban hành

Việc pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành được thực hiện như sau:

1. Trường hợp có văn bản mới ban hành sửa đổi, bổ sung nội dung trong phạm vi từng điều của văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung của điều trong Bộ pháp điển được sửa đổi, bổ sung; vị trí và nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

2. Trường hợp có văn bản bổ sung điều mới vào văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí, nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

3. Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã được pháp điển hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ trong Bộ pháp điển và ghi rõ lý do hủy bỏ, bãi bỏ.

4. Trường hợp có văn bản mới thay thế toàn bộ văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển, xây dựng lại đề mục theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

5. Trường hợp có văn bản mới thay thế văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và các nội dung trong Bộ pháp điển bị thay thế; vị trí và nội dung của các quy phạm pháp luật mới trong Bộ pháp điển, đánh số, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định các quy phạm pháp luật có liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

6. Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục bị bãi bỏ toàn bộ mà không có văn bản thay thế thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển và đề nghị Bộ Tư pháp loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển.

7. Việc thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật mới ban hành đối với các trường hợp khác được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Điều 18. Đề nghị cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mi ban hành

1. Chậm nhất là 20 ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới ban hành có hiệu lực đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 17 của Nghị định này thì cơ quan thực hiện pháp điển gửi về Bộ Tư pháp 01 bộ hồ sơ đề nghị cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới bằng văn bản kèm bản điện tử. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới của cơ quan thực hiện pháp điển;

b) Kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới bằng văn bản do Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển ký xác thực và đóng dấu của cơ quan thực hiện pháp điển;

c) Văn bản chứa quy phạm pháp luật mới ban hành.

2. Trường hợp xây dựng lại đề mục theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 của Nghị định này thì cơ quan thực hiện pháp điển gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, hoàn thiện, ký xác thực kết quả xây dựng lại đề mục đến Bộ Tư pháp theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này trong thời hạn sau:

a) Chậm nhất là 60 ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành có hiệu lực thi hành;

b) Chậm nhất là 35 ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới trong các văn bản không thuộc Điểm a Khoản này có hiệu lực thi hành.

Điều 19. Kiểm tra, cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành

1. Bộ Tư pháp kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Nghị định này. Trong trường hợp phát hiện kết quả pháp điển các quy phạm pháp luật mới ban hành chưa đầy đủ, chính xác, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan thực hiện pháp điển chỉnh lý.

Cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm chỉnh lý kết quả pháp điển theo đề nghị của Bộ Tư pháp và gửi kết quả chỉnh lý đến Bộ Tư pháp trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị.

2. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này, Bộ Tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

3. Bộ Tư pháp cập nhật kết quả pháp điển các quy phạm pháp luật mới ban hành vào Bộ pháp điển tại thời điểm quy phạm pháp luật mới có hiệu thi hành và loại bỏ các quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển.

Điều 20. Đề xuất và phân công xây dựng đề mục mới

1. Trong trường hợp có các quy phạm pháp luật mới được ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thì chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản mới được thông qua hoặc ban hành, cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm đề nghị xây dựng đề mục mới gửi Bộ Tư pháp. Việc đề nghị xây dựng đề mục mới được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra đề nghị xây dựng đề mục mới; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và phân công cơ quan thực hiện pháp điển đề mục mới.

Điều 21. Thực hiện pháp điển, thẩm định, cập nhật đề mục mới

1. Căn cứ quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan được phân công tiến hành pháp điển đề mục mới theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này.

2. Việc gửi Hồ sơ đề nghị thẩm định, ký xác thực kết quả pháp điển đề mục mới được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này.

3. Việc kiểm tra và cập nhật kết quả pháp điển theo đề mục mới được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Khoản 3 Điều 19 của Nghị định này.

Chương4.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2013.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Các cơ quan thực hiện pháp điển quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thực hiện pháp điển các đề mục thuộc trách nhiệm của mình theo quy định của Nghị định này. Trong quá trình thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật, cơ quan thực hiện pháp điển được sử dụng cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu về công tác pháp điển. Thù lao và các chế độ khác đối với cộng tác viên được thực hiện theo quy định của pháp luật./.

 

TM.CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,545,894
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.224.68.243

    Thư viện ảnh