.

Thứ năm, 18/04/2024 -11:23 AM

Pháp lệnh Kiểm sát viên sửa đổi

 | 

      Từ ngày 14 đến ngày 19/02/2011, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII. Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân.

      Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân được sửa đổi, bổ sung tập trung vào hai vấn đề lớn là quy định về ngạch bậc Kiểm sát viên và việc điều động, biệt phái nhân sự. Tại phiên họp thứ 8, ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi quy định hiện hành về phân loại ngạch Kiểm sát viên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đội ngũ Kiểm sát viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát các cấp. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị trước mắt chỉ quy định 3 loại ngạch Kiểm sát viên, còn Kiểm sát viên nhân dân cấp tỉnh, Kiểm sát viên nhân dân cấp huyện được chuyển tương ứng thành Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân do Uỷ viên UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày nêu rõ: để đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần bổ sung quy định “Mỗi cấp Viện kiểm sát được bố trí các ngạch kiểm sát viên khác nhau” và “Số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.

Những quy định liên quan đến việc điều động, biệt phái Kiểm sát viên cũng nhận được sự nhất trí cao của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền điều động, biệt phái Kiểm sát viên trong phạm vi tỉnh, thành phố; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều động, biệt phái Kiểm sát viên ngoài phạm vi tỉnh, thành phố; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền điều động Kiểm sát viên cùng cấp sau khi thống nhất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, biệt phái Kiểm sát viên đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Viện kiểm sát quân sự khác.

Cũng tại phiên họp thứ 38 này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, dự án Luật Thủ đô, Luật phòng, chống mua bán người, Luật kiểm toán độc lập; Về báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XII của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2011; Việc chuẩn bị báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 – 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Tờ trình về việc đề nghị bổ sung một số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm thành viên Uỷ ban Kiểm sát, gồm các đồng chí: Bùi Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án hình sự về trật tự xã hội (Vụ 1A), Nguyễn Minh Đức - Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát (Vụ 8), Nguyễn Việt Hùng - Chánh Văn phòng, Nguyễn Mạnh Hiền - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế - chức vụ (Vụ 1), Trần Đình Khánh - Vụ trưởng Vụ kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính - kinh tế - lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 12), Nguyễn Hải Phong - Cục trưởng Cục điều tra (Cục 6) và đồng chí Nguyễn Thị Yến - Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3).

Theo Tạp  chí  Kiểm  sát 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,686,031
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.224.58.62

    Thư viện ảnh