ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -03:00 AM

Ban Nội chính Trung ương làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 | 

Ngày 22/4/2013, Đoàn công tác Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham những, Trưởng ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Lê Minh Trí, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương và Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Ban Nội chính Trung ương cùng tham dự buổi làm việc. Về phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong và Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng tham dự buổi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tiến hành nhiều biện pháp, tích cực phối hợp với Cơ quan điều tra Bộ Công an để nắm, quản lý, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường kiểm sát ngay từ khi khởi tố vụ án, bị can; chủ động đề ra nhiều yêu cầu điều tra; chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án để họp bàn tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, nhất là những vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ được dư luận xã hội quan tâm. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thời gian qua tiếp tục có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngoài những thành tích đạt được, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Những vụ án lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương nhất là những vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, ngân hàng quá trình giải quyết vụ án thường gặp rất nhiều khó khắn, áp lực; mặt khác do sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết một số vụ án, còn tình trạng điều tra không đúng thẩm quyền, kéo dài thời hạn giải quyết vụ án…

Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao

trình bày Báo cáo tình hình hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân

Để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có một số kiến nghị: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm đặc biết là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ trong tình hình hiện nay; Ban Nội chính Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan tư pháp Trung ương đẩy mạnh việc phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn việc áp dụng pháp luật, nhất là các quy định hướng dẫn áp dụng quy định về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tăng cường chỉ đạo, giám sát các cơ quan nội chính Trung ương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ nhằm nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng kéo dài. Đồng thời đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm bổ sung biên chế đối với ngành Kiểm sát nhân dân, bảo đảm cho ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nói riêng thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và cơ sở, vật chất cho ngành Kiểm sát nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ để phục vụ cho công tác nghiệp vụ.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, việc Ban Nội chính Trung ương đến làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao không chỉ là dịp để Ban Nội chính Trung ương nắm bắt được tình hình, công việc, chức năng, nhiệm vụ, những khó khăn, vướng mắc của ngành Kiểm sát, là dịp để ngành Kiểm sát có được những thông tin quan trọng, mang tính gợi mở mà điều quan trọng là sẽ giúp cho mối quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan thời gian tới sẽ được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao mong muốn trong thời gian tới Ban Nội chính Trung ương sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để ngành Kiểm sát thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Nội chính Trung ương khẳng định, để ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao thì điều quan trọng đầu tiên là ngành Kiểm sát nhân dân cần quan tâm, chú trọng đến công tác cán bộ cả về số lượng, chất lượng và chế độ chính sách đối với cán bộ. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát nhân dân cần kiện toàn, củng cố để có một bộ phận đủ mạnh chủ động tham gia ngay từ đầu đối với các vụ án tham nhũng, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, những vụ án lớn và phức tạp… Đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, để sự phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Viện kiểm sát nhân dân tối cao thời gian tới được chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả hơn thì ngành Kiểm sát cần có những thông tin phản ánh, đề xuất, kiến nghị kịp thời đối với Ban Nội chính Trung ương đồng thời trong Quý II năm 2013, hai cơ quan cần khẩn trương tiến hành xây dựng và hoàn thành Quy chế phối hợp trình Ban Bí thư ký ban hành.

Theo TTĐT VKSTC

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,436,810
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.8.79

    Thư viện ảnh