(BVPL) - Năm 2012, ngành Kiểm sát nhân dân xác định là năm hoạt động: “Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, Hướng về cơ sở”. Nhiều mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đã được toàn Ngành tập trung thực hiện tốt và đạt những kết quả tích cực. Nhân dịp đầu Xuân mới Quí Tỵ năm 2013, báo Bảo vệ pháp luật bình chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành Kiểm sát trong năm 2012.
1. Đề xuất những nội dung sửa đổi chế định Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp năm 1992
Năm 2012, cùng với việc tổ chức tốt tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; hoàn thành Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, ngành Kiểm sát cũng đã xây dựng Báo cáo đề xuất về những nội dung sửa đổi trong Hiến pháp có liên quan đến chế định VKSND cho phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra.
Liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII khẳng định, VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp
Trong quá trình thảo luận, các ý kiến đều đánh giá cao và cơ bản nhất trí với những đề xuất, kiến nghị của VKSNDTC về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Đó là, cần tiếp tục khẳng định vị trí, chức năng, nhiệm vụ của VKSND như quy định trong Hiến pháp năm 1992. Kết luận số 20-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và những nội dung cơ bản về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã nêu: VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII đã xác định 9 nội dung trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, trong đó sửa đổi 3 điều quy định về VKSND. Theo đó, đã quy định: VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Cũng tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII, trong phiên thảo luận tại hội trường về sửa đổi Hiến pháp, đại đa số các ý kiến khẳng định: VKSND có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải bổ sung cho VKSND nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xử lý vi phạm hành chính, kiểm sát văn bản.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII Ban hành 04 Nghị quyết về ngành KSND
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình tặng hoa chúc mừng các Kiểm sát viên VKSNDTC được UBTVQH cử làm thành viên UBKS VKSNDTC.
Ngày 16/8/2012, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành 04 Nghị quyết về ngành KSND gồm: Nghị quyết 522b/NQ-UBTVQH13 về trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và Giấy chứng minh Kiểm sát viên; Nghị quyết 522c/NQ-UBTVQH13 về việc cử Kiểm sát viên VKSNDTC làm thành viên Ủy ban kiểm sát VKSNDTC; Nghị quyết 522d/NQ-UBTVQH13 phê chuẩn việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của VKSNDTC; Nghị quyết 522e/NQ-UBTVQH13 về tổng biên chế và số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND, VKS quân sự các cấp. Với tầm quan trọng của các Nghị quyết, có thể coi là một bước phát triển mới trong việc xây dựng và phát triển của Ngành qua đó góp phần đưa hình ảnh, vị thế của ngành Kiểm sát ngày càng được nâng cao.
3. Lần đầu tiên thực hiện nghi thức Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên tại Phủ Chủ tịch
Trao quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSNDTC và bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên VKSNDTC tại Phủ chủ tịch vào đầu tháng 4/2012.
Đầu tháng 4/2012, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với VKSNDTC tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSNDTC và Quyết định bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên VKSNDTC. Đây là lần đầu tiên nghi thức Chủ tịch nước trao Quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSNDTC được thực hiện tại Phủ Chủ tịch. Việc thực hiện nghi thức Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSNDTC tại Phủ Chủ tịch không chỉ khẳng định việc Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện để ngành Kiểm sát thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ do Hiến pháp, pháp luật quy định, đặc biệt là nhiệm vụ trong Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 mà điều này cũng phản ánh kết quả của quá trình quy hoạch, đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát và sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện của bản thân từng đồng chí được bổ nhiệm. Tiếp đó, ngày 20/8/2012 tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước cũng đã long trọng tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh đối với 25 Kiểm sát viên VKSNDTC, 04 Kiểm sát viên VKSQS Trung ương.
4. Lần đầu tiên sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 được tổ chức theo Cụm với chủ đề công tác “Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, Hướng về cơ sở”
Năm 2012, VKSNDTC tổ chức Hội nghị sơ kết theo Cụm đơn vị do các đồng chí Lãnh đạo VKSNTC phụ trách. Đây là lần đầu tiên tổ chức sơ kết theo Cụm và đạt được kết quả tốt đẹp. Việc tổ chức Hội nghị sơ kết theo Cụm ngoài việc tạo điều kiện để kiểm điểm, đánh giá công tác một cách sâu sát hơn thì đây cũng là cơ hội để các đơn vị gặp gỡ, trao đổi, học tập nhiều kinh nghiệm, biện pháp hay trong công tác, đồng thời để các đơn vị có điều kiện trực tiếp kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác để VKSNDTC nắm bắt, giải đáp, nghiên cứu tháo gỡ. Bên cạnh đó, để thực hiện chủ đề công tác năm “Đổi mới, Chất lượng, Kỷ cương, Hướng về cơ sở”, nhiều hoạt động khác cũng được triển khai hiệu quả như hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện tập trung, phối hợp chuyên sâu, có đơn vị làm đầu mối tham mưu, quản lý nên bước đầu đã đạt được những kết quả thiết thực, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí…
5. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc 3 cấp ngành Kiểm sát về “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh với các đồng chí lãnh đạo VKSNDTC tại Hội nghị toàn quốc ngành KSND.
Trong hai ngày 06 và 07 tháng 12 năm 2012 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003” của ngành KSND. Đây là lần đầu tiên Hội nghị có sự tham gia của 3 cấp kiểm sát với khoảng 1000 đại biểu và có nhiều hoạt động được diễn ra như: Các đại biểu dự Lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hội nghị vinh dự được đón các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị; nghe trình bày và thảo luận về xây dựng hai Dự án Luật quan trọng, đó là Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) và Luật tổ chức VKSND (sửa đổi); các đại biểu tiến hành thảo luận tại các tổ với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm.
6. Nhiều hoạt động hưởng ứng “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”
VKSNDTC Việt Nam đón nhận Huân chương của Nhà nước CHDCND Lào tặng ngày 23/10/2012.
Năm 2012 là năm mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào tích cực triển khai các hoạt động chào mừng 50 năm Ngày thiết lập quan hệ Việt Nam - Lào và 35 năm Ngày ký kết hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt - Lào. Hưởng ứng “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2012”, VKSND hai nước bên cạnh việc tổ chức các Đoàn đại biểu cấp cao sang thăm và làm việc lẫn nhau nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện thì cũng đã triển khai một số hoạt động hợp tác tiêu biểu, hiệu quả, thiết thực, cụ thể: Viện trưởng VKSNDTC hai nước đã tiến hành ký Biên bản Hội đàm trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào cuối tháng 3/2012 của Đoàn đại biểu cấp cao VKSNDTC Lào; tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa Việt - Lào giữa VKSNDTC hai nước từ ngày 17 đến ngày 22/7 tại tỉnh Nghệ An; trao Huân chương của Nhà nước CHDCND Lào cho VKSNDTC Việt Nam và trao tặng Bằng khen của VKSNDTC Lào cho một số tập thể của VKSND Việt Nam; các Viện kiểm sát địa phương có chung đường biên giới cũng có nhiều hoạt động thiết thực.... Thông qua những sự kiện trên đã góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Viện kiểm sát hai nước, qua đó góp phần tích cực vào việc duy trì và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
7. Chuẩn bị các điều kiện để thành lập Trường Đại học Kiểm sát
Lễ động thổ - khởi công xây dựng công trình Nhà ký túc xá 11 tầng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tháng 9/2012.
Ngày 27/12/2012, Ban Chấp hành Trung ương có Thông báo số 116-TB/TW thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về việc đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, Bộ Chính trị đã đồng ý để VKSNDTC được đào tạo nghề Kiểm sát viên nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cho phép ngành Kiểm sát nhân dân được đào tạo bậc đại học chuyên ngành để có thêm nguồn tuyển dụng cán bộ phù hợp với chuyên môn của ngành mình. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, ngành Kiểm sát nhân dân đã và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập Đại học Kiểm sát như: kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự; hệ thống chương trình, giáo trình và tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động… Việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thành lập Đại học Kiểm sát nhằm đáp ứng các mục tiêu, đó là: xây dựng Đại học Kiểm sát với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm thực tiễn; có hệ thống giáo trình, tài liệu đầy đủ, bảo đảm tính chuyên ngành; có cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy hiện đại, để thực hiện tốt nhiệm vụ mới là đào tạo cử nhân luật chuyên ngành Kiểm sát và tiếp tục thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; phấn đấu xây dựng Đại học Kiểm sát trở thành trung tâm lớn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
8. Hội nghị vinh danh Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu
VKSNDTC tổ chức Họp báo về Hội nghị vinh danh Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu ngành KSND lần thứ hai.
Thực hiện Qui định tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu trong ngành Kiểm sát, trong năm 2012, Viện kiểm sát các cấp đã tổ chức Hội thi tuyển chọn được 563 Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi. Tiếp đó, đã tiến hành tuyển chọn được 111 Kiểm sát viên tiêu biểu của ngành Kiểm sát. Trên cơ sở đó, VKSNDTC tiến hành tổ chức Hội nghị vinh danh Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu ngành Kiểm sát lần thứ hai. Việc tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Điều tra viên giỏi và tổ chức Hội nghị vinh danh các Kiểm sát viên tiêu biểu, Điều tra viên tiêu biểu ngành Kiểm sát là một trong những hoạt động thiết thực để triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”; đồng thời gắn với việc hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động của Ngành về xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
9. Đưa vào ứng dụng trong ngành Kiểm sát hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến
Ngày 21/8/2012, Viện trưởng VKSNDTC có Quyết định 463/QĐ-VKSTC-V11 về việc phê duyệt Dự án đầu tư Xây dựng thí điểm Hệ thống họp giao ban trực tuyến. Cho đến nay, đã đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng thí điểm Hệ thống họp giao ban trực tuyến (Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến) của ngành Kiểm sát nhân dân tại 67 điểm, bao gồm 4 phòng họp tại VKSNDTC và 63 phòng họp tại trụ sở Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Và ngày 28/12/2012, Hội nghị Giao ban trực tuyến đã được được đưa vào sử dụng, vận hành trôi chảy, đạt chất lượng tốt.
VKSNDTC tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến ngày 28/12/2012.
Theo thống kê sơ bộ, mỗi năm, VKSNDTC tổ chức khoảng 40 cuộc hội nghị, cuộc họp, giao ban, hội thảo, tập huấn với qui mô Ngành. Nhiều cuộc họp trong số này có thể thực hiện qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin của ngành Kiểm sát nhân dân, trong đó có dự án xây dựng Hệ thống họp giao ban trực tuyến (Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến) nhằm tổ chức các hội nghị truyền hình trực tuyến, phục vụ thiết thực hoạt động chỉ đạo, điều hành trong ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần giảm các cuộc họp đông người theo hình thức tổ chức hội nghị truyền thống, thông tin nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm, với chất lượng ổn định và an toàn, bảo mật...
10. Lần đầu tiên trang bị ô tô chuyên dụng cho các VKSND cấp Huyện
Phiên họp lần thứ 6, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xem xét cho ý kiến về Đề án về tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho ngành KSND.
Cùng với việc tiếp tục triển khai, thực hiện các đề án về tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp như: Đề án đảm bảo cơ sở vật chất và kinh phí cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo Kết luận số 79 của Bộ Chính trị; Đề án đầu tư xây dựng hệ thống trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2011-2020; ngày 4/10/2012, Viện trưởng VKSNDTC ban hành Quyết định số 555/QĐ-VKSTC-V11 về việc phân bổ 118 xe ô tô theo Đề án năm 2012 được cấp từ nguồn kinh phí quản lý hành chính. Theo đó, phân bổ 118 xe ô tô mua năm 2012 cho VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị dự toán trực thuộc VKSNDTC để thay thế xe phục vụ công tác và trang bị xe ô tô chuyên dùng cho VKSND cấp huyện. Đây là lần đầu tiên VKSND cấp huyện được trang bị xe ô tô. Trước mắt, xe ô tô chuyên dùng cho VKSND cấp huyện được phân bổ cho đơn vị ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn đi lại khó khăn, có hệ số khu vực từ 0,3% trở lên; đơn vị ở khu vực đồng bằng có số lượng án nhiều, phức tạp...
( Theo Bảo vệ pháp luật )