ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -04:25 AM

Một số biện pháp đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Văn phòng tổng hợp ở VKSND tỉnh Bắc Giang

 | 

       Xác định rõ vai trò của công tác văn phòng tổng hợp là hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; thời gian qua, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tổng hợp ở cả hai cấp Kiểm sát (tỉnh và huyện). Lựa chọn, bố trí cán bộ có khả năng nắm bắt đầy đủ hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, có kỹ năng tổng hợp, nhận định, đánh giá, phân tích tình hình làm công tác tổng hợp … Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh luôn chỉ đạo, định hướng kịp thời cho công tác tổng hợp, do đó chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu tổng hợp được nâng lên, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng của Ngành.

       Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiều biện pháp   đổi mới về công tác Văn phòng, cụ thể như sau:    

       Công tác tham mưu góp ý với Lãnh đạo trong việc xây dựng kế hoạch công tác, phương hướng nhiệm vụ thi đua hàng năm của Ngành, Văn phòng Tổng hợp đã chủ động nghiên cứu, bám sát nội dung Chỉ thị về công tác kiểm sát, Chỉ thị về thi đua - khen thưởng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nhất là hệ thống chỉ tiêu cơ bản các khâu nghiệp vụ, chỉ tiêu về công tác thi đua; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình, đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trên cơ sở đó, dựa trên kết quả các khâu công tác của Ngành năm trước tiến hành phân tích, đánh giá kết quả đạt được, những việc chưa làm được hoặc còn có thiếu sót, hạn chế trong phạm vi toàn Ngành để đề xuất ban hành kế hoạch công tác với các nội dung, biện pháp cụ thể, khách quan và khả thi. Văn phòng tổng hợp đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Viện trong xây dựng kế hoạch công tác theo định kỳ (hàng năm, hàng quý, hàng tháng); tổ chức theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của các đơn vị; đề xuất các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng bộ các khâu công tác nghiệp vụ; tổng hợp xây dựng các loại báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về kết quả hoạt động của ngành theo yêu cầu của Ngành và cấp Ủy địa phương (báo cáo tuần, tháng, sơ kết, tổng kết, báo cáo với cấp Ủy, Hội đồng nhân dân địa phương theo định kỳ…).

        Văn phòng đề xuất với Lãnh đạo Viện tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch công tác đến các đơn vị trong Ngành (các phòng và Viện kiểm sát cấp huyện); từ đó hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp, bám sát các nội dung, yêu cầu nhiệm vụ đối với từng khâu công tác đã đề ra trong kế hoạch. Đồng thời chủ động có kế hoạch tham mưu giúp Lãnh đạo Viện tiến hành kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch của các đơn vị nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện; qua đó giúp các đơn vị có biện pháp khắc phục và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị.

        Xây dựng các loại báo cáo chính xác, đầy đủ, kịp thời:Phương châm công tác tham mưu tổng hợp được Văn phòng xác định là phải đảm bảo tính “nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đầy đủ và hiệu quả”. Để có báo cáo kịp thời, trung thực, chính xác, khách quan và toàn diện, Văn phòng nắm chắc các nội dung quy định trong Quy chế về thông tin, báo cáo, quản lý công tác trong Ngành ban hành kèm theo Quyết định số 198/QĐ-VKSTC, ngày 29/4/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (gọi tắt là Quy chế 198) và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện và triển khai đến các đơn vị. Thường xuyên tranh thủ sự hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp của Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Phòng Tổng hợp); duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong Ngành (các phòng nghiệp vụ và các Viện kiểm sát cấp huyện), nhất là với phòng Thống kê tội phạm. Trước khi tổng hợp xây dựng dự thảo báo cáo, tùy theo phạm vi, tính chất mỗi loại báo cáo, Văn phòng trao đổi trực tiếp (hoặc bằng văn bản) với các đơn vị có liên quan để yêu cầu cung cấp tình hình, số liệu cần thiết đảm bảo báo cáo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong việc tổng hợp xây dựng báo cáo, cán bộ thực hiện đã chú trọng tích lũy những vấn đề trọng tâm (về tình hình vi phạm pháp luật, các loại tội phạm, đối tượng phạm tội có tính chất điển hình xảy ra trên địa bàn…). Qua các kỳ báo cáo làm căn cứ so sánh, đánh giá, nhận định, đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu công tác nghiệp vụ của Ngành. Văn phòng luôn theo dõi, tổng hợp kịp thời tình hình thực hiện Quy chế 198 của các đơn vị trong Ngành, thường xuyên trao đổi, nhắc nhở các đơn vị, định kỳ hàng quý ban hành văn bản thông báo rút kinh nghiệm, chỉ rõ những thiếu sót, hạn chế của các đơn vị trong việc thông tin, báo cáo nhằm từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp, góp phần phục vụ thiết thực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện.   

       Thường trực, theo dõi tổng hợp toàn bộ các hoạt động về thi đua - khen thưởng của toàn Ngành: Từ khi Luật Thi đua - Khen thưởng được ban hành, công tác thi đua - khen thưởng của ngành Kiểm sát Bắc Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nắm chắc nội dung các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua - khen thưởng, nhất là Quy chế Thi đua - khen thưởng ngành Kiểm sát nhân dân (Quy chế 307), Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương (Quy chế 306) của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh bắc Giang tổ chức phát động các phong trào thi đua; theo dõi, đôn dốc, chỉ đạo việc triển khai thực hiện. Các phong trào thi đua, thành tích thi đua- khen thưởng luôn được Văn phòng cập nhật và theo dõi một cách kịp thời, đầy đủ, có hệ thống trên sổ sách. Với phong trào thi đua do Ngành, địa phương phát động, Văn phòng chủ động nghiên cứu các văn bản của cấp trên và áp dụng hướng dẫn, chỉ đạo cho cơ sở thực hiện. Nếu có vấn đề chưa rõ đều liên hệ trực tiếp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Phòng Thi đua) để được giải đáp, hướng dẫn. Từ đó, Văn phòng tham mưu với Hội đồng thi đua - khen thưởng của Ngành ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đối với các đơn vị trong Ngành. Khi sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, Văn phòng căn cứ các quy định của nhà nước và Ngành về điều kiện, tiêu chuẩn, tỷ lệ các danh hiệu thi đua đối với cả tập thể và cá nhân để chỉ đạo các đơn vị tiến hành bình xét và làm thủ tục đề nghị khen thưởng từ cấp dưới lên. Trước khi trình Hội đồng xét duyệt, Văn phòng tập hợp theo các chỉ tiêu cơ bản về công tác nghiệp vụ (số lượng, chất lượng công việc; số án bị hủy, sửa, án trả hồ sơ để điều tra bổ sung có lỗi của Viện kiểm sát; số kháng nghị, kiến nghị…) của các đơn vị để làm cơ sở cho việc xem xét. Tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị khen thưởng các danh hiệu cao đều được Văn phòng soát xét, làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền kịp thời, đúng đối tượng… Chính vì vậy, quá trình bình xét các danh hiệu thi đua luôn đảm bảo khách quan, công bằng, dân chủ, chặt chẽ, không tràn lan nhưng vẫn đảm bảo tính động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực phấn đấu, tạo được khí thế thi đua sôi nổi phấn khởi hoàn thành tốt nhiệm vụ toàn ngành Kiểm sát Bắc Giang. Làm tốt công tác tham mưu, giúp lãnh đạo Viện trong việc hoàn tất các thủ tục, hồ sơ khen thưởng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khen thưởng trong các phong trào thi đua do ngành và địa phương phát động.

        Văn phòng luôn tích cực, chủ động trong việc bố trí, sắp xếp các chương trình công tác tuần, tháng, tổ chức các hoạt động (hội nghị, hội thảo trong Ngành, liên ngành trong tỉnh…) một cách hợp lý, giúp cho hoạt động chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của lãnh đạo Viện trong phạm vi toàn Ngành và địa phương được thuận lợi và có hiệu quả.

        Tiến hành tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Văn phòng tổng hợp, công tác thi đua, khen thưởng; quan tâm nghiên cứu về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác văn phòng tổng hợp, kiêm nhiệm theo dõi công tác thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang luôn có sự phân công, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ phận như: Công tác tổng hợp với công tác văn thư, lưu trữ giữa Văn phòng với các đơn vị trong Ngành, tham mưu hiệu quả cho Lãnh đạo Viện, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới, chất lượng, hiệu quả trong lĩnh vực công tác Văn phòng toàn ngành Kiểm sát nhân dân.Việc quản lý công văn đi, đến được thực hiện chặt chẽ bằng hệ thống sổ sách quản lý theo quy định về công tác văn thư, từng bước hiện đại hóa bằng việc thực hiện công tác theo dõi, quản lý công văn đi, đến trên phần mềm tin học (đã triển khai ứng dụng trong toàn Ngành), đảm bảo việc khai thác, sử dụng nhanh chóng, chính xác và tính bảo mật cao.                              

        Thực hiện nhiều biện pháp đổi mới trên đây, Văn phòng Tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đạt nhiều thành tích xuất sắc: Hàng năm đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh” và đều có từ 2- 3 cá nhân được công nhận đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”; 05 năm liền đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; Được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba,do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ngành kiểm sát nhân dân, đáp ứng được yêu cầu Cải cách tư pháp, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thái Hưng

(Văn phòng Tổng hợp VKSND Tối cao)

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,437,426
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.146.107.144

    Thư viện ảnh