ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -21:10 PM

Một vài suy ngẫm về tư cách người cán bộ Kiểm sát nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh

 | 

Như chúng ta đã biết, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Kể từ đó Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân chính thức đi vào cuộc sống, đánh dấu bước ngoặt lớn về sự ra đời của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, một cơ quan trong bộ máy Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Hơn 50 năm qua, trải qua bao thăng trầm lịch sử, các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân luôn ghi nhớ và thực hiện 10 chữ vàng mà Bác dạy: cán bộ kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Là những cán bộ trẻ mới vào ngành, nghiên cứu về 5 đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát, chúng tôi thấy lời dạy của Bác chính là xuất phát từ phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống của người cán bộ cách mạng. Năm đức tính đó là chuẩn mực cơ bản nhất bao trùm phẩm chất, đạo đức, tư cách của người cán bộ Kiểm sát nhân dân.

Người cán bộ Kiểm sát phải công bằng, sáng suốt, rõ ràng và minh bạch trong quá trình giải quyết công việc để đảm bảo sự bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật ; luôn thật thà, ngay thẳng, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, từ việc nhỏ đến việc lớn phải biết được phải, trái, đúng, sai để xác định cho mình quan điểm, lập trường,  thái độ đúng đắn khi giải quyết công việc. Người cán bộ Kiểm sát nếu không trung thực có thể dẫn đến việc làm trái pháp luật, để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, hoặc gây thiệt hại cho người khác.

Người cán bộ Kiểm sát phải luôn khách quan khi giải quyết công việc và không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch trong công việc.

Người cán bộ Kiểm sát phải thực sự cẩn thận khi giải quyết công việc, tuyệt đối không được cẩu thả, phải nghiên cứu xem xét một cách đầy đủ, toàn diện, không được qua loa, đại khái. Bởi vì sai sót của người cán bộ Kiểm sát trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát  các hoạt động tư pháp là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật.

Đặc biệt người cán bộ kiểm sát phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn, cầu thị để thực sự là chỗ dựa tin cậy của người dân. Cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gần dân và điều quan trọng là phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân.

Để thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân; trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát, cán bộ, kiểm sát viên Viện KSND huyện Việt Yên đã thể hiện rõ bản lĩnh chính trị , kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tích cực tham gia thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực, giữ vững phẩm chất cách mạng, đề cao đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tập thể đơn vị đã đoàn kết, đồng lòng khắc phục khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát từng bước được nâng lên rõ rệt.

Tập thể Viện KSND huyện Việt Yên năm 2011 

Tiếp tục đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, kiểm sát viên Viện KSND huyện Việt Yên càng nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về tấm gương đạo đức của Người;  xác định rõ yêu cầu, tiêu chuẩn đối với người cán bộ Kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Với chúng tôi, giờ đây mới chỉ là điểm khởi đầu trên con đường mà chúng tôi tha thiết được bước tiếp và bước mãi. Nhưng để bước đi một cách vững vàng thì bất kỳ một cán bộ kiểm sát trẻ nào cũng  cần phải  thực sự nỗ lựcvà quyết tâm hơn nữa trong phấn đấu, rèn luyện bản thân về tư tưởng, đạo đức, lối sống; trong quan hệ với nhân dân, quan hệ với đồng nghiệp; đề cao trách nhiệm trong công việc để nâng cao trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp. Đặc biệt phải yêu ngành, yêu nghề bởi có yêu ngành, yêu nghề thì mới dồn hết tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình cho công việc được giao; phải luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp bởi cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng.

 Hoà chung không khí toàn ngành kiểm sát Bắc Giang đang sôi nổi thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 52 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân 26/7/1960 - 26/7/2012, cán bộ trẻ chúng tôi cùng toàn thể cán bộ, kiểm sát viên Viện KSND huyện Việt Yên nguyện cố gắng hơn nữa thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy cán bộ ngành kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; tiếp tục thực hiện các  phong trào thi đua với khí thế mới, nội dung mới, tích cực tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” để xứng đáng với truyền thống  của ngành và góp phần tích cực vào việc xây dựng ngành Kiểm sát Bắc Giang ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

 Vũ Thị Lành

( Viện KSND Việt Yên )

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,141,210
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.106.47

    Thư viện ảnh