ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -20:40 PM

Hội nghị tập huấn Quy chế tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 | 

Ngày 10/7/2012, tại thành phố Đà Nẵng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội nghị toàn ngành tập huấn Quy chế tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC tới dự và chỉ đạo hội nghị; tham dự hội nghị gồm có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố, Phòng điều tra thuộc Viện kiểm sát quân sự Trung ương cùng tập thể Lãnh đạo, Điều tra viên, cán bộ Cục điều tra VKSND tối cao.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu ý kiến khai mạc và chỉ đạo hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC nêu rõ: Được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sự chủ động, tích cực triển khai thực hiện của Cục điều tra, của các đơn vị trong toàn ngành; qua hơn một năm thực hiện Quy chế tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kèm theo Quyết định số 116/2011/QĐ-VKSTC-C6 ngày 14/4/2011 của Viện trưởng VKSNDTC (sau đây gọi tắt là Quy chế 116), các đơn vị, các Viện kiểm sát địa phương trong ngành Kiểm sát nhân dân đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, từ đó, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng thông tin về tội phạm được phát hiện và cung cấp cho Cục điều tra VKSNDTC đã tăng nhiều, chất lượng thông tin được nâng cao, đã phát hiện, điều tra và xử lý được nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, góp phần vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Mục đích của hội nghị tập huấn là nhằm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Quy chế trong thời gian qua, những kết quả đạt được, chưa đạt được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới; từ đó, tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức về quan điểm chỉ đạo, định hướng công tác, nắm vững các nội dung của Quy chế 116, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng

VKSNDTC phát biểu chỉ đạo hội nghị

Báo cáo sơ kết việc thực hiện Quy chế 116 của Cục điều tra VKSNDTC do đồng chí Cục trưởng Vũ Đăng Khoa trình bày tại hội nghị cho thấy: Ngay sau khi Quy chế 116 được ban hành, việc quán triệt và triển khai thực hiện đã được tiến hành đồng bộ tại các đơn vị trực thuộc VKSNDTC và Viện kiểm sát nhân dân các địa phương; các đơn vị đã phân công nhiệm vụ cho Lãnh đạo, Kiểm sát viên lập hồ sơ, sổ quản lý, theo dõi việc tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm để giải quyết, xử lý theo thẩm quyền. Nhiều đơn vị, địa phương đã coi đây là một khâu công tác quan trọng, thường xuyên nắm đầy đủ thông tin để xử lý kịp thời... Có thể nói, về cơ bản, các đơn vị, các Viện kiểm sát địa phương đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế 116; kết quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác phát hiện, điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền; số lượng thông tin tội phạm chuyển đến Cục điều tra tăng gấp nhiều lần so với trước; việc phân loại, xử lý đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả và đúng pháp luật; công tác phối hợp của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương đã được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ và đi vào nề nếp... Báo cáo cũng nêu lên một số mặt còn hạn chế, tồn tại trong công tác này như việc tổ chức thực hiện ở một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, hiệu quả thấp, chưa chủ động phát hiện, nắm thông tin mà còn phụ thuộc vào việc cung cấp thông tin của Cơ quan điều tra của ngành Công an, việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa Cục điều tra với Viện kiểm sát địa phương có vụ việc còn thiếu chặt chẽ, thông báo chưa đầy đủ, kịp thời về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm...

Tiếp đó, hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Cục điều tra VKSNDTC trình bày những nội dung cơ bản của Quy chế 116. Quy chế này được ban hành kèm theo Quyết định số 116/2011/QĐ-VKSTC-C6 ngày 14/4/2011 của Viện trưởng VKSNDTC, gồm 6 Chương, 24 Điều, quy định về những vấn đề chung, về trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSNDTC trong việc tiếp nhận, thu thập, quản lý, phân loại xử lý tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết; trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị thuộc VKSNDTC với Cục điều tra, và giữa Viện kiểm sát nhân dân các địa phương với Cục điều tra trong việc tiếp nhận, thu thập, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết cả Cơ quan điều tra VKSNDTC; về công tác báo cáo, thống kê, hướng dẫn, kiểm tra và khen thưởng kỷ luật...

Theo chương trình làm việc, hội nghị sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận với phần trình bày tham luận của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSNDTC, các Viện kiểm sát địa phương và Viện kiểm sát quân sự. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức hội nghị, Lãnh đạo Cục điều tra tổng hợp và giải đáp những ý kiến phản ánh về những vướng mắc trong việc nhận thức và tổ chức thực hiện Quy chế 116. Dự kiến hội nghị diễn ra trong 01 ngày, phần cuối chương trình làm việc, Tiến sĩ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC sẽ phát biểu kết luận hội nghị.

Theo Tạp chí kiểm sát

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,140,911
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.227.134.95

    Thư viện ảnh