ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -14:46 PM

Tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ (phần 2)

 | 

            Tài liệu phục vụ sinh hoạt (phần 1) >>>

            Rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát

            Cũng như cán bộ, công chức các cơ quan Nhà nước khác, người cán bộ Kiểm sát muốn có đạo đức nghề nghiệp trong sáng phải luôn phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt; phải tu dưỡng rèn luyện bền bỉ công phu về lý tưởng xã hội chủ nghĩa, về lập trường cách mạng của giai cấp vô sản, về bản lĩnh và trách nhiệm chính trị, về nghĩa vụ công dân, về lối sống trong sạch, lành mạnh, cần cù, giản dị, chịu khó, về lòng nhân ái bao dung, tình yêu thương con người và đồng loại, về sự quan tâm, sẻ chia đối với người khác.

            Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát không phải tự nhiên mà có, mà phải do rèn luyện mới nên. Người cán bộ Kiểm sát có ý thức tôn trọng đạo đức nghề nghiệp là người luôn rèn luyện và thể hiện bằng việc làm theo các chuẩn mực về đạo đức xã hội, đạo đức cách mạng; thể hiện ở bản lĩnh và nghị lực của từng cán bộ, nhân viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Có thể nói: Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát là những chuẩn mực xử sự của cán bộ Kiểm sát (Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên và cán bộ Viện kiểm sát các cấp) trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ; trong nội bộ cơ quan, đơn vị và trong quan hệ xã hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Luật định và thực hiện các công việc do chức trách, nhiệm vụ mà Ngành giao cho.
            Căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước đối với cán bộ, công chức và các quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; có thể phân định nội dung, tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát như sau:

            Một là, cán bộ Kiểm sát trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng; kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hết sức mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
            Như các cán bộ, công chức khác; điều chủ chốt nhất trong tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của người cán bộ Kiểm sát là có niềm tin tuyệt đối và trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành, kiên định với lý tưởng cách mạng của Đảng; vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hết sức mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”.
            Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân trong những năm trước đây và thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp hiện nay cũng vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Kết quả hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân là nhằm “góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật”.
            Người cán bộ Kiểm sát chỉ có thể thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do Luật định khi có niềm tin yêu và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với nghề nghiệp của mình. Trước khó khăn, gian khó; người cán bộ Kiểm sát không được dao động, nao núng; trước những cam go, thử thách phải vững vàng tìm cách vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân; hết lòng, hết sức phục vụ sự nghiệp của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân, trung với nước, hiếu với dân, đặt lợi ích của cách mạng, của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân.
            Hai là, cán bộ Kiểm sát phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, cương lĩnh, kỷ luật của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kỷ luật của Ngành; chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan.
            Là người trực tiếp thực thi pháp luật và thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức và công dân khác; cán bộ Kiểm sát trước hết phải là người chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Ngành.
            Do tính chất của công việc và yêu cầu của nhiệm vụ; cán bộ Kiểm sát phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và đối diện với những mặt trái của xã hội; vì vậy, cán bộ Kiểm sát phải nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng; bền bỉ phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
            Sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật là đạo lý của công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cùng với việc chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cán bộ Kiểm sát phải chấp hành nghiêm túc các quy chế của Ngành, các quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan. Hiện nay, ngành Kiểm sát nhân dân có một hệ thống quy chế về tổ chức và hoạt động cùng với hệ thống quy chế nghiệp vụ do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; cán bộ Kiểm sát có trách nhiệm chấp hành đúng và đầy đủ các quy định trong các quy chế nói trên khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
            Căn cứ vào Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 296/2008/QĐ-VKSTC ngày 18/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì cán bộ Kiểm sát phải thực hiện những quy định về những việc phải làm, những việc không được làm của cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân trong thực thi nhiệm vụ, công vụ khi làm việc tại cơ quan, đơn vị mình, làm việc với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và trong việc giải quyết các yêu cầu của công dân; trong các mối quan hệ với cấp trên, với cấp dưới và với đồng nghiệp trong nội bộ cơ quan, đơn vị; trong khi tham gia các hoạt động xã hội và cộng đồng dân cư, nhằm bảo đảm xây dựng nếp sống văn minh, tôn trọng quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục đã được cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện.
            Ba là, cán bộ Kiểm sát phải yêu ngành, yêu nghề, luôn trung thực, công minh, khách quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành giao cho.
            Cũng như cán bộ các ngành, nghề khác; người cán bộ Kiểm sát có yêu ngành, yêu nghề thì mới dồn tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình cho công việc được giao và tìm mọi cách để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả cao và chất lượng tốt nhất.
            Người cán bộ Kiểm sát được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều mặt của đời sống xã hội; do vậy, phải luôn trung thực để làm đúng pháp luật. Người cán bộ Kiểm sát nếu không trung thực có thể dẫn đến việc làm trái pháp luật, để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm, hoặc gây thiệt hại cho người khác.
            Người cán bộ Kiểm sát phải công minh, nghĩa là trong công việc phải luôn công bằng và sáng suốt, phải luôn rõ ràng và minh bạch. Cái tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Là người được giao “cầm cân nẩy mực” giữ gìn cán cân công lý, quyết không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà bẻ cong cán cân công lý, làm sai pháp luật.
            Người cán bộ Kiểm sát phải có thái độ khách quan trong công việc và cuộc sống, nghĩa là trong khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp phải có thái độ khách quan để xem xét, đánh giá sự việc. Đối tượng tác động của hành vi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng đối với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, do vậy, người cán bộ Kiểm sát phải luôn khách quan, không được vì ý định chủ quan và không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch trong công việc.
            Trong công việc và cuộc sống, cán bộ Kiểm sát không được lợi dụng ảnh hưởng của mình để can thiệp, tác động trái pháp luật đến người có trách nhiệm giải quyết vụ, việc; không được mạo danh trong khi làm việc hoặc lấy danh nghĩa cơ quan, đơn vị để giải quyết công việc của cá nhân.
            Bốn là, cán bộ Kiểm sát phải có bản lĩnh và ý chí bảo vệ công lý và pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống tội phạm; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm sai pháp luật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
            Bản lĩnh của cán bộ Kiểm sát thể hiện ở sự chính trực trong khi thực thi nhiệm vụ, công vụ. Theo đó, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; cán bộ Kiểm sát phải lấy pháp luật làm căn cứ, làm chuẩn mực để xem xét sự việc một cách khách quan, trên quan điểm toàn diện cụ thể để xử lý các vụ việc đúng pháp luật, có lý, có tình. Trong cuộc sống, cán bộ Kiểm sát luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; kiên quyết không để cám dỗ, mua chuộc bởi tiền tài, vật chất và những lợi ích thấp hèn; cho dù hoàn cảnh gia đình có khó khăn về kinh tế, song phải từ chối việc nhận tiền hối lộ của đương sự và giải thích cặn kẽ cho đương sự hiểu rằng làm như vậy là vi phạm pháp luật. Cán bộ Kiểm sát phải có bản lĩnh và ý chí kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm sai pháp luật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Chống oan sai và bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ quan trọng của cán bộ Kiểm sát, vì đó là chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao cho, ngoài Viện kiểm sát ra không có cơ quan nào có thể thay thế được.
            Để làm được việc đó, cán bộ Kiểm sát phải là những người gương mẫu tuân thủ pháp luật, không tiêu cực; không vi phạm pháp luật, không vi phạm kỷ luật nghiệp vụ của Ngành; phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên trì thuyết phục bảo vệ quan điểm có căn cứ của mình trước những vụ việc có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định có hay không có sự việc phạm tội xảy ra, việc xử lý trách nhiệm hình sự trong các vụ án và việc giải quyết các vụ việc dân sự có lý, có tình; được dư luận đồng tình ủng hộ.
            Năm là, cán bộ Kiểm sát phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
            Cán bộ Kiểm sát phải thực hiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ công chức đã được quy định trong các văn bản pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật và các quy chế nghiệp vụ của Ngành về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong trường hợp được giao làm các việc mà pháp luật không cho phép, cán bộ Kiểm sát phải từ chối; đồng thời phát hiện và phản ánh đến cấp có thẩm quyền những việc thực hiện sai hoặc không đúng quy định của cán bộ trong đơn vị và cán bộ cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
            Người cán bộ Kiểm sát phải thận trọng, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải xem xét, suy nghĩ, cẩn thận, không để sai sót trong mọi việc. Bởi vì sai sót của người cán bộ Kiểm sát trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai. Tuy tỷ lệ oan sai do cán bộ Kiểm sát gây nên rất nhỏ so với tổng số các vụ việc oan sai nhưng cần phải được coi là nghiêm trọng vì không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị oan sai mà một số trường hợp còn gây hậu quả xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật.
            Người cán bộ Kiểm sát phải luôn khiêm tốn trong công việc và trong cuộc sống đời thường; phải tự đánh giá đúng bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người; có như vậy mới có điều kiện để cùng mọi người làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Viện kiểm sát nhân dân là của nhân dân và vì nhân dân; do vậy, Kiểm sát viên và cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gần dân và điều quan trọng là phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; phải luôn khiêm tốn, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân.
            Sáu là, cán bộ Kiểm sát phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; không tham nhũng, tiêu cực, không lãng phí; không lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi cá nhân và gây thiệt hại đến lợi ích xã hội, lợi ích của tập thể và của người khác.
            Cán bộ Kiểm sát phải cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; vì bốn đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính là những phẩm giá cơ bản tốt đẹp nhất để hình thành nhân cách của người cán bộ cách mạng.
            Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích cụ thể với nhiều nội dung phong phú và sinh động về bốn đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Từ lời dạy của Bác, liên hệ với đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát thì cần, kiệm, liêm, chính được hiểu như sau:
            Cần, có nghĩa là cán bộ Kiểm sát khi lao động thì cần cù, siêng năng, làm việc có kế hoạch chuyên sâu, sáng tạo, thi đua làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, không ỷ lại, lười biếng, dựa dẫm.
            Kiệm, có nghĩa là cán bộ Kiểm sát phải tôn trọng và tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền bạc của Nhà nước, của nhân dân và của bản thân. Trong công việc và trong cuộc sống đời thường hàng ngày, từ việc to đến việc nhỏ, cán bộ Kiểm sát không để xảy ra lãng phí, hoang phí; không phô trương, hình thức, triệt để tiết kiệm để thực hiện lời dạy của Bác là: Cần và kiệm phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người. Cần mà không kiệm, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”, không lại hoàn không. Kiệm mà không cần, “thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức là thoái”.
            Liêm, có nghĩa là cán bộ Kiểm sát luôn trong sạch, liêm khiết; không tham lam, không tham ô; tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không chiếm dụng của công làm của tư, không sách nhiễu nhân dân. Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham người tâng bốc mình, luôn quang minh chính đại.
            Chính, nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Cần, kiệm, liêm là rễ của chính. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng phải chính mới là người hoàn toàn trọn vẹn. Người cán bộ Kiểm sát phải chính trực, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, phải luôn ngay thẳng trong mọi công việc; không vì bất cứ lý do gì mà làm trái pháp luật, làm sai đạo lý.
            Chí công vô tư, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một câu châm ngôn của người xưa, có tính định hướng động viên mọi người phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để vươn tới cái tốt đẹp. Bác dạy: Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ tới mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.
            Bảy là, cán bộ Kiểm sát phải ra sức học tập, rèn luyện; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác, nắm vững kiến thức pháp luật.

            Để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; cán bộ Kiểm sát phải lấy pháp luật làm căn cứ để tiến hành các hoạt động kiểm sát. Hơn ai hết, cán bộ Kiểm sát phải là những người nắm vững kiến thức pháp luật và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, cán bộ Kiểm sát phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác. Việc học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát sẽ đem lại giá trị to lớn, quyết định năng lực, phẩm chất của người cán bộ để đảm đương trọng trách mà Đảng và nhân dân giao cho, nhất là trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung và ở mỗi đơn vị, mỗi Viện kiểm sát địa phương nói riêng.
            Cán bộ Kiểm sát phải nhận thức đúng mục đích học tập của chính mình là học để làm người, làm cán bộ công chức, để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc và để làm việc tốt hơn. Cán bộ Kiểm sát học để rèn luyện về tư tưởng cách mạng, để có hành động đúng, không sai lệch. Chính việc học tập thường xuyên cũng là để cán bộ Kiểm sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và tin tưởng vào tương lai của sự nghiệp cách mạng, tin tưởng vào đoàn thể, tin tưởng vào nhân dân và tin tưởng vào tương lai của dân tộc.
            Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và trước các yêu cầu của cải cách tư pháp; việc nâng cao trình độ chuyên môn và các kiến thức bổ trợ cho cán bộ Kiểm sát đang được đặt ra như một nhu cầu tất yếu. Vì vậy, cán bộ Kiểm sát phải chú trọng việc học tập nâng cao trình độ toàn diện cả chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, pháp luật trong nước và quốc tế, ngoại ngữ... để gánh vác nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả nhất.
            Về nội dung học tập: Cán bộ Kiểm sát phải nghiên cứu, học tập theo chương trình quy định của Ngành, ngoài việc học tập các môn lý luận chính trị, còn phải học đường lối, chính sách của Đảng, nắm vững pháp luật của Nhà nước và học chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát của Ngành. Kiến thức chuyên môn có vai trò, tác dụng rất quan trọng, đó là một phần tri thức không thể thiếu trong mỗi người cán bộ Kiểm sát để thực thi tốt nhiệm vụ được giao.
            Muốn có kết quả học tập tốt, cán bộ Kiểm sát phải có thái độ học tập nghiêm túc, tự nguyện, tự giác học tập, xem việc học tập nâng cao trình độ là một nhiệm vụ mà người cán bộ phải hoàn thành, nêu cao tinh thần chịu khó, vừa học, vừa làm và phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Không có thực tiễn là không có sách, không có sách là không có tri thức, không có tri thức là không có chủ nghĩa xã hội”; vì vậy, muốn có tri thức thì cán bộ Kiểm sát phải ra sức học tập không ngừng, như Lênin đã từng chỉ giáo: “Học, học nữa, học mãi”.
            Tám là, cán bộ Kiểm sát phải có tinh thần đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị; không bè phái cục bộ, không gây mất đoàn kết nội bộ; có tinh thần tương trợ, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Đề cao tự phê bình và phê bình nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
            Cán bộ Kiểm sát phải nêu cao tinh thần đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị; coi đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ để xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân vững mạnh. Cán bộ Kiểm sát phải chủ động, tích cực tham gia các công việc để xây dựng Ngành, đóng góp các ý kiến để xây dựng cơ quan, đơn vị.
            Trong đơn vị, cán bộ Kiểm sát phải luôn tôn trọng sự lãnh đạo; phục tùng và chấp hành quyết định của cấp trên, khi phát hiện quyết định đó trái pháp luật hoặc không phù hợp thì phải báo cáo với người ra quyết định hoặc cấp trên của người ra quyết định.
            Khi phát hiện trong cơ quan, đơn vị có dấu hiệu tham nhũng hoặc vi phạm pháp luật; cán bộ Kiểm sát phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, đơn vị; trường hợp phát hiện người đứng đầu cơ quan, đơn vị có liên quan đến vi phạm thì báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên trực tiếp.
            Cán bộ Kiểm sát cần phát huy tinh thần tự chủ, phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp hoặc phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để việc thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả; đồng thời dám chịu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ.
            Trong cơ quan, đơn vị; cán bộ Kiểm sát phải là người ứng xử có văn hoá với đồng nghiệp, tôn trọng giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong sinh hoạt; phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, góp ý chân thành, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong đơn vị.
            Chín là, cán bộ Kiểm sát phải gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, đoàn kết, thân ái, nêu cao tinh thần thương yêu đồng chí, thương yêu nhân dân. Có thái độ văn minh, lịch sự, không gây phiền hà, sách nhiễu người khác; đề cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.
            Đạo đức nghề nghiệp của cán bộ Kiểm sát, không có gì thiết thực hơn, có sức cảm hoá và lôi cuốn hơn trước nhân dân bằng việc nêu gương tốt trước nhân dân. Cán bộ Kiểm sát phải gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, đoàn kết, thân ái, nêu cao tinh thần thương yêu đồng chí, thương yêu nhân dân; có thái độ văn minh, lịch sự, không gây phiền hà, sách nhiễu người khác; đề cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân.
            Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ, đảng viên chúng ta phải: “Từ quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Bác đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân”, những người chưa xứng đáng là người đầy tớ, người học trò của nhân dân. Những thói quen mệnh lệnh, cửa quyền đối với quần chúng; cưỡng bức, ức hiếp quần chúng; không chịu lắng nghe ý kiến phê bình, những kiến nghị của quần chúng; bỏ mặc không xem xét những yêu cầu, khiếu nại của quần chúng… là hoàn toàn xa lạ với đạo đức cách mạng.
            Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ Kiểm sát phải yêu dân, kính dân thì nhân dân mới tin yêu cán bộ Kiểm sát. Cán bộ Kiểm sát được Nhà nước giao cho những quyền năng pháp lý để thực thi nhiệm vụ, song lấy quyền uy của người cán bộ Kiểm sát để làm trái pháp luật thì không thể dành được sự tin yêu, kính phục của người khác; chỉ khi nhân dân tin yêu, quý mến thì người cán bộ Kiểm sát mới được sự ủng hộ của nhân dân. Tác phong quần chúng của cán bộ Kiểm sát còn thể hiện ở sự giản dị trong cuộc sống hàng ngày của chính bản thân người cán bộ; đó là tác phong tập thể, dân chủ; gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, phát huy tinh thần làm chủ của mọi người.
            Khi tiếp xúc với công dân, cán bộ Kiểm sát phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi tham nhũng, vi phạm pháp luật; giữ bí mật cho người tố cáo theo quy định của pháp luật. Cán bộ Kiểm sát có thái độ lịch sự, hoà nhã, tôn trọng, lắng nghe, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định liên quan đến việc giải quyết công việc khi giao tiếp với nhân dân hoặc cán bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
            Cán bộ Kiểm sát phải có thái độ văn minh, lịch sự trong giao tiếp xã hội; tôn trọng và gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, các quy tắc sinh hoạt nơi công cộng, các chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục đã được cơ quan có thẩm quyền quy định hoặc cộng đồng dân cư thống nhất thực hiện./.

______________________________________

Tải về máy tính file word hãy nhấn vào đây

 

 

 

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,440,925
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.218.75.58

    Thư viện ảnh