ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -03:42 AM

Một số kết quả triển khai chuẩn bị thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực

 | 

Ngay sau khi có Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kế hoạch số 04-KH/BCS ngày 30/8/2010 về tổ chức nghiên cứu Đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó có nội dung Nghiên cứu thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực.

Triển khai thực hiện việc chuẩn bị thành lập Viện kiểm sát khu vực - Viện kiểm sát tối cao đã gửi văn bản số 150/HD-V9 ngày 02/3/2011 về hướng dẫn khảo sát, đề xuất phương án thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực cho các Viện kiểm sát nhân dân địa phương; cử cán bộ tham gia đoàn khảo sát của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao để nắm tình hình ở một số địa phương; đồng thời tổ chức Hội nghị toàn ngành về công tác tổ chức năm 2011, quán triệt và triển khai thực hiện các quan điểm của Đảng về nội dung này.

Trên cơ sở kết quả khảo sát và dự kiến thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực tại địa phương mình, 63 VKS tỉnh, thành phố đã phản ánh tình hình, kết quả như sau:

Tổng số Viện kiểm sát nhân dân khu vực đề xuất thành lập là 439 đơn vị, trong đó, thành lập từ Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 225 khu vực; từ 2 Viện kiểm sát nhân dân là 181 khu vực; từ 3 Viện kiểm sát nhân dân: 29 khu vực; từ 4 Viện kiểm sát nhân dân khu vực: 04 khu vực. Khoảng 36% tỉnh, thành phố trục thuộc Trung ương đã có sự thống nhất giữa Viện kiểm sát nhân dân địa phương với Tòa án cùng cấp về số lượng và địa hạt tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân khu vực trên địa bàn là hợp lý, có thể chấp nhận được. Còn 40% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Trung ương, tuy có thống nhất nhưng chưa hợp lý, chủ yếu là miền núi, đồng bằng sông Cửu Long, đi lại khó khăn. Việc đề xuất mới chỉ căn cứ vào số lượng công việc mà nhập nhiều đơn vị Viện kiểm sat nhân dân cấp huyện vào một khu vực là thiếu khả thi; còn lại chưa có sự thống nhất giữa các ngành ở địa phương và đề xuất chưa phù hợp.

Như vậy, quá trình triển khai thực hiện việc chuẩn bị thành lập Viện kiểm khu vực đã kịp thời, bước đầu có nhiều kết quả tốt bởi một số thuận lợi, nhưng cũng còn nhiều khó khăn.

Về thuận lợi: Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tổ chức quán triệt đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị. Ban chỉ đạo cải cách tư pháp ở Trung ương, ở các địa phương, các Tỉnh ủy, Thành ủy đã quan tâm chỉ đạo công tác này; nhiều nơi, các ngành Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện.

Về khó khăn: Quá trình triển khai cho thấy nhận thức, quan điểm và cách thức chỉ đạo về việc chuẩn bị thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực và Tòa án sơ thẩm khu vực còn có nhiều sự khác nhau giữa các ngành, các cấp, các địa phương.

Có nơi tòa án lấy số lượng công việc làm tiêu chí để xác định địa hạt tư pháp. Xu hướng sát nhập nhiều Tòa án huyện vào một. Nơi miền núi, vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, địa điểm dự kiến đặt trụ sở đến các đơn vị hành chính xa hàng trăm km. Số lượng và địa hạt của Viện kiểm sát nhân dân khu vực phải phù hợp với Tòa án khu vực, nên nhiều Viện kiểm sát nhân dân đã căn cứ vào đề xuất của Tòa án mà đề xuất thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực. Trong khi chức năng và nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân có những đặc thù riêng như phạm vi công tác rộng hơn, quan hệ công tác với Cơ quan điều tra thường xuyên, giải quyết các vụ việc đột xuất như kiểm sát tạm giữ, khám nghiệm hiện trường, tử thi, tin báo tội phạm…ngoài ra còn quan hệ thường xuyên với cơ quan thi hành án. Và đặc biệt việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi liên hệ với cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, tùy trường hợp cụ thể, nơi nào thuận lợi mới sát nhập nhiều đơn vị cấp huyện vào một khu vực. Vì vậy không nên sát nhập đồng loạt một lần. Đối với nơi chưa đủ điều kiện thì trước mắt chuyển đổi mỗi đơn vị cấp huyện thành một khu vực. Khi có đủ điều kiện sẽ thành lập Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân khu vực quy mô lớn hơn (từ 2 đến 3 đơn vị cấp huyện hiện nay). Nhiều địa phương chưa quán triệt đúng tinh thần đó nên đề xuất phương án thiếu khả thi, khó triển khai trong thực tiễn. Quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về thành lập Viện kiểm sát khu vực cũng đặt ra một số vấn đề cần có giải pháp phù hợp như:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động tư pháp như xác định sẽ thành lập Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh( gồm tổ chức Đảng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cấp khu vực, chịu sự lãnh đạo của cấp ủy tỉnh). Điều đó dẫn tới trong thực tế có thể xảy ra trường hợp quan điểm khác nhau khi giải quyết các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, giữa Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án khu vực (chịu sự lãnh đạo của cấp ủy tỉnh) với cơ quan Điều tra, Thi hành án (chịu sự lãnh đạo của cấp ủy huyện)? Cơ chế xin ý kiến lãnh đạo để giải quyết vụ việc sẽ phức tạp hơn.

 Xét về hiệu quả kinh tế xã hội: Thành lập Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án khu vực sẽ tăng rất nhiều về nhu cầu đất khuôn viên, kinh phí xây dựng, phương tiện đi lại, công tác phí, thiết bị làm việc…Sẽ quá lãng phí nếu các trụ sở này mới xây mà không dùng làm trụ sở khu vực. Mức độ “gần dân, hiểu dân” sẽ giảm khi địa bàn dân cư quá rộng, người dân ngại khiếu nại, làm nhân chứng…

Khối lượng kinh phí xây dựng mới trụ sở, cải tạo nhà công vụ, thiết bị làm việc là rất lớn. Nếu ngân sách nhà nước không đáp ứng kịp thời sẽ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động tư pháp, mục tiêu cải cách tư pháp đặt ra có thể không đạt được như mong muốn. Những nơi chưa đủ điều kiện, khi đủ sẽ thành lập quy mô như sát nhập 2, hoặc 3 đơn vị hành chính cấp huyện thành một khu vực. Phương án này có tính an toàn, trực tiếp cao, phù hợp với đáp ứng của ngân sách.

Để tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về thành lập Viện kiểm sát, Tòa án khu vực, Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị một số vấn đề sau:

Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong khảo sát, nghiên cứu và thống nhất quan điểm, tiêu chí xác định số lượng, và địa hạt tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án khu vực với xem xét các khó khăn, vướng mắc cụ thể ở các địa phương và trên toàn quốc. Các vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cần được hội thảo lấy ý kiến rộng rãi trong cơ quan tư pháp, xã hội; Ban chỉ đạo sẽ kết luận, chỉ đạo các địa phương thống nhất thực hiện.

Đề nghị thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về công tác chuẩn bị thành lậpViện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân khu vực có sự tham gia của Ban cải cách tư pháp trung ương, Ban tổ chức trung ương, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…

Tòa án tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần thành lập Tổ công tác liên ngành giúp cho lãnh đạo 2 ngành khảo sát, thẩm định trực tiếp phương án thành lập Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án khu vực của các đơn vị đề xuất, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, gây chồng chéo, khó khăn cho địa phương và cho sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Ngoài ra, công tác xây dựng pháp luật cần được chỉ đạo tiến hành đồng thời với quá trình chuẩn bị thành lập, để khi phương án đề xuất được phê duyệt đã có đủ căn cứ pháp lý áp dụng để triển khai thực hiện.

Thái Hưng

(Văn phòng VKSND tối cao)

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,437,116
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.200.102

    Thư viện ảnh