Sinh thời, Bác đã dành những tình cảm và quan tâm đặc biệt đối với sự hình thành và phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân. Năm 1958 xác định nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, đồng thời tiếp thu tư tưởng vĩ đại của Lê- nin, với cương vị Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thiết lập một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy nhà nước Xã hội chủ nghĩa- đó là Viện kiểm sát nhân dân, nhằm giữ vững pháp chế Xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm và thống nhất. Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua ngày 15/7/1960. Đến ngày 26/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 20/LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực thi hành. Trong những ngày đầu thành lập, do công tác kiểm sát là công tác mới trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước nên Bác và Trung ương Đảng đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Ðảng sang giữ chức vụ Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên. Đó là một sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho ngành Kiểm sát.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh kỷ niệm với Đoàn đại biểu VKSND tối cao Liên Xô nhân dịp Đoàn đến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Đối với cán bộ ngành Kiểm sát, chắc hẳn ai cũng thuộc lòng mười chữ vàng mà Bác đã dạy: Cán bộ kiểm sát phải: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Cho đến ngày hôm nay, chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác và 60 năm ngày thành lập Ngành, ôn lại những chặng đường phát triển vẻ vang đã qua, chúng ta luôn thấy rằng lời dạy của Bác đối với cán bộ ngành Kiểm sát vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, mang tính thời đại; đã, đang và sẽ mãi là phương châm giáo dục, bồi dưỡng cán bộ của Ngành kiểm sát, đó là chuẩn mực đạo đức để mỗi cán bộ Ngành kiểm sát nhân dân phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.
Bác dạy cán bộ Kiểm sát về sự “Chính trực”: Chính trực trong lời dạy của Bác là phải ngay thẳng, cương trực, có ý chí, đã nói là làm, đã làm là phải đúng quy định pháp luật, vừa có tình vừa có lý. Phẩm chất chính trực đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát trong công việc của mình phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, theo đúng lẽ phải, không thiên vị, không mờ ám, luôn coi trọng công việc, được giao nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện. Là người thay mặt quyền lực Nhà nước để thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, chính trực là đức tính không thể thiếu được đối với người cán bộ Kiểm sát là người đại diện cho cán cân công lý, nếu thiếu ngay thẳng, thật thà thì không thể hoàn thành được trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho. Đức tính chính trực của người cán bộ Kiểm sát còn là sự dũng cảm, kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi, việc làm vi phạm pháp luật, kiên trì bảo vệ chân lí, không hữu khuynh, né tránh, tiền tài không thể mua chuộc, uy lực không thể khuất phục. Chỉ có ngay thẳng, trung thực chúng ta mới thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, mới củng cố và giữ gìn sự đoàn kết nhất trí, mới hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, mới đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân mình, mới tuyệt đối trung thành và thật thà với Đảng, với tổ chức, không xuyên tạc sự thật và cũng không dung túng cho ai giấu giếm, xuyên tạc sự thật. Đó cũng chính là biểu hiện ý thức tổ chức kỷ luật của người cán bộ Kiểm sát.
Bác dạy cán bộ Kiểm sát phải “Khách quan”: Đó là việc tôn trọng sự thật khách quan không được phụ thuộc vào ý chí chủ quan hoặc suy diễn cá nhân, sự thật khách quan như thế nào ta phải hiểu đúng và nói đúng như vậy. Khi xem xét một sự việc, một con người phạm pháp phải thật sự khách quan, không được suy diễn chủ quan, phản ánh đúng và đầy đủ trong hồ sơ vụ án, vụ việc. Khách quan cũng có nghĩa là không xuyên tạc sự thật, không được và không cho phép hiểu và làm sai sự thật. Muốn tiếp cận chân lý, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng vươn lên về mọi mặt tri thức, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội đồng thời phải nắm vững khoa học pháp lý và nghiệp vụ công tác kiểm sát để vận dụng các kiến thức khoa học khi giải quyết vụ việc. Khi xem xét một việc gì phải đi sâu vào nhiều mặt để thấy đủ về bản chất của sự việc, không thể nhìn qua hiện tượng đã vội kết luận. Do đó, muốn thật sự khách quan, đầu tiên phải chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, đồng thời cán bộ Kiểm sát phải không ngừng nghiên cứu lý luận, thường xuyên trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để có đủ năng lực, trình độ bảo đảm khi xem xét, đánh giá và giải quyết các vụ án luôn tôn trọng sự thật khách quan. Có như vậy, tính khách quan mới được thể hiện và bộc lộ đầy đủ ý nghĩa của nó.
Bác dạy cán bộ Kiểm sát cần phải“Thận trọng”: Nghĩa là hết sức cẩn thận, luôn có sự đắn đo, suy tính kỹ lưỡng trong hành động để tránh sai sót. Bác dạy chúng ta thận trọng là một lời dạy có nhiều ý nghĩa sâu sắc, bởi lẽ trong công tác kiểm sát khi xem xét một sự việc, một con người phải nhìn nhiều mặt, không thể tùy tiện, vội vàng, thiếu tính toán cẩn thận, là sự cân nhắc, nghiên cứu sự vật, hiện tượng xảy ra. Bảo đảm chính xác trong kết luận không chủ quan và cũng không rụt rè, do dự khi kết luận đúng. Tính thận trọng cũng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của người cán bộ Kiểm sát. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá mọi tình tiết, điều kiện, hòan cảnh của sự việc thực tế xảy ra, đối chiếu với qui định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, giúp cho việc giải quyết sự việc đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Tính thận trọng đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải kiên quyết chống lại căn bệnh qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, tắc trách. Tuy nhiên thận trọng nhưng không được chần chừ, do dự; phải kiên quyết nhưng không chủ quan, nóng vội đi đến giải quyết sự việc một cách thiếu chính xác.
Bác dạy cán bộ Kiểm sát phải “Khiêm tốn”: Nghĩa là cần phải có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ, không quan liêu, cửa quyền, hống hách. Sự khiêm tốn của người cán bộ Kiểm sát còn thể hiện qua thái độ không tự thỏa mãn những gì mình đã đạt được mà còn phải tiếp tục phấn đấu cao hơn nữa, tiếp tục học tập để vươn lên cao hơn; không tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác và ngược lại, khiêm tốn nhưng không rụt rè, nhút nhát, tự ti; là cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn mới được nhân dân gần gũi, tin tưởng, mới cho ta những điều cần biết, mới nhiệt tình giúp ta sửa chữa khuyết điểm, đồng thời phối hợp tốt với các ngành, đặc biêt là các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Thiếu sự khiêm tốn cần thiết thì khó tiếp cận, khó thuyết phục được đối tượng cần kiểm sát, khó gây được sự thiện cảm và đồng tình của quần chúng. Khiêm tốn sẽ là một biện pháp, một phong cách để đạt đến sự thuyết phục, giáo dục cao. Có khiêm tốn thì cán bộ Kiểm sát mới được quần chúng tin cậy, gần gũi và giúp đỡ chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để làm tròn nhiệm vụ. Có khiêm tốn mới có quan hệ phối hợp tốt với các ngành, các cấp và như vậy mới đạt được mục đích trong tất cả các khâu công tác kiểm sát.
Lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát thật ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu nhưng vô cùng sâu sắc, cao quý và mang tính thời đại, đã in đậm trong tâm trí của mỗi cán bộ Kiểm sát. Những đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác dạy có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo thành một thể thống nhất, đó chính là “đạo đức cách mạng” của người cán bộ Kiểm sát. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, mỗi cán bộ Kiểm sát sẽ tiếp tục rèn luyện được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong, phương pháp làm việc khoa học, đúng đắn, phát huy được năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
Bùi Việt Hùng- Viện KSND huyện Lạng Giang