.

Chủ nhật, 28/07/2024 -11:23 AM

Hướng về tháng 5 - Nhớ ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 - 19/5/2020)

 | 

Tháng 5 lại về, hàng triệu trái tim người Việt và bạn bè trên khắp thế giới luôn bồi hồi, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam. Và cứ đến ngày 19/5 ngày sinh nhật của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trong trái tim mỗi người dân Việt Nam luôn trào dâng một cảm xúc bồi hồi, xúc động khó tả khi hướng về Trái tim của cả nước - Thủ đô Hà Nội, hướng về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính về Người.

Nói đến Việt Nam, bè bạn quốc tế đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói về Người bằng tình cảm tôn trọng và khâm phục. Từ lâu hình ảnh của Người trong mắt họ đã là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ - một dân tộc anh hùng, mà ở đó con người thật hiền hoà, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, nhưng cũng vô cũng dũng cảm, kiên gan trong đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho chính mình.

Cái giản dị trong phong cách sống của Bác đã tạo nên hình ảnh về một vị lãnh tụ rất đỗi gần gũi với dân. Giản dị thôi, nhưng không hề giản đơn, bởi bên trong chính một con người giản dị đó là một trí tuệ vĩ đại, một thiên tài về nghệ thuật quân sự, một nhà văn hoá có tầm nhìn rộng. Đó cũng là hiện thân của một dân tộc có sức mạnh tiềm tàng, bền bỉ và tự lực. Ai đã từng vào thăm Phủ Chủ tịch hay ngôi nhà sàn đơn sơ mà Bác từng ở và được thăm nơi Bác làm việc, tiếp khách, nghe giới thiệu về những ngày Bác làm việc nơi đây, mới cảm nhận hết sự giản dị của Bác, đồng thời còn kinh ngạc hơn về tấm lòng một lòng vì dân, vì nước của Bác. Chính sự giản dị đó đã làm kinh ngạc bao vị khách cao cấp quốc tế, các nhà báo nước ngoài khi đến thăm nơi ở và làm việc của Bác.

Cuộc đời hoạt động cách mạng, hiến dâng đời mình cho lý tưởng cách mạng đã phác họa cả một giai đoạn lịch sử của một dân tộc từ “bùn đen nô lệ” vùng lên giành lại tự do, làm gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Người là kết tinh của dân tộc, là đại diện tiêu biểu nhất cho một dân tộc, là người con, người cha của một dân tộc anh hùng, kiên trung. Cả cuộc đời, Bác đã dành trọn tình yêu thương của mình cho đồng loại, cho dân tộc. Đó là một thứ tình cảm được thể hiện bằng chính những cử chỉ nhỏ nhất đến những hi sinh cao cả nhất: Bác sẵn sàng nhường miếng cơm ít ỏi của mình cho người khác, bớt lại từng hạt gạo giúp đồng bào qua cơn hoạn nạn, hy sinh cả tình cảm riêng tư của mình cho cách mạng, cho dân tộc. Đó là những tính cách đã đi vào bản chất của mỗi con người Việt Nam, được tôi luyện qua lửa đạn chiến tranh, qua gian nan đời thường. Nhưng ở Bác tình cảm đó dường như có gì đó thiêng liêng hơn, trân trọng hơn.

Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh chúng ta đều có thể rút ra một bài học to lớn từ những hành động tưởng chừng như rất giản dị của Bác, hay đó chỉ là một câu nói của Bác. Một mẩu chuyện về lần đầu tiên kỉ niệm sinh nhật Bác cũng để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về sự khiêm tốn, tiết kiệm và tinh thần yêu nước thương dân của vị lãnh tụ kính yêu.

Ngày 19/5/1946 là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật Bác được tổ chức như để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn dân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam Bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam Bộ. Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình”. Và những năm sau đó cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ…

Tất cả mọi người trong chúng ta  dù trong thời gian nào luôn luôn ghi nhớ đến công ơn to lớn của Bác đã thực hiện cho đất nước, cho nhân dân. Bác hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì mục tiêu như Bác đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”,…. Do đó, mỗi khi đến dịp sinh nhật của Người, tất cả chúng ta đều tưởng nhớ về Bác. Ai cũng muốn gửi đến Bác lời chúc tốt đẹp nhất bằng những hành động thiết thực nhất. Nhưng trong câu chuyện, trước tấm lòng của mọi người, Bác thật khiêm tốn, giản dị đón nhận nhưng Bác vẫn luôn không quên nhiệm vụ cách mạng của cả dân tộc. Bác không muốn mọi người tổ chức chúc tụng linh đình mà gây lãng phí, Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân trong lúc cuộc đấu tranh của cả dân tộc đang vẫn còn rất khó khăn gian khổ.

Chỉ qua một mẩu chuyện nhỏ về việc mọi người kỉ niệm sinh nhật Bác nhưng đọng lại cho chúng ta hôm nay một bài học sâu sắc. Bác luôn là một con người giản dị, tiết kiệm, luôn luôn sống và nghĩ vì dân vì nước chứ không vì một mục đích riêng nào. Chính vì vậy, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, tìm tòi, đổi mới, gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao theo cương vị công tác và chức trách của từng người. Mỗi cán bộ, đảng viên hãy cố gắng xứng đáng là công bộc của dân, là học trò, con cháu của Bác Hồ; Mỗi người dân Việt Nam xứng đáng là công dân của đất nước Hồ Chí Minh để xây dựng xây dựng một đất nước Việt Nam phát triển và sánh vai cùng với các cường quốc năm châu./.

Nguyễn Văn Tuấn- Văn phòng VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,576,223
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.0.88

    Thư viện ảnh