Thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/HU ngày 10/11/2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 17/5/2017, Huyện ủy Lạng Giang đã tổ chức Hội thảo chuyên đề: Các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Dự và đồng chủ trì Hội thảo có đồng chí Đỗ Đức Hà , Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Tạ Huy Cần, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cùng các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy. Tham dự Hội thảo còn có ông Phạm Ngọc Xương, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Bắc; các đồng chí là bí thư các chi, đảng ủy trực thuộc Huyện ủy và một số cá nhân điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn.
Hình ảnh buổi hội thảo
Mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời phát hiện, đề xuất các giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, ngoài tham luận của các chi, đảng bộ cơ sở liên quan đến các vấn đề như phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, vấn đề văn hóa, giáo dục, xây dựng hương ước, quy ước làng, xã… theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Hội thảo đã được nghe bài tham luận đầy tâm huyết của ông Phạm Ngọc Xương, 85 tuổi, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Bắc, điển hình tiên tiến về học tập và làm theo Bác; đồng thời được nghiên cứu hơn 1000 tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Ông đã dày công sưu tầm, trong đó có những tư liệu đã tồn tại hơn 70 năm qua, không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận. Nhiều bài tham luận đề cập đến công tác cán bộ, trong đó có tham luận của chi bộ Viện KSND huyện với chủ đề “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp ở cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang với phương châm sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”.
Nhớ lời Bác dạy, đạo đức là cái gốc của người cách mạng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là người vô dụng, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vấn đề đạo đức công vụ và trách nhiệm của công chức nói chung được Đảng và Nhà nước quan tâm và được đề cập nhiều trong thời gian gần đây; ngày 31/3/2014, Viện trưởng Viện KSND tối cao ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSNDTC về tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu ngành Kiểm sát nhằm tăng cường đạo đức và trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động của toàn Ngành. Thấm nhuần lời dạy của Bác, cũng là thực hiện chủ trương trên, cùng với nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp luôn được cán bộ, công chức Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang quan tâm và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Với đặc thù là một trong các cơ quan tư pháp cấp huyện, tổng số 14 công chức và người lao động, việc xây dựng và lãnh đạo thực hiện các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức luôn đòi hỏi lãnh đạo chi bộ, cơ quan phải quan tâm song song với các yêu cầu về nghiệp vụ; xác định rõ đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ là đòi tất yếu của thời đại hiện nay đối với mọi cán bộ, công chức. Kết quả, trong những năm qua, mỗi cán bộ, công chức của đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc với tinh thần tận tụy nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao và luôn giữ vững được đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ.
Cán bộ thường có tâm ký học theo Bác là phải làm cái gì đó thật lớn lao, khó thực hiện. Tuy nhiên, quan điểm của chi bộ là hãy nghĩ đơn giản, chúng ta không thể so sánh với Bác nhưng làm theo tư tưởng của Bác và đúng với điều kiện, hoàn cảnh hiện tại theo trách nhiệm của mình là điều hoàn toàn có thể, chỉ đơn giản là giao việc gì thì làm cho xong việc đó, từ việc nhỏ đến việc lớn, khó thì học hỏi, nghiên cứu, người có kinh nghiệm hướng dẫn người chưa có kinh nghiệm, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì không phải là không làm được.
Hình ảnh buổi hội thảo
Đề cập đến giải pháp để nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đa số các đại biểu đều đưa ra các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, phải xác định, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp là đòi hỏi tất yếu của xã hội hiện đại; văn minh, chuyên nghiệp trong từng cơ quan sẽ tạo ra xã hội văn minh; cán bộ, công chức có văn minh, lịch sự, chu đáo thì công dân sẽ phải nhìn vào, có nhận thức, ứng xử đúng đắn và từ đó sẽ lan tỏa ra toàn xã hội. Điều này đòi hỏi phải giáo dục về nhận thức và ban hành các quy chế, quy định cụ thể, cùng với nó là các chế tài khi cán bộ, công chức vi phạm, thực hiện không đúng;
Thứ hai,phải chấp hành đúng pháp luật, quy định và trách nhiệm của người cán bộ, mà muốn chấp hành đúng pháp luật, thực hiện đúng trách nhiệm thì phải nắm chắc pháp luật, biết rõ trách nhiệm của mình để thực hiện; khi tiếp xúc, giải thích, hướng dẫn phải tận tình, thuyết phục, có tình, có lý, có căn cứ rõ ràng. Điều này đòi hỏi phải không ngừng học tập, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm và phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trên dưới, ngang, dọc để uốn nắn, góp ý phê bình kịp thời;
Thứ ba, phải linh hoạt trong ứng xử và giải quyết tình huống; thực hiện đúng các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực nghề nghiệp của từng cơ quan, đơn vị; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đối với ngành Kiểm sát thì phải thực hiện đúng lời dạy của Bác “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”, năm yêu cầu này cần được áp dụng trong mọi việc, từ trong cuộc sống đến thực hiện nhiệm vụ, khi giao tiếp cũng như khi làm việc. Điều này phụ thuộc vào khả năng của mỗi người, nhưng vẫn có thể kiểm soát và thực hiện được nếu mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng cho mình những chuẩn mực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn, cùng với nó là công tác kiểm tra, động viên, khen thưởng kịp thời;
Thứ tư, vai trò người đứng đầu là rất quan trọng, chúng ta đã có quy định về trách nhiệm trước công việc, trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; nếu gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp thì hiệu quả sẽ được nâng cao. Mặt khác, người đứng đầu luôn gương mẫu, nghiêm túc, tận tâm và công bằng; luôn gương mẫu trong tự phê bình và tiếp thu phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp đỡ cùng tiến bộ thì cấp dưới sẽ học tập và luôn có ý thức tự rèn luyện mình.
Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, học theo Bác, làm theo Bác, đơn giản là mỗi người hãy xác định rõ trách nhiệm của mình và thực hiện đúng trách nhiệm đó, gương mẫu, sâu sát và cụ thể; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ và nhân ái./.
Nguyễn Trường Thọ – Viện KSND huyện Lạng Giang