Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Người có tự phê bình mới tiến bộ; Phê bình không phải để mỉa mai, nói xấu. Phê bình là để giúp nhau tiến bộ”. Thực hiện tốt lời dạy đó của Người là để tiến bộ hơn trong công tác.
Trước hết, tự phê bình là tự đánh giá những điểm mạnh, yếu của bản thân làm cơ sở cho người khác đóng góp, tham gia ý kiến giúp sửa chữa khuyết điểm đồng thời phát huy ưu điểm. Phê bình là việc tham gia góp ý kiến với người khác, vạch rõ ưu điểm, khuyết điểm và cách thức sửa chữa để tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn ai cũng có ưu, khuyết điểm, có cái hay, cái dở, cái tiên tiến và cái lạc hậu ở mức độ khác nhau. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích làm cho phần tốt phát huy nảy nở, còn những thói hư tật xấu không có đất sinh sôi mà mất dần đi. Muốn vậy, phải thường xuyên phê bình và tự phê bình, phải coi đó như việc hàng ngày.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phê bình và tự phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức. Vì vậy, phải chống tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ, lợi dụng phê bình để gây chia rẽ mất đoàn kết, làm tổn hại danh dự và uy tín của người khác. Người cũng yêu cầu phải thực hiện tốt việc nêu gương; phải lấy tự phê bình là chính, thực hiện phê bình mình trước, phê bình người khác sau; lãnh đạo phải làm gương cho cán bộ khi phê bình.
Chúng tôi, những người cán bộ Kiểm sát khi nghiên cứu, học tập nội dung về phê bình và tự phê bình theo tư tưởng củaChủ tịch Hồ Chí Minh cảm nhận sâu sắc ý nghĩa lời dạy đó của Người vì nó gắn liền với hoạt động công tác hàng ngày của mỗi cá nhân. Và trên hết, phê bình và tự phê bình giúp cho mỗi cá nhân biết để sửa chữa nhằm tiến bộ hơn. Mỗi chúng tôi đều nhận thức được rằng nếu không có những người bạn, người đồng chí tốt thì thật khó biết được về những khuyết điểm của bản thân mình. Vì vậy, phê bình và tự phê bình trở nên đơn giản và thiết thực.
Trong công tác thực tiễn, một số cán bộ, Kiểm sát viên còn để xảy ra những thiếu sót, tồn tại như: Một số vụ án còn bị hủy, sửa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung có lỗi của Kiểm sát viên; thao tác, nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong giải quyết một số công việc còn chưa tốt, hiệu quả chưa cao; còn có tư tưởng vì coi các vụ án tưởng chừng đơn giản, không phức tạp nên không sát sao, không cẩn thận trong thao tác nghiệp vụ dẫn đến vi phạm, thiếu sót không đáng có; còn có tư tưởng để dành công việc trong khi có thể giải quyết được ngay; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ có lúc, có chỗ còn chưa nghiêm …
Những khuyết điểm, tồn tại nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó có nguyên nhân chủ quan xuất phát từ ý thức, tinh thần trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi cá nhân.
Trong công tác, ai cũng có thể có những khuyết điểm, sai lầm và thậm chí những khuyết điểm, sai lầm đó còn có thể lặp lại, kể cả đối với những người ưu tú nhất. Nhưng né tránh, che giấu những khuyết điểm, sai lầm thì không thể tiến bộ được. Muốn khắc phục hiệu quả những khuyết điểm, sai lầm đó thì cần hiểu tường tận, thấu đáo nguyên nhân dẫn đến sai lầm. Và không có gì tốt hơn nếu được người khác chân thành góp ý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy muốn sửa chữa tốt sai lầm thì phải sẵn sàng nghe phê bình và thật thà tự phê bình, không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định sẽ lạc hậu. Đó là kết quả tất yếu của chủ nghĩa cá nhân.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Những khuyết điểm, sai lầm vì sao mà có và từ đâu đến. Mỗi cán bộ cần phải thật thà tự xét và xét đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào thì phải thật thà cố gắng tự sửa chữa và giúp nhau sửa chữa. Thang thuốc hay nhất chính là thiết thực phê bình và tự phê bình.
Để phát huy những ưu điểm và khắc phục những khuyết điểm, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần nêu cao tính tự giác, gương mẫu trong tự phê bình và tiếp thu phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp đỡ cùng tiến bộ. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 Khóa 12 về“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ” gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong giai đoạn hiện nay./.
Nguyễn Ngọc Cường- Phòng 2, VKSND tỉnh Bắc Giang