.

Thứ sáu, 03/05/2024 -23:07 PM

Gặp nhau giữa mùa xuân

 | 

Cho tôi được mượn lời status của Facebook Vương Hường để làm tựa đề cho bài viết về chuyến đi rất nhiều ý nghĩa của chị em phụ nữ ngành Kiểm sát Bắc Giang nhân ngày 8/3. Một chuyến đi nhưng cũng là sự gặp gỡ: gặp gỡ giữa tình đồng nghiệp, gặp gỡ giữa các thế hệ, gặp gỡ giữa lịch sử, truyền thống, quá khứ và hiện tại....

Được sự quan tâm của Ban cán sự Đảng và tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức cho toàn thể nữ cán bộ, công chức, người lao động trong ngành Kiểm sát Bắc Giang thăm quan một số di tích văn hóa lịch sử với chủ đề " Về Nguồn".

Hình ảnh lưu niệm tại đền Chử Đồng Tử

Buổi sáng ngày 4/3, chúng tôi tập trung tại trụ sở Viện kiểm sát tỉnh để lên xe bắt đầu hành trình, là lần đầu chị em phụ nữ toàn Ngành có dịp cùng nhau trải nghiệm một chuyến đi và thật vui mừng trong thành phần của đoàn có các chị công tác trong ngành nghỉ hưu năm 2016, đây là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với chúng tôi. Gặp nhau, tiếng nói, tiếng cười ríu rít, gương mặt ai cũng ánh lên niềm hân hoan phấn khởi, ai cũng lựa cho mình bộ cánh ưng ý và đẹp nhất nên nhìn các chị em như một vườn hoa mùa xuân tươi thắm, đủ các sắc màu. Thật bất ngờ, chính nhờ chuyến đi này mà chúng tôi phát hiện ra một số " nhân tài" qua việc các chị em trổ tài hát Karaoke trên xe.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn chúng tôi là Đền Hóa- Dạ Trạch, thuộc huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, nơi thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử, một trong “ Tứ bất tử”  trong tín ngưỡng Việt nam. Đền nằm trong không gian thoáng đãng cạnh đầm Dạ Trạch, từ ngoài vào trong gồm có lầu chuông, hồ bán nguyệt, qua sân là đến điện thờ, toàn bộ kiến trúc đều toát lên nét linh thiêng cổ kính. Đoàn chúng tôi thành kính vào thắp hương cầu mong Đức Thánh linh thiêng ban cho những điều tốt đẹp nhất. Tại đây, chúng tôi được nghe Cụ từ của Đền kể lại cho nghe về câu chuyện tình tuyệt đẹp giữa chàng trai nghèo họ Chử và nàng công chúa Tiên Dung (con gái vua Hùng thứ 18) và sự tích hình thành ngôi đền. Để rồi lắng đọng lại trong mỗi chúng tôi không chỉ là huyền thoại về tình yêu mà còn là bài ca về lòng hiếu thảo, về đạo làm người, Cách đền Dạ Trạch không xa là đền Đa Hòa cũng là nơi linh thiêng thờ Đức thánh Chử. Đền nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên, nơi kỳ ngộ giữa Đức Thánh và nàng Tiên Dung xinh đẹp. Về nơi đây, đứng trên triền đê nhìn ra Sông hồng mênh mang lộng gió, con người và cảnh vật bỗng trở nên giao hòa, “bụi trần” dường như được rũ sạch, tâm hồn trở nên tươi mới, trong trẻo hơn.

Hình ảnh lưu niệm tại đền Mẫu

Rời vùng đất viết nên thiên tình sử đẹp nhất trong văn học dân gian Việt nam, đoàn chúng tôi đến Đền Mẫu Hưng Yên, lâu nay được xem là chốn nguyện linh thiêng và là danh thắng trong Quần thể di tích Phố Hiến nổi tiếng. Ngôi đền sở hữu vẻ đẹp kiến trúc vừa cổ kính uy nghi vừa gần gũi với tâm linh người dân. Tôi thực sự ấn tượng với cây cổ thụ với tuổi đời hơn 700 năm được kết hợp bởi ba cây sanh, si, đa quấn lấy nhau vững chắc, tán lá xanh mượt, xum xuê rủ bóng um tùm quanh đền.

Thông thường các ngôi đền thờ Mẫu của ta thường là thờ các vị có trong tín ngưỡng, trong truyền thuyết, lịch sử của người Việt nên tôi hơi bất ngờ khi biết Đền Mẫu Hưng Yên thờ Quý phi họ Dương người Trung Quốc, một ngôi đền thờ Mẫu trên đất Việt mà lại là thờ một phụ nữ người nước ngoài thì hẳn là chuyện lạ. Nhưng khi tìm hiểu thì thấy lòng dân quả thực rất công tâm. Chuyện kể rằng: khi cùng hoàng tộc nhà Tống xuống thuyền chạy về phương nam lánh nạn, vua Tống bị quân Nguyên Mông bắt được, không chịu khuất phục vua Tống cùng một số phi tần đã nhảy xuống biển tụ tận, xác của bà Dương Quý Phi đã trôi dạt vào cửa sông vùng phố Hiến được người dân ở đây vớt lên lập miếu thờ. Đời Vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, khi qua đây nằm mộng thấy Dương Quý Phi đến xin âm phù giết giặc. Sau khi thắng trận trở về, nhớ tới công lao của Quý Phi, nhà vua đã cho tôn tạo lại đền, miếu. Đền Mẫu được khởi dựng vào thời Trần Nhân Tông (1279). Nghe truyền là Đền Mẫu rất linh thiêng nhưng đến với Mẫu phải mang cái tâm hướng thiện, chớ tham lam vị kỉ thì xin duyên được duyên, xin điều lành thì ai nấy đều bình an, mạnh khỏe. Ra về, tôi vẫn hơi có một chút băn khoăn, không biết Mẫu có phải là một trong " Tứ đại mỹ nhân" của Trung Quốc, mà người đời vẫn ngợi ca ( Tứ đại mỹ nhân gồm Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quý Phi)

“Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến’’, câu ca đó quả thực không sai chút nào , tạm biệt vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với cảnh quan thiên nhiên trù phú, tươi đẹp.

Tạm biệt quê hương của nhãn lồng thơm ngọt, xe đưa chúng tôi về  “ Bên kia sông Đuống”, Thuận Thành- Bắc Ninh, Miền cổ tích, quê hương của những huyền thoại- lịch sử. Vùng đất có tới 18 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh mà qua tìm hiểu ban đầu rất nhiều nơi chúng tôi muốn đi, muốn đến...

  “ Nhớ ngày 18 tháng giêng

Giỗ ngày thủy tổ thiêng liêng nước nhà

Dù ai xuôi ngược gần xa

Tìm về bái Tổ xứng là đạo con”.

Đoàn chúng tôi đã tìm về bái Tổ- Lăng Kinh Dương Vương. Theo truyền thuyết  Kinh Dương Vương là Thủy tổ của Người Việt, mà người dân ở quanh vùng nôm na gọi là “ ông nội của vua Hùng”. Khu lăng Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê sông Đuống, trên bãi phù sa màu mỡ ven sông. Qua câu chuyện kể của cụ thủ từ trông coi nơi này, chúng tôi được biết, hơn bốn ngàn năm qua, đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh, phần mộ của vị vua đầu tiên vẫn nguyên vẹn trên nền đất cao, đúng như hai chữ “ bất vong”  được ghi ở phía trước của phần mộ. Thành kính dâng hương bái Tổ xong, chị em chúng tôi dạo bước ngắm cảnh quan xung quanh Lăng và chụp ảnh lưu niệm. Ngồi bên ghế đá kê dọc theo đường đi, ngắm nhìn dòng Đuống mờ ảo trong chiều xuân, như thực, như mơ, thấp thoáng đâu đây" những cô hàng xén răng đen, miệng cười như mùa thu tỏa nắng"…  mới chợt hiểu tại sao thi sĩ Hoàng Cầm lại nhớ nhung da diết mảnh đất này thế và viết nên một tuyệt phẩm thi ca “ Bên kia sông Đuống”  lay động lòng người, khiến người ta muốn đến, muốn ngắm và yêu thêm vùng đất này... 

Hình ảnh lưu niệm tại Lăng Kinh Dương Vương               

Còn muốn ở bên nhau, trò chuyện cùng nhau nhiều hơn nữa nhưng đã đến giờ phải tạm biệt, lưu luyến, bâng khuâng… mong có dịp tái ngộ là nguyện vọng của tất cả chị em chúng tôi. Ra về lòng vấn vương nhưng ai nấy đều tràn đầy niềm vui, hứng khởi…Mai là một ngày mới  trong mỗi chúng tôi ai cũng sẽ có những  điều mới nhưng thêm vào đó là những trải nghiệm về lịch sử, về quê hương, đất nước và  tình đồng nghiệp, tình chị em càng gắn bó, thân thương hơn… mà cuộc GẶP NHAU GIỮA MÙA XUÂN đã đem lại cho chúng tôi.

Lưu Thị Lệ Phương - P12- VKSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,826,162
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.224.39.32

    Thư viện ảnh