ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -08:22 AM

Về thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng!

 | 

“Nước mắt Mẹ không còn, vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi…đi mãi mãi…thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang”!

Những câu hát trong bài Người Mẹ Của Tôi của Nhạc sỹ Xuân Hồng, khi được cất lên đã lay động biết bao trái tim người dân Việt Nam, và tôi cũng vậy. Từng câu, từng từ của bài hát, càng nghe càng thấy thấm thía, xúc động và đầy ý nghĩa. Lời của bài hát và những gì tôi cảm nhận được khi cùng đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh về thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Luận dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2015) sáng ngày 19/7/2015 vừa qua đã đem lại cho tôi cảm xúc khó quên. Về thăm Mẹ, đồng chí Vũ Mạnh Thắng - Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng đã ân cần thăm hỏi, động viên, chúc Mẹ luôn sống vui, mạnh khỏe, trường thọ để con cháu và cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Bắc Giang có dịp được phụng dưỡng, chăm sóc, bù đắp phần nào nỗi đau của Mẹ - kể từ ngày hai người con trai của Mẹ đã mãi mãi không trở về. Vinh dự cho ngành Kiểm sát Bắc Giang được chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ. Đến thăm mẹ lần này, trong không khí gia đình đầm ấm, xum vầy của năm thế hệ con, cháu, chút, chít của Mẹ, trong tôi lại càng thấm thía một điều, tình ruột thịt là cái gì đó thiêng liêng, cao cả hơn tất thẩy mọi thứ, điều đó càng chứng tỏ nỗi đau mất con của Mẹ là không thể diễn tả bằng lời và mãi mãi không bao giờ “lành”, đúng như lời bài hát của Nhạc sỹ Xuân Hồng. Với chín người con (năm trai, bốn gái), Mẹ đã phải vất vả, tần tảo cả đời để nuôi các anh, các chị ăn học, thành người. Rồi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ba người con trai của Mẹ lần lượt lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, để rồi hai người con lớn của Mẹ cùng bao thế hệ Liệt sỹ khác đã phải ngã xuống để đổi lấy hòa bình, độc lập cho cả dân tộc Việt Nam. Nhìn bức ảnh Mẹ chụp cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ ngành Kiểm sát Bắc Giang do đồng chí Vũ Mạnh Thắng trao tặng, mẹ Luận đã không khỏi xúc động. Cầm bức ảnh trên tay, với gương mặt rạng rỡ niềm vui, nụ cười hiền hậu như thể chưa có nỗi đau nào đến với Mẹ, Mẹ nói “ở lại uống nước, ăn cơm”. Câu nói ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa của Mẹ đã nói lên tất cả tấm lòng của Mẹ, như là lời cảm ơn sự quan tâm của không chỉ đối với đồng chí Viện trưởng và những người cùng đi, mà đối với toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành Kiểm sát Bắc Giang, nhìn mắt Mẹ lúc ấy, tôi thấy như Mẹ muốn nói với chúng tôi rằng: hãy ở lại với Mẹ, với gia đình lâu hơn, đến với Mẹ thường xuyên hơn nữa. Đó là những mong muốn mộc mạc nhưng chân thành, giản dị nhưng chất chứa tình cảm yêu thương của Mẹ cũng như của tất cả những người mẹ Việt Nam chân chất nhưng rất đỗi anh hùng.

Đồng chí Vũ Mạnh Thắng - Viện trưởng chụp ảnh lưu niệm với Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình

Tám mươi bẩy tuổi đời, sống với người con trai út, cuộc sống của Mẹ chắc cũng có lúc đã phải vất vả mưu sinh như bao người phụ nữ khác, nhưng lúc này, niềm vui lớn nhất của Mẹ là được thấy hàng chục đứa cháu, chắt ngây thơ vui đùa ngay tại ngôi nhà của mình. Những dịp như thế, Mẹ vẫn không quên dành tình cảm cho những đứa con, đứa cháu không có mặt hoặc đang phải xa gia đình. Lần nào đến, tôi cũng thấy Mẹ nhắc đến đứa cháu nội hiện đang học tập tại Nhật Bản. Mẹ  không thể biết đất nước Nhật Bản, không biết điều kiện sống và sinh hoạt của cháu nơi xứ người, nhưng điều Mẹ biết rõ và luôn làm cho con, cho cháu là cầu mong cháu không bị ốm, không phải vất vả lao động chân lấm, tay bùn. Mẹ mong đợi từng ngày để đến cuối năm cháu về, không phải là để mua quà cho Mẹ hay làm việc gì đó lớn lao, mà chỉ để cháu được quây quần cùng các anh, các chị; để cháu làm việc mà cháu đã hứa mỗi khi điện về “Con sẽ về bóp chân cho Bà”. Tôi tự hỏi, việc bóp chân đâu có khó, các con, cháu của Mẹ ai cũng có thể làm được, nhưng có lẽ mong ước của Mẹ không chỉ đơn thuần như thế, đó còn là cả tấm lòng cao cả, yêu thương vô hạn của Mẹ với con, với cháu và đối với người cháu xa nhà. 

Dẫu biết rằng, danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” trao tặng cho các Mẹ đã thể hiện sự ghi nhận về mặt pháp lý, sự biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cả dân tộc Việt nam trước những hy sinh, mất mát của những người mẹ Việt Nam, sự hy sinh máu thịt của các anh hùng Liệt sỹ cũng đã là những hy sinh to lớn, rất đáng trân trọng, nhưng có lẽ, sự hy sinh của những người mẹ đã cống hiến những đứa con yêu quý của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước còn lớn lao hơn nhiều.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương lòng của những người mẹ Việt Nam anh hùng sẽ không bao giờ vơi đi, nỗi đau đó theo các mẹ suốt cả cuộc đời mà việc vinh danh chỉ là một sự bù đắp nhỏ nhoi mà thôi. Xác định trách nhiệm của mỗi chúng ta, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, mỗi người hãy làm một việc, dù nhỏ, trước hết là để thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, sau là để thể hiện sự tri ân đối với những thương binh, bệnh binh, liệt sỹ và tất những người có công với cách mạng khác để chúng ta được sống trong hòa bình hôm nay./.

Nguyễn Trường Thọ 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,438,737
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.220.112.210

    Thư viện ảnh