Nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ngành Kiểm sát Bắc Giang, ngày 16/7/2015, lãnh đạo VKSND tỉnh đã tổ chức cho các Đoàn viên thanh niên ưu tú của Viện KSND tỉnh và 10 VKSND huyện, thành phố đến làm lễ dâng hương và báo công tại Đài tưởng niệm đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đền thờ Bác Hồ và Khu di tích K9, Ba Vì, Hà Nội. Đây là một trong chuỗi các hoạt động của ngành Kiểm sát Bắc Giang hướng tới Đại hội thi đua yêu nước và kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2015). Cùng đi với Đoàn có các đồng chí Lãnh đạo VKSND tỉnh, các đồng chí đại diện cho Đảng ủy, BCH Công đoàn, Hội Cựu chiến binh và các đồng chí nguyên là lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bắc Giang. Là một đoàn viên trẻ, một cán bộ mới vào ngành, tôi đã vinh dự được tham gia chuyến đi, đây là một hành trình ý nghĩa, đem lại cho tôi nhiều cảm xúc khó quên.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đài tưởng niệm đồng chí Hoàng Quốc Việt
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đài tưởng niệm đồng chí Hoàng Quốc Việt - người Viện trưởng đầu tiên của Ngành kiểm sát nhân dân. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đoàn đã làm lễ báo công, dâng hương tưởng nhớ công lao của cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đối với Đảng, Nhà nước và ngành Kiểm sát nhân dân. Sau lễ dâng hương, đoàn đã thăm Nhà truyền thống trưng bày, giới thiệu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt. Những tư liệu quý giá được trưng bày đã giúp các đoàn viên trẻ như chúng tôi hiểu rõ hơn về những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc nói chung, cũng như ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng.
Đoàn thanh niên chụp ảnh lưu niệm tại nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp đ/c Hoàng Quốc Việt
Tiếp theo của cuộc hành trình, đoàn đã đến dâng hương tại Đền Thượng - Đền Mẫu trên đỉnh núi Ba Vì - Hà Nội, nơi thờ Đức Thánh Tản - một trong “tứ bất tử” trong tâm linh người Việt và Mẫu Cửu Trùng Thiên. Từ độ cao 1227 mét trên đỉnh núi Tản viên, chúng tôi đã được thưởng ngoạn quang cảnh hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng nơi đây, mọi cảm giác mệt mỏi đều tan biến trước không khí trong lành, thanh tịnh của non ngàn. Trước vẻ đẹp của đất trời, trước không khí linh thiêng của ngôi đền, trong lòng mỗi chúng tôi đều tràn đầy niềm tự hào về “non sông gấm vóc” của nước Việt, về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thầm thành kính biết ơn công lao của cha ông đời đời đã hi sinh để gìn giữ bờ cõi.
Xuống chân núi, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến thăm Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Vua - đỉnh núi cao nhất của dãy núi Ba Vì - dãy núi Tổ của Đại Việt. Vượt qua hơn 1.300 bậc thang đá bên vách núi, len lỏi qua những cây rừng nguyên sinh, chúng tôi đã đặt chân đến Đền thờ Bác. Ngôi Đền được kiến trúc thật gần gũi, hài hoà với thiên nhiên như những ngôi nhà lúc sinh thời Bác vẫn thường dùng để ở và làm việc, đúng như mong muốn mà Bác đã để lại trong Di chúc: “…Nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi...”. Trong không khí trang nghiêm nhưng không kém phần ấm áp, đoàn đã làm lễ dâng hương, tưởng nhớ công lao to lớn của Hồ Chủ Tịch với dân tộc Việt Nam. Trong bài diễn văn viếng bác, ngành Kiểm sát Bắc Giang đã thể hiện lòng biết ơn thành kính trước công ơn của Người và thể hiện lòng quyết tâm sẽ tiếp tục tiếp nối truyền thống cha ông, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và luôn ghi nhớ lời dạy của Người với người cán bộ Kiểm sát “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”. Ngắm nhìn những hiện vật được trưng bày tại ngôi đền, được ngắm hình ảnh thật gần gũi, bình dị và thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi càng thấm thía hơn về đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, từ đó luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác, lấy đó làm nguồn động lực để phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Người.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích K9 - Ba Vì
Điểm cuối cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm quan và dâng hương tại Khu di tích K9 - nơi gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ năm 1969 đến năm 1975, cũng là căn cứ địa cách mạng của quân đội ta trong kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, chúng tôi được thăm quan những di tích lịch sử gắn liền với cuộc sống của Bác, với sự nghiệp cách mạng chống Mỹ cứu nước của dân tộc và được nghe kể lại quá trình gìn giữ thi hài Bác trong suốt những năm tháng chiến tranh. Mỗi câu chuyện lại khắc sâu trong chúng tôi niềm tự hào, tự tôn dân tộc và lòng cảm phục những chiến sĩ đã hi sinh quên mình, hết lòng bảo vệ di hài của vị cha già dân tộc được vẹn toàn. Khu Di tích K9 không chỉ mang ý nghĩa đặc biệt về lịch sử và văn hóa mà còn thể hiện dấu ấn của một con người có đạo đức, phong cách sống giản dị, hiện thân của nhà văn hoá Hồ Chí Minh với tư tưởng “con người sống hoà hợp với thiên nhiên”.
Cuộc hành trình không chỉ có ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ đến công lao của thế hệ cha ông mà còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc đối với thế hệ trẻ ngành Kiểm sát Bắc Giang. Từ đó, để mỗi cá nhân không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác của Ngành, tiếp bước các thế hệ đi trước tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân./.
Nguyễn Thùy Trang - Viện KSND huyện Việt Yên