.

Thứ ba, 21/05/2024 -16:43 PM

Ký ức và hình tượng về Người Mẹ Việt Nam anh hùng trong bài hát “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”!

 | 

Trên đường về quê ngoại, tôi bỗng nghe lời của người đàn ông hát “…Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc. Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc. Quần nhau với giặc áo con rách thêm. Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo…”, giai điệu bài hát về những bà mẹ của làng Đa Mai- thành phố Bắc Giang trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vang lên,vọng ra từ một ngôi nhà bên đường làng nay đã lên phố “Mai Đình”,khiến lòng tôi như trỗi dậy một cảm xúc thật bồi hồi khó tả. Là một cựu chiến binh, người con của quê hương Đa Mai anh hùng, trong lòng như đang hiện hữu từng khoảnh khắc từ thời chiến, đến thời bình qua từng giai điệu trầm lắng và hào hùng mà cũng nhiều đau thương ấy. Và càng thêm xúc động rộn ràng hơn bởi trong không khí chuẩn bịkỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và tiếp nữa là gần nửa thế kỷ của chiến thắng thần kỳ “Điện biên Phủ trên không” năm 1972 oanh liệt một thời, gắn mãi với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam thân yêu.

Chiến tranh đã qua đi rất lâu, sống trong những năm tháng không bom đạn, trong niềm hạnh phúc của những người dân trên một đất nước hòa bình, ổn định và phát triển. Nhưng mỗi khi gợi nhớ lại quá khứ về cuộc chiến, thì bao nỗi đau về những năm tháng khốn khó một thời trong bom rơi, đạn lửa mà biết bao người con phải hy sinh đánh đổi để có được cuộc sống ấm êm, yên bình hôm nay, mỗi chúng ta hẳn đều có nhiều bồi hồi xúc động. 

Nhớ lại một thời chiến tranh chống Mỹ nói chung và cuộc chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc nói riêng, thì tỉnh Hà Bắc xưa và nay là Bắc Giang đã phải gánh chịu rất nhiều những trận không kích khốc liệt bằng máy bay Mỹ trút bom đạn xuống thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang). Để chiến đấu và chiến thắng, chúng ta đã lập những trận địa pháo phòng không để bảo vệ thị xã, các mục tiêu bảo vệ đó là cây cầu sắt bắc qua sông Thương tuyến huyết mạch quốc lộ 1A, nhà ga xe lửa, Bệnh viện, trường học, khu dân cư … . và còn đó là trạm đưa đón bộ đội bên làng Đa Mai (nay là phường Đa Mai), với ý chí kiên cường, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, như lời Bác Hồ khẳng định“Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng”. Đó là minh chứng hùng hồn về chiến thắng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong chiến thắng đó, có đóng góp rất lớn của các bà mẹ. Những người mẹ kiên trung, bất khuất, dưới làn khói mịt mù bom đạn của chiến tranh, mẹ vẫn tiễn chồng và từng đứa con ra mặt trận. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ âm thầm dõi theo từng bước chân chồng, con trên các chiến trường, trận địa. Nơi tiền tuyến, chồng, con ngày đêm chiến đấu quên mình bảo vệ Tổ quốc thì nơi hậu phương, mẹ luôn là chỗ dựa, là niềm tin, là động lực bền bỉ cho chồng, con tiến lên đánh giặc. Không ngại nắng mưa, hiểm nguy dưới làn bom đạn, mẹ nuôi bộ đội, phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu và những hình ảnh mà chúng ta không thể quên, còn đó là hình ảnh các mẹ vẫn giành thời gian bên mâm pháo, lán trực dã chiến nơi trận địa pháo phòng không hay thức thâu đêm động viên thăm hỏi, chăm sóc bộ đội, miệt mài vá áo cho bộ đội những đứa con yêu của mẹ sau những trận chiến đấu khốc liệt với kẻ thù. Mẹ đều dốc hết lòng, hết sức vì nước, vì dân, vì chồng con mà quên thân. Là người phụ nữ, mẹ không chỉ thủy chung son sắc với chồng con mà cao quý hơn cả là sự tận trung với quê hương đất nước. Mẹ đã quên đi hạnh phúc riêng của bản thân mình, một lòng một dạ lo toan cho vận mệnh của đất nước, của dân tộc. Tổ quốc chúng ta có được ngày hòa bình hôm nay là nhờ công lao rất lớn của những người phụ nữ-  Người Mẹ Việt Nam anh hùng.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, tôi thêm tự hào về quê hương tôi sinh ra và lớn lên. Quê hương tôi vươn lên từ bùn lầy chiến tranh, với bao vết thương cho từng miếng đất nơi bom rơi, đạn xé. Trên mảnh đất quê hươn, giờ đây những mầm non đã thành rừng cây, những ngôi nhà khang trang đã mọc lên san sát, làng đã lên phố và ánh sáng hạnh phúc đã bao trùm khắp nơi nơi. Tất cả, tất cả những địa danh lịch sử năm xưa đều đã ghi dấu ấn những người anh hùng cứu nước. Và Mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một tượng đài bất tử trong trái tim toàn dân tộc.

Điều làm cho tôi nghĩ suy nhất là hãy làm một điều gì đó có thể và có ý nghĩa cho ngày hôm nay, tôi nghĩ về những người mẹ, những người mẹ trải qua các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước, trở thành biểu tượng Mẹ Việt Nam anh hùng!    

Hoà bình đã trở về với dân tộc Việt Nam, niềm vui đã trở lại, nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Hẳn ai cũng xúc động trước những tâm sự của một người mẹ Việt Nam anh hùng: “Quá nửa đời mẹ sống trong bom đạn, hòa bình rồi phải gương mẫu lao động xây dựng quê hương. Các con của mẹ hy sinh vì nước, vì dân cũng là để cho quê hương yên bình, no ấm. Đau thương, buồn tủi nhưng mẹ cũng rất tự hào”. Trong cuộc đời, sự hy sinh lớn lao của các mẹ, như một lẽ sống rất đỗi tự nhiên khi mà “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Đó là phẩm giá của một dân tộc anh hùng. Lịch sửkhông bao giờquên sựhy sinh cao cảcủa các mẹ,không có tình cảm nào thiêng liêng cao quý hơn tình mẹ và trong lòng chúng con, các mẹđã làmột tượng đài bất duyệt và rất bình dị hình tượng người phụ nữ- Người Mẹ Việt Nam anh hùng đã được khắc họa đậm nét, đầy chất nhân văn trong bài hát “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa” của tác giả Nguyễn Văn Tý.

Ngày hôm nay, đất nước đang chuyển mình tạo đà cho sự cất cánh vào thời kì công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Ao ước thay, quê hương Đa Mai anh hùng, thành phố Bắc Giang anh hùng sẽ dựng một tượng đài về Người Mẹ Việt Nam anh hùng, với hình tượng về người mẹ trong bài hát,thiết nghĩ làviệc rất nên làm và đó chính làsựtri ân, trân trọng giản đơn nhất đối với sự hy sinh cống hiến lớn nhất của các mẹ cho Tổquốc, cho quê hương.Và đó còn như là một bài học lịch sử trực quan sinh động nhất cho tuổi trẻ của chúng ta hôm nay được quyền tự hào, sống làm việc, học tập và noi theo. Với chúng ta, những sự kiện anh dũng và đau thương của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại sẽ lùi xa vào dĩ vãng. Nhưng cuốn biên niên sử chói ngời của dân tộc càng được viết dày thêm những sự tích anh hùng, những sự tích anh hùng về Người Mẹ Việt Nam anh hùng.

 

                                                                                    Cựu chiến binh

                                                                         Hoàng Đức Trình- Phòng 12.

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,947,344
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.16.68.179

    Thư viện ảnh