Năm 2011, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 11/10 hàng năm là ngày Quốc tế Trẻ em gái (IDG). Đây là ngày được phát động bởi một tổ chức phi Chính phủ uy tín có tên gọi là Plan International và tổ chức này được hỗ trợ bởi Canada, EU và các tổ chức uy tín khác.Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 còn được gọi là Ngày Quốc tế Bé gái, là ngày mà thế giới dành riêng để nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của Trẻ em gái. Hằng năm, cứ vào ngày này sẽ có rất nhiều hoạt động được gắn với chủ đề riêng với mục đích chung là tăng chất lượng sống của Trẻ em gái. Nếu ngày 8/3 là ngày mà cả thế giới dành để tôn vinh phái nữ thì ngày 11/10 lại là ngày dành riêng cho Trẻ em gái.
Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm và các chính sách nhất quán ưu việt về quyền trẻ em. Theo đó, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền từ Trung ương đến các địa phương, đây là một vấn đề ưu tiên trong mọi chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Ngay từ khi thành lập và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc "nam nữ bình quyền" như là cơ sở của sự giải phóng phụ nữ, trao quyền bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời cũng khẳng định quyền bình đẳng giữa trẻ em gái với trẻ em trai, chống mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và lứa tuổi. Những tư tưởng tiến bộ về sự bình đẳng và không phân biệt đối xử - đây là một trong những nguyên tắc nền tảng của chuẩn mực quốc tế và Liên hợp quốc về quyền con người và đã tiếp tục được khẳng định trong những văn kiện tiếp theo của Đảng và được thể chế hóa thành luật và các chính sách của Nhà nước ta. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã ghi nhận sự bảo đảm quyền trẻ em, đó là: "Trẻ em được săn sóc về mặt giáo dưỡng". Đặc biệt, từ sau khi Quốc hội thông qua hai luật mới là Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007) và triển khai thực hiện hai luật đó một cách sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, ý thức tôn trọng pháp luật trong việc nuôi dạy con để giảm thiểu mọi hành vi ngược đãi, phân biệt đối xử hoặc bạo hành đối với trẻ em đã có sự chuyển biến rõ rệt và rất tích cực.
Nhằm bảo đảm cho thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời tiếp thu tinh hoa của nhân loại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Những quan điểm được thể hiện trong các văn kiện của Đảng là cơ sở quan trọng để hình thành các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cũng như các cấp chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em, tôn trọng, bảo đảm sự bình đẳng và thực thi các quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái.
Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 - Với mục đích là nâng cao nhận thức bao gồm trên tất cả các lĩnh vực như: Giáo dục, Y tê, Sức khỏe, Dinh dưỡng, Học tập, Văn học nghệ thuật, Vui chơi giải trí... nhằm trang bị và tăng cường nhận thức của cộng đồng nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, đặc biệt là trẻ em gái được sinh ra trong gia đình mà các con đều là trẻ em gái.
Với ý nghĩa ngày 11/10 hằng năm dành cho trẻ em gái, Việt Nam nói riêng, nhân loại và thế giới nói chung đang và đã chứng minh tầm quan trọng đối với thế hệ này, khi đã nhận được sự quan tâm đầy đủ và đúng cách thì trẻ em gái tất yếu có được nhiều sự phát triển tốt nhất, từ đó khơi dậy tiềm năng để thay đổi và phát triển khi lớn lên trong môi trường thế giới thân thiện. Tất cả chúng ta hôm nay hãy chung tay đấu tranh và bảo vệ cho quyền bình đẳng giới, để trẻ em gái của chúng ta được phát triển lành mạnh, bình đẳng và toàn diện.
Ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10/2023) năm nay với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, của cộng đồng xã hội, của các cơ quan, tổ chức, các đoàn thể xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ đó từng bước góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tập trung tuyên truyền, giáo dục vấn đề định kiến, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới; phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh sinh; tiến tới xóa bỏ sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân.
Theo đó, bất bình đăng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước.
Thay vì hướng đến toàn phái nữ như ngày 8/3, thì ngày 11/10 được tập trung chủ yếu vào các bé gái dưới độ tuổi vị thành niên. Theo đó, việc đấu tranh hay tìm ra giải pháp tối ưu để phá vòng luẩn quẩn về việc phân biệt đối xử, cũng như bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời khuyến khích và bảo vệ một cách trọn vẹn thiên chức nhân quyền được Liên hợp quốc khẳng định là cần đầu tư ngay vào chính các bé gái. Bởi các bé gái có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, thân thiện, giàu tình yêu thương, có sự chăm sóc về sức khỏe và giáo dục tốt nhất, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi đã trở thành phụ nữ.
Vì vậy, bảo vệ quyền của Trẻ em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn, tươi sáng hơn và sự thịnh vượng, hạnh phúc của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc./.
Luật sư Hoàng Đức Trình