ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -14:05 PM

Ngành Kiểm sát Bắc Giang chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

 | 

Ngày 09 tháng 01 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; ngày 30 tháng 3 năm 2016, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao ban hành Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC-T1). Nhận thức được tầm quan trọng về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) trong hoạt động của đơn vị, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo VKSND tỉnh đã luôn quan tâm, chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp thực hiện QCDC theo đúng quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao và cấp ủy địa phương; góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng ngành Kiểm sát Bắc Giang vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức và người lao động nhằm tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Năm 2023, tiếp tục thực hiện tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong ngành Kiểm sát Bắc Giang, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo VKSND hai cấp tỉnh Bắc Giang thường xuyên quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 28/3/2002 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND ban hành kèm theo Quyết định số 161/QĐ-VKSTC-T1 ngày 30/3/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao; Nghị định 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 01/2016/TT- BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04; Chỉ thị 09-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 14/5/2022 của UBND tỉnh Bắc Giang về tăng cường công tác dân vận, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quy chế số 13-QC/BCĐ ngày 13/3/2023 của Ban chỉ đạo tỉnh về Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủở cơ sở, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, ngành Kiểm sát Bắc Giang đã ban hành và chỉ đạo VKSND hai cấp (tỉnh và huyện) thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của đơn vị như: Nghị quyết của Ban cán sự đảng VKSND tỉnh về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ đột phá; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của Ban cán sự đảng; sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của VKSND tỉnh; Quy chế chi tiêu nội bộ của VKSND tỉnh Bắc Giang; kiện toàn các Hội đồng (Hội đồng khoa học; Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến; Hội đồng Thi đua- khen thưởng VKSND tỉnh Bắc Giang...) và các Ban Chỉ đạo (Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác đột phá, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo thống kê hình sự liên ngành, Ban biên tập Trang tin điện tử, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Kiểm sát Bắc Giang); các văn bản chỉ đạo liên quan đến thực hiện QCDC (quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát Bắc Giang; Thông báo về phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo; Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch số về kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ năm 2022; Quyết định về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo…).

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng- Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang phát biểu tại buổi kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ của Viện KSND tối cao

Đáng lưu ý là, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát Bắc Giang (Ban chỉ đạo) đã lựa chọn, xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chuyên đề: “Nâng cao trách nhiệm của Viện trưởng, Thủ trưởng đơn vị trong thực hiện Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của ngành Kiểm sát Bắc Giang” trong toàn ngành. Trong tháng 6 đầu năm 2023, VKSND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành sơ kết và tổng hợp báo cáo kết quả sau 01 năm thực hiện Chuyên đề nêu trên, kết quả cho thấy có nhiều hoạt động thực hiện QCDC được đổi mới và phát huy hiệu quả như việc người đứng đầu các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hoạt động thực hiện QCDC, từ đó chủ động và tích cực thực hiện các hoạt động đổi mới, phát huy dân chủ trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, công tác chuyên môn nghiệp vụ, công tác cán bộ, công tác thi đua-khen thưởng và công tác tài chính…

Nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đồng thời biểu dương những đơn vị và cá nhân thực hiện tốt, công tác kiểm tra việc thực hiện QCDC luôn được Ban Chỉ đạo quan tâm, chú trọng. Trong năm 2023, Ban chỉ đạo đã thành lập Đoàn kiểm tra thực hiện QCDC tại bốn đơn vị trong ngành là Phòng 8, Phòng 9, VKSND huyện Lục Nam và Lạng Giang. Ngoài việc kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện QCDC trong hoạt động của các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang gắn với các cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện và chuyên đề. Qua kiểm tra cho thấy, nhìn chung cán bộ, đảng viên trong ngành đều có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về mục đích của việc thực hiện QCDC, coi việc thực hiện tốt các nội dung trong QCDC là góp phần quan trọng vào việc xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thông qua công tác kiểm tra một số đơn vị đã phát hiện còn có thiếu sót trong thực hiện QCDC như: Việc quán triệt, triển khai thực hiện một số văn bản của Đảng, Nhà nước và của ngành quy định về việc thực hiện QCDC cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị có lúc còn chưa đầy đủ, kịp thời; một số ít cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện QCDC trong hoạt động của VKSND; chưa chủ động phát huy khả năng và trách nhiệm trong việc đóng góp xây dựng đơn vị…

Qua theo dõi, kiểm tra trực tiếp và báo cáo tự kiểm tra của các đơn vị trong toàn ngành, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát Bắc Giang trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, thể hiện trên một số mặt công tác như sau:

Thứ nhất, thực hiện dân chủ trong quan hệ công tác và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan:

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác tiếp công dân, Viện trưởng VKSND hai cấp luôn quan tâm chỉ đạo và bố trí phòng tiếp công dân tại địa điểm thuận lợi trong trụ sở cơ quan theo quy định và tổ chức hòm thư góp ý, thực hiện nghiêm việc tiếp công dân trong giờ hành chính và phân công lãnh đạo, Kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm và xử lý các công việc nghiệp vụ phát sinh; niêm yết công khai nội quy, lịch tiếp công dân, lịch trực nghiệp vụ và Bảng tin về trợ giúp pháp lý ngay tại trụ sở cơ quan theo đúng quy định. Hòm thư góp ý của các đơn vị được đặt trước cửa chính của trụ sở để tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và các khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của VKSND theo quy định của ngành.

Viện kiểm sát hai cấp thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo kết quả hoạt động với Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo tại các kỳ họp của HĐND; chấp hành nghiêm túc chế độ giám sát, trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu HĐND; phối hợp có hiệu quả với Ban Pháp chế HĐND tỉnh trong công tác giám sát, khảo sát tình hình chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức. Thường xuyên củng cố, tăng cường các mối quan hệ với cấp ủy và chính quyền địa phương như: Phối hợp với Huyện ủy, Thành ủy về nhận xét, đánh giá thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành ở địa phương, về nhận xét, đánh giá cán bộ chủ chốt VKSND cấp huyện và trong công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý VKSND cấp huyện. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các vụ, việc phức tạp về an ninh trật tự, các khiếu kiện liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, cưỡng chế hành chính… Quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan tư pháp địa phương trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tạm giữ, tạm giam và thi hành án tiếp tục được duy trì thường xuyên, chặt chẽ và có hiệu quả. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch phối hợp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, nhân dân quan tâm. Viện trưởng VKSND tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh thành lập Đoàn công tác triển khai thực hiện việc nắm tình hình về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Ban Dân tộc, Sở Giao thông tỉnh Bắc Giang. Tham gia Đoàn giám sát của Thường trực Tỉnh ủy, giám sát đối với lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực...

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt Quy định phối hợp cung cấp thông tin tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị thuộc VKSND tối cao và Quy chế phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giữa VKSND tỉnh với Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh và Báo Bắc Giang, nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành:

- Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Giang đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, của Viện trưởng VKSND tối cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy liên quan đến công tác của Ngành đến toàn thể công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Các quy chế, quy định của Ngành được tổ chức, quán triệt và duy trì thực hiện nghiêm túc đem lại hiệu quả tích cực trong mọi mặt hoạt động.

- Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ; Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công; Quy chế về chế độ trách nhiệm và lề lối làm việc của cơ quan, đơn vị… Các quy chế thường xuyên được rà soát sửa đổi bổ sung kịp thời. Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định được các đơn vị tiến hành công khai, thảo luận, lấy ý kiến tham gia đóng góp của cán bộ, công chức, người lao động trước khi ban hành, vì vậy luôn tạo được sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.

 - Tổ chức các cuộc họp, hội nghị theo quy định: Giao ban liên ngành giữa Viện kiểm sát- Công an- Tòa án (cấp huyện 01 tháng 01 lần, cấp tỉnh 01 quý 01 lần); giao ban giữa lãnh đạo VKSND tỉnh, lãnh đạo các phòng thuộc VKSND tỉnh và lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện (01 lần/ tháng); giao ban Lãnh đạo VKSND hai cấp (01 lần/ tuần); duy trì đầy đủ, thường xuyên việc họp giao ban tuần, tháng để thảo luận, lấy ý kiến, kiểm điểm, đánh giá về các hoạt động của đơn vị theo đúng kế hoạch đề ra và bàn giải pháp, kế hoạch thực hiện tốt công tác kiểm sát trong thời gian tới. Hằng năm, Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn tổ chức Hội nghị cán bộ công chức (CBCC) để tổng kết, đánh giá một năm hoạt động của đơn vị và đề ra phương hướng công tác của năm sau; tiếp thu ý kiến phê bình, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức.

 - Các biện pháp đã thực hiện bảo đảm cho công chức, người lao động thực hiện quyền dân chủ trong cơ quan, đơn vị: Vào cuối năm, tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát cho năm công tác tiếp theo; tổ chức xây dựng và lấy ý kiến sâu rộng của cán bộ, công chức và người lao động về chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch thi đua hằng năm cũng như lấy ý kiến tham gia vào các quy chế, quy định, kế hoạch, chương trình công tác quan trọng hoặc theo quy định phải xin ý kiến của cán bộ, công chức trước khi ban hành; lấy ý kiến tham gia vào dự thảo các báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo Quốc hội, HĐND và các báo cáo khác theo quy định…

VKSND tỉnh phát động phong trào thi đua “Ngành Kiểm sát Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ”; tổ chức cuộc thi trực tuyến: “Tìm hiểu quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ” trong ngành Kiểm sát Bắc Giang; tổ chức cuộc thi “Kỹ năng xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính” và ban hànhKế hoạch tổ chức cuộc thi “Kỹ năng xây dựng sơ đồ tư duy, báo cáo bằng hình ảnh vụ án hình sự”; tổ chức hội nghị  tập huấn “Nâng cao khả năng xây dựng sơ đồ tư duy trong báo cáo giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động”,…

Thứ ba, dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ: VKSND tỉnh Bắc Giang xác định, công tác tổ chức cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của ngành gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Bản lĩnh- liêm chính và chuyên nghiệp” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu quả; tăng cường công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác,đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức đảm bảo thực hiện công khai, dân chủ theo đúng quy trình, quy định, cụ thể:

- Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng VKSND tối cao về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Hằng năm, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ công tác và hướng dẫn của VKSND tối cao, VKSND tỉnh Bắc Giang kịp thời sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tại các đơn vị trong ngành bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua đó thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ công tác của ngành tại địa phương .

- Công tác tiếp nhận, tuyển dụng công chức: Việc tuyển dụng công chức được VKSND tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiêm túc đúng quy định của Chính phủ và Quy chế tuyển dụng công chức của VKSND tối cao.

- Công tác đánh giá, xếp loại: VKSND tỉnh Bắc Giang thực hiện nghiêm túc theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ và Quy chế đánh giá, xếp loại công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 323/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao; việc đánh giá, xếp loại công chức, người lao động đều được thực hiện công khai, khách quan dân chủ tại cuộc họp của đơn vị; sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại ban hành thông báo đến công chức, người lao động trong Ngành.

- Công tác quy hoạch cán bộ: Căn cứ Quy định số 50-QĐ/TW ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ; Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15/02/2022 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ và Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC ngày 25/4/2022 của VKSND tối cao về công tác quy hoạch lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân..., Ban cán sự đảng VKSND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Giang tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu bổ sung quy hoạch chức vụ Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021- 2026 và quy hoạch chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2026- 2031; đồng thời tiến hành rà soát, thực hiện quy trình bổ sung quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý ngành Kiểm sát Bắc Giang giai đoạn 2021- 2026 và quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2026- 2031. Việc quy hoạch bảo đảm tính công khai, dân chủ, khách quan; không để xảy ra tình trạng quy hoạch khép kín, cục bộ; đảm bảo công tác quy hoạch vừa động vừa mở. Hàng năm đều rà soát bổ sung quy hoạch và thông báo quy hoạch đến các đơn vị trong ngành.

- Công tác đào tạo bồi dưỡng: VKSND tỉnh đã triển khai đến các đơn vị trong ngành đăng ký tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡngBên cạnh đó, VKSND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức khóa tập huấn về kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; phương pháp xây dựng sơ đồ tư duy trong kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự và kỹ năng kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cho cán bộ, công chức trong toàn ngành. Các đơn vị cấp phòng VKSND tỉnh, VKSND cấp huyện đã thực hiện tốt việc đào tạo tại chỗ, cử Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp công chức mới tuyển dụng hoặc Kiểm sát viên, Kiểm tra viên ngạch thấp hơn hoặc mới được bổ nhiệm nhằm từng bước nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ công chức trong đơn vị.

- Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại:Việc thực hiện các quy định về bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định văn bản của Trung ương, Tỉnh uỷvà hướng dẫn của VKSND tối cao; các trường hợp được bổ nhiệm, đều đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

- Công tác điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác:Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy và VKSND tối cao về công tác luân chuyển cán bộ; thường xuyên quan tâm, thực hiện việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên bảo đảm phù hợp với từng đơn vị và từng khâu công tác nhằm đáp ứng yêu cầu công tác của ngành đề ra.

- Công tác thi các chức danh tư pháp: Hàng năm, căn cứ kế hoạch của VKSND tối cao về tổ chức thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp ngành Kiểm sát, VKSND tỉnh Bắc Giang đã thông báo đến các đơn vị trong ngành để triển khai đến công chức đăng ký tham gia thi tuyển. Sau đóUỷ ban kiểm sát tỉnh Bắc Giang đều tiến hành họp, thảo luận, lấy phiếu tín nhiệm và cử các đồng chí dự thi các chức danh Kiểm sát viên đảm bảo tiêu chuẩn, đúng quy định.

- Công tác chính sách cán bộ:Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người lao động trong ngành luôn đảm bảo kịp thời, đúng quy định của Nhà nước và ngành Kiểm sát nhân dân. Hàng năm, VKSND tỉnh đều ban hành văn bản triển khai đến các đơn vị rà soát các cán bộ, công chức đủ điều kiện nâng bậc lương; ngoài ra, để việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức được chính xác, đầy đủ VKSND tỉnh đều ban hành văn bản, đồng thời lập danh sách cán bộ, công chức đủ điều kiện nâng bậc lương để các đơn vị kiểm tra, đối chiếuCác chế độ nghỉ phép, ốm đau, thai sản đều được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định.

- Công tác thi đua khen thưởng: Đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và của ngành về công tác thi đua, khen thưởng; ban hành Chương trình và hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng của ngành Kiểm sát Bắc Giang. Việc bình xét thi đua được tiến hành công khai, dân chủ; kết quả thi đua đều thông báo cho công chức, người lao động biết. Chỉ đạo, hướng dẫn các cụm, khối thi đua xây dựng kế hoạch phát động thi đua và tổ chức ký giao ước thi đua giữa các cụm, khối thi đua ngành Kiểm sát Bắc Giang.

- Công tác bảo vệ chính trị nội bộ:VKSND tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy và VKSND tối cao về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Việc thẩm định, thẩm tra, xác minh tiêu chuẩn chính trị được thực hiện khách quan, đúng quy định.

- Công tác quản lý, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức: Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, công chức trong ngành được đảm bảo theo nguyên tắc tập trung dân chủ gắn với nguyên tắc tập trung thống nhất trong tổ chức và hoạt động của ngành. Lãnh đạo các đơn vị thường xuyên theo dõi, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, công chức để có biện pháp động viên, uốn nắn kịp thời; đồng thời, thường xuyên quan tâm, phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua; kịp thời khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.Việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định.

- Công tác kê khai tài sản, thu nhập: Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP,ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và các văn bản hướng dẫn của VKSND tối cao; VKSND tỉnh Bắc Giang đã triển khai hướng dẫn các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túcviệc kê khai tài sản, thu nhập; đồng thời yêu cầu các đơn vị lập danh sách đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản gửi về VKSND tỉnh để theo dõi, tổng hợp.

Thứ tư, dân chủ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp:

- Việc bảo đảm dân chủ trong thực hiện các quy trình, thủ tục trong chuyên môn nghiệp vụ theo quy định: Lãnh đạo VKSND hai cấp luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp, xây dựng của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ. Quán triệt tinh thần trung thực của từng cán bộ, công chức trong việc báo cáo, tham mưu, đề xuất lãnh đạo. Trong quá trình thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ, khi có khó khăn, vướng mắc, cán bộ, Kiểm sát viên kịp thời báo cáo lãnh đạo xin ý kiến, chỉ đạo phương hướng giải quyết. Xét thấy vấn đề cần xin ý kiến liên ngành thì Lãnh đạo quyết định đưa ra thảo luận họp liên ngành hoặc xin thỉnh thị cấp trên trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp bám sát các quy định pháp luật, quy chế nghiệp vụ và hướng dẫn của VKSND tối cao trong các khâu, lĩnh vực công tác để thực hiện theo đúng quy định, từ việc tiếp nhận, vào sổ theo dõi, thụ lý các vụ án, vụ việc đến việc phân công cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện, báo cáo tiến độ, đề xuất đường lối giải quyết… Đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và các vụ việc khác thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành có tính chất phức tạp, chưa thống nhất thì báo cáo xin ý kiến của Ủy ban Kiểm sát trước khi Viện trưởng VKSND tỉnh quyết định.

- Việc chấp hành các quy định về thỉnh thị và trả lời thỉnh thị: Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát hai cấp luôn chủ động, kịp thời đề xuất, họp bàn giải quyết những vụ án phức tạp hoặc các vụ án có quan điểm khác nhau giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng về tội danh, điều khoản xử lý và kịp thời báo cáo phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo. Các đơn vị báo cáo thỉnh thị và việc thực hiện trả lời thỉnh thị của VKSND tỉnh Bắc Giang cơ bản đều chấp hành đúng quy định về thỉnh thị của ngành ban hành theo Quyết định số 599/QĐ-VKS ngày 06/12/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

- Việc bảo đảm dân chủ trong thực hiện các quy trình, thủ tục đối với các trường hợp bị đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm, Tòa án tuyên không phạm tội; tạm giữ, tạm giam không có căn cứ pháp luật…: Trong thời gian qua, ngành Kiểm sát Bắc Giang đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, không có trường hợp nào phải đình chỉ do hành vi không phạm tội, không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; kiểm sát chặt chẽ việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự, công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, công tác tiếp công dân, phân loại xử lý đơn và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Qua công tác kiểm sát đã phát hiện được nhiều vi phạm, sơ hở của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý nhà nước, kịp thời ban hành kiến nghị, kiến nghị phòng ngừa hoặc kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất.

Thứ năm, thực hiện dân chủ trong công tác tài chính, kế toán, đầu tư xây dựng cơ bản: Việc thực hiện công khai, dân chủ trong hoạt động được thực hiện nghiêm túc, tất cả các nội dung đều được thực hiện công khai, dân chủ trong các cuộc họp, giao ban tuần, tháng, quý và công khai bằng quyết định đăng trên mục công khai tài chính của trang tin VKSND tỉnh Bắc Giang, gửi cho các đơn vị trực thuộc VKSND tỉnh và niêm yết công khai tại bảng tin cơ quan.

Để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, trong thời gian qua, VKSND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều biện pháp, cách làm hay mang lại hiệu quả trong thực hiện QCDC như: VKSND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh và Bí thư Đảng ủy VKSND tỉnh với Đoàn viên thanh niên VKSND tỉnh”. Hội nghị đối thoại đã diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, cởi mở với nhiều ý kiến phát biểu của đoàn viên tập trung vào các nội dung: Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ; sự quan tâm của cấp ủy Đảng, lãnh đạo Viện đối với tổ chức Đoàn Thanh niên hiện nay, những tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của thanh niên…; tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ” là hình thức mới để cán bộ, công chức, người lao động ngành Kiểm sát Bắc Giang giúp chủ động tìm hiểu, nghiên cứu quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đến chuẩn mực đạo đức, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, những nội dung về việc thực hiện QCDC, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức người lao động... Tại các buổi sinh hoạt Chuyên đề của Chi hội Luật gia VKSND tỉnh đã tổ chức tọa đàm, tìm hiểu, giới thiệu các nội dung cơ bản của các đạo Luật, trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023…

Để đạt được những kết quả nêu trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; công chức, người lao động trong đơn vị nghiêm túc thực hiện Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân… Có thể nói, nhờ chú trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát Bắc Giang trong thời gian qua đã tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở, tăng cường đoàn kết nội bộ, nâng cao vai trò làm chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm, tuân thủ pháp luật của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, Kiểm sát viên trong thực thi nhiệm vụ; làm chuyển biến phong cách lãnh đạo, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức và người lao động; ngăn ngừa các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu nhân dân, yếu kém trong quản lý; góp phần thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, cải cách tư pháp và xây dựng Viện kiểm sát hai cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân và nhiệm vụ chính trị địa phương./.

Lương Kim Thanh- Thanh tra- Khiếu tố VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,135,923
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.63.237

    Thư viện ảnh