ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -02:47 AM

Những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 10/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

 | 

Ngày 10 tháng 05 năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ thị đã đánh giá tình hình tiếp công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua của các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được và những hạn chế, nguyên nhân của hạn chế, sự cần thiết phải ban hành Chỉ thị.

Thông qua việc ban hành Chỉ Thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

-Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp trên về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó tập trung các nội dung:

Bố trí địa điểm và điều kiện thuận lợi để tiếp công dân. Thực hiện nghiêm trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, việc tiếp xúc, đối thoại với công dân; chủ động tổ chức tiếp công dân đột xuất khi cần thiết; chỉ đạo duy trì tiếp công dân thường xuyên theo quy định; gắn việc tiếp công dân với chỉ đạo giải quyết vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Các huyện, thành phố phân công, bố trí lãnh đạo về tiếp công dân tại cơ sở.

Chỉ đạo phân loại, xử lý kịp thời các đơn thư gửi đến. Tập trung giải quyết các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh theo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục và thời hạn, với phương châm: Giải quyết dứt điểm, hết thẩm quyền, hết trách nhiệm, thấu tình, đạt lý vụ việc để yên dân và ổn định tình hình; xử lý nghiêm các sai phạm phát hiện qua giải quyết đơn, thư; chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra; thực hiện nghiêm túc việc công khai kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật. Các quyết định, kết luận giải quyết vụ việc phải được thiết lập thành hồ sơ để theo dõi, đôn đốc và tổ chức thi hành nghiêm túc.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nắm chắc tình hìnhđịa bàn để chỉ đạovà phải chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để công dân khiếu kiện vượt cấp, để vụ việc khiếu kiện từ đơn giản trở thành phức tạp, hình thành “điểm nóng”, để xảy ra mất an ninh, trật tự do không giải quyết vụ việc kịp thời, đúng pháp luật; phải chịu trách nhiệm nếu cấp trên hủy bỏ, cải sửa kết quả giải quyết ở cấp mình. Trường hợp địa phương nào có công dân khiếu kiện đông người, vượt cấp thì người đứng đầu cấp ủy, địa phương đó phải trực tiếp phối hợp với cơ quan cấp trên đưa công dân trở về địa phương để tiếp và chỉ đạo giải quyết.

- Triển khai thực hiện nghiêm hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Trong quá trình giải quyết phải gắn tuyên truyền, vận động với đối thoại, gặp gỡ và có phương án, biện pháp xử lý cụ thể, phù hợp, vận dụng linh hoạt chính sách, pháp luật trong giải quyết; thực hiện công khai kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc tại nơi cư trú của công dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi tư vấn, kích động công dân khiếu kiện đông người trái pháp luật và các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh, trật tự.

-Chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng, tài chính, chính sách xã hội...; tăng cường công khai, minh bạch thông tin, đặc biệt là quá trình thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án; xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.

Gắn thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo với việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân góp ý, giám sát đối với hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân. Đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

- Chỉđạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền, tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng; kịp thời động viên, khen thưởng, công bố công khai kết quả các vụ việc hòa giải thành công, tạo sự lan tỏa, chia sẻ, nhân rộng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

- Chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm trách nhiệm tham gia tố tụng và cung cấp tài liệu, chứng cứ đối với các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện được giải quyết tại toà án nhân dân; thường xuyên phối hợp với đoàn luật sư, hội luật gia, trợ giúp pháp lý để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết vụ việc.

-Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cấp dưới trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm, giám sát chuyên đề và thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với địa phương, đơn vị phát sinh nhiều đơn, thư vượt cấp, để xảy ra khiếu kiện phức tạp. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân làm tốt; phê bình, nhắc nhở, xử lý kỷ luật nghiêm người đứng đầu và cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lấy kết quả, chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên, người đứng đầu hằng năm và làm chỉ tiêu xét thi đua khen thưởng, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

 - Quan tâm đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ và thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kịp thời, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất.

Chỉ thị cũng yêu cầu các đảng đoàn, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị này (xong trong tháng 5/2023). Đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan tổ chức đảng đoàn, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.

Riêng đối với Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Đảng ủy Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh chỉ đạo gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị này với Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 11/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Ban thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phổ biến Chỉ thị đến Chi bộ.

Lưu Thị Lệ Phương, Thanh tra- Khiếu tố VKSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,410,850
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.91.111

    Thư viện ảnh