Nhằm đánh giá đúng thực trạng, kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại; ngày 25/9/2019, Viện KSND thành phố Bắc Giang đã tổ chức buổi tọa đàm, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, vai trò, trách nhiệm, sự tâm huyết của cán bộ, Kiểm sát khi được phân công kiểm sát việc giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại năm 2019.
Kết thúc 8 tháng đầu năm 2019, nhận thấy chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại của đơn vị chưa cao, lãnh đạo Viện KSND thành phố đã thống nhất tổ chức Kế hoạch tọa đàm, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong khâu công tác kiểm sát này. Kế hoạch toạ đàm, trao đổi được đơn vị đưa ra thảo luận, phân công nhiệm vụ cụ thể từ tháng 8/2019; căn cứ nhiệm vụ được phân công năm 2019 và khả năng, kinh nghiệm của từng cán bộ, Kiểm sát viên, lãnh đạo đơn vị đã định hướng những nội dung cần chuẩn bị để đưa ra trao đổi, trong đó tập trung vào những vấn đề còn nhiều hạn chế, những vi phạm, thiếu sót mà các đơn vị trong ngành, trong đó có Viện KSND thành phố hay mắc phải trong thời gian vừa qua.
Tham dự buổi toạ đàm có đồng chí Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng phòng 9 và đồng chí Hoàng Đức Trình - Phó Trưởng phòng 10 Viện KSND tỉnh Bắc Giang cùng tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên của Viện KSND thành phố Bắc Giang.
Hình ảnh tại buổi Tọa đàm
Tại buổi toạ đàm, theo sự phân công của Ban tổ chức, các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên đã đưa ra các vấn đề chung nhất liên quan đến hoạt động của Viện kiểm sát trong quá trình kiểm sát giải quyết án các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại (KDTM), những tranh chấp hay gặp phải trên thực tiễn. Kiến thức cơ bản được nêu ra là các vấn đề liên quan đến quyền khởi kiện, điều kiện và thẩm quyền thụ lý vụ án dân sự, kinh doanh thương mại; Các vấn đề liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; Phạm vi giải quyết của Toà án trong vụ án dân sự, KDTM; Các vấn đề liên quan đến việc xác định quan hệ tranh chấp dân sự và thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp huyện liên quan đến các tranh chấp đó; Một số kinh nghiệm về nghiên cứu hồ sơ, đánh giá tài liệu chứng cứ; Các vấn đề cần chú ý khi giải quyết các vụ án về tranh chấp đất đai, một số vi phạm thường gặp và kinh nghiệm kiểm sát bản án loại tranh chấp này; Các vấn đề liên quan đến án phí, chi phí tố tụng, liên quan đến thừa kế và các vi phạm thường gặp; Một số kinh nghiệm khi duyệt án, duyệt bản dự thảo Phát biểu của Kiểm sát viên…
Mỗi vấn đề đưa ra đều được nêu cùng các ví dụ vụ việc cụ thể đã và đang có vướng mắc, khó khăn hoặc đã được rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên.
Sau khi nghe trình bày các nội dung đề dẫn, các đại biểu tham dự tọa đàm đã tham gia thảo luận, trao đổi rất sôi nổi; có hơn 20 lượt ý kiến tham luận về các nội dung đã được chuẩn bị, tập trung về những quy định cần nắm vững của Bộ luật tố tụng dân sự như:
- Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện được chấp nhận trong thời điểm nào, phạm vi ra sao: Vấn đề này cần nghiên cứu kỹ Điều 5 BLTTDS và khoản 4 Điều 70, khoản 2 Điều 71, khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 210, Điều 243 BLTTDS, để giải quyết vướng mắc này Tòa án nhân dân tối cao có công văn số 01/2017/GĐ - TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án các địa phương, trong đó tại mục 7, Phần IV đã hướng dẫn thực hiện nội dung như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.
Như vậy, trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được chấp nhận. Trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện từ thời điểm Tòa án mở phiên họp trở đi thì việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ được chấp nhận nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Hướng dẫn này của ngành Tòa án phù hợp với quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan được quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS.
- Việc phân định thế nào là vụ án tranh chấp dân sự, hay chỉ là việc dân sự: Tranh chấp dân sự là trong các quan hệ khi đương sự khởi kiện đã có sự “tranh chấp”, quan hệ đó có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người khởi kiện và các quan hệ được quy định tại các Điều 26 và 28 BLTTDS; Còn việc dân sự khi các bên đều đề nghị Toà án công nhận 1 sự kiện pháp lý, được quy định cụ thể trong các Điều 27 và 29 BLTTDS.
- Việc xác định đối tượng phải chịu án phí, chi phí tố tụng cần lưu ý: Các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, không phải chịu án phí, lệ phí, các trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí của Toà án được quy định rất cụ thể theo Điều 11, Điều 12 của nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (ví dụ đương sự thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi…) . Đồng thời, cũng cần lưu ý các trường hợp phải chịu án phí trong một số loại việc cụ thể được quy định trong Điều 27 của Nghị quyết số 326 để tránh sai sót trong việc tính toán án phí phải chịu của đương sự cũng như tránh việc thất thoát cho ngân sách nhà nước.
- Việc kiểm sát Thông báo trả lại đơn khởi kiện của Toà án cũng là vấn đề cần quan tâm vì, theo quy định tại Điều 192 BLTTDS thì khi trả lại đơn khởi kiện cho đương sự thì Toà án phải gửi thông báo cho VKS. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc toà án phải gửi đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo của đương sự cho VKS. Do vậy, cần làm tốt công tác phối hợp với Toà án để VKS tiếp cận được sớm tài liệu của đương sự thì mới phát hiện được kịp thời những sai sót trong việc trả lại đơn khởi kiện của Toà án để kiểm sát tốt việc giải quyết khiếu nại văn bản trả lại đơn khởi kiện (nếu có)…
Tại buổi toạ đàm, cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị còn được lãnh đạo hai phòng nghiệp vụ truyền tải các kinh nghiệm quý báu trong việc nghiên cứu, giải quyết các vụ việc dân sự, KDTM, giải đáp các vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện BLTTDS và pháp luật liên quan, trong các tình huống xử lý khi Kiểm sát viên tác nghiệp tại phiên toà. Đây là những kiến thức rất bổ ích cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên của đơn vị.
Qua buổi toạ đàm cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị đã thêm một lần nữa để ôn lại, ghi nhớ các quy định của pháp luật trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, án KDTM; Tạo điều kiện để cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị có cơ hội học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trên tinh thần cởi mở, có trách nhiệm. Buổi toạ đàm được lãnh đạo hai phòng nghiệp vụ đánh giá có giá trị cao trong nhận thức, kỹ năng nghiên cứu; việc tổ chức tọa đàm đã bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực chất; nội dung được đề cập rất cụ thể, là các công việc thực hiện hàng ngày, không hình thức, lý luận chung chung; đồng thời, việc trình bày quan điểm của đại biểu tại buổi toạ đàm cũng là dịp để cán bộ rèn luyện kỹ năng diễn đạt, kỹ năng nêu và giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống trong thực tiễn; qua đó cũng đã góp phần thống nhất nhận thức pháp luật cũng như tháo gỡ được một số những khó khăn, vướng mắc đã nêu ra để từ đó các đồng chí tham gia Tọa đàm có cách hiểu, cách phối hợp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.
Kết thúc buổi toạ đàm, đồng chí Nguyễn Trường Thọ, Viện trưởng Viện KSND thành phố Bắc Giang đề nghị các đồng chí cán bộ, công chức của đơn vị tiếp tục nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ; khi có vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình kiểm sát cần báo cáo kịp thời để cùng tháo gỡ khó khăn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, KDTM tại đơn vị trong thời gian tới./.
Hà Thị Hải- VKSND thành phố Bắc Giang