ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 26/11/2024 -00:59 AM

Góp ý Dự thảo 1 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

 | 

Ngày 31/10/2013, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKSNDTC, tại văn bản số 3861/VKSTC-V8 ngày 31/10/2013 về việc tuyên truyền và lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi). Tạp chí Kiểm sát Online đăng nguyên văn những nội dung mới cơ bản của Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và toàn văn Dự thảo Luật do Ban soạn thảo thực hiện để bạn đọc quan tâm, góp ý. Mọi sự góp ý của đơn vị và cá nhân gửi về hộp thư điện tử của Tạp chí Kiểm sát (tcks44ltk@gmail.com) hoặc gửi về hộp thư điện tử của Thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi): luattochucvksnd@gmail.com

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TỐI CAO

----------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2013

NHỮNG NỘI DUNG MỚI CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO 1 LUẬT TỔ CHỨC

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

(Dự thảo tháng 10/2013)

I. Kết cấu, bố cục của Dự thảo Luật

- Trên cơ sở pháp điển hóa Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011), Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002, Dự thảo 1 Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu gồm 7 chương, 14 mục, 112 điều:

+ Chương I: Những quy định chung

+ Chương II: Tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân

+ Chương III: Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND

+ Chương IV: Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của VKSND

+ Chương V: Viện kiểm sát quân sự

+ Chương VI: Bảo đảm hoạt động của VKSND

+ Chương VII: Điều khoản thi hành.

(Có bản Kết cấu Dự thảo Luật kèm theo)

So với Luật tổ chức VKSND năm 2002, đã giảm 4 chương (do ghép các chương 2 - 6) nhưng tăng thêm 62 điều luật.

- Tất cả các điều luật đều được đặt tên theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Điều 5).

II. Những nội dung mới cơ bản của Dự thảo Luật

1. Về Chương I: Những quy định chung

Chương I gồm có 09 điều (Từ Điều 1 đến Điều 9). Chương này tiếp tục kế thừa các quy định của Chương I Luật tổ chức VKSND năm 2002, quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND;trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của VKSND. Bên cạnh đó, có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:

- Làm rõ vị trí của VKSND trong bộ máy nhà nước, là “cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;  Quy định phạm vi, nội dung của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 1).

- Xác định rõ nhiệm vụ chính, cơ bản của VKSND là “bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 2).

- Bổ sung, phân định lại các lĩnh vực công tác của VKSND cho đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thực tiễn (Điều 3).

- Bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên cơ sở quy định của Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) (Điều 5).

- Quy định rõ chủ thể có quyền giám sát hoạt động của VKSND và trách nhiệm của VKSND đối với hoạt động giám sát (Điều 6).

- Xác định rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của VKSND (Điều 8).

- Bổ sung quy định về ngày truyền thống, phù hiệu của ngành KSND (Điều 9).

2. Về Chương II: Tổ chức của VKSND

Chương II gồm có 09 điều (Từ Điều 10 đến Điều 18). Kế thừa các quy định của Chương VII Luật tổ chức VKSND năm 2002, Chương này quy định về: hệ thống VKSND, cơ cấu tổ chức và cơ cấu cán bộ của từng cấp Viện kiểm sát; vai trò, tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm sát. Tuy nhiên, có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:

- Xây dựng quy định về hệ thống VKSND theo 2 phương án (Điều 10):

+ Phương án 1: Hệ thống VKSND gồm 4 cấp (theo chủ trương CCTP);

+ Phương án 2: Hệ thống VKSND gồm 3 cấp (như hiện nay).

- Sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức, cán bộ của VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh để bao quát được toàn bộ các đơn vị trực thuộc và đội ngũ cán bộ của các cấp Viện kiểm sát này; Đổi tên các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở VKSNDTC từ “vụ” thành “viện” để thực hiện một bước chủ trương “Phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tư pháp theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho Kiểm sát viên” theo yêu cầu cải cách tư pháp (các điều 11, 15).

- Bổ sung các quy định về cơ cấu tổ chức, cán bộ của VKSND cấp cao, UBKS VKSND cấp cao; Các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở VKSND cấp cao dự kiến tổ chức thành các“viện” để bảo đảm tương ứng với các Tòa chuyên trách của TAND cấp cao (các điều 13, 14);

- Bổ sung quy định về vai trò tư vấn của Ủy ban kiểm sát cho Viện trưởng trong việc giải quyết những vụ án phức tạp và những vấn đề quan trọng khác theo yêu cầu của Viện trưởng (các điều 12, 14, 16).

- Bổ sung quy định về thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể VKSND (Điều 18).

3. Về Chương III: Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND

Chương III gồm có 30 điều (Từ Điều 19 đến Điều 48). Chương này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các chương II, III, IV, V, VI Luật tổ chức VKSND năm 2002, quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong từng lĩnh vực công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Chương này có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:

- Bổ sung quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong công tác tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố (Mục 1); Sửa đổi các quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự (Mục 2); Bổ sung các quy định về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra; mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND (Mục 4) nhằm thể chế hóa chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo yêu cầu cải cách tư pháp.

- Sửa đổi các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Mục 3) nhằm góp phần thực hiện chủ trương“Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”.

- Sửa đổi các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính…cho phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự, hành chính hiện hành, đồng thời xác định vai trò của VKSND là cơ quan khởi tố các vụ án dân sự nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người yếu thế (Mục 6).

- Kết cấu lại Chương V (Kiểm sát việc thi hành án) và Chương VI (Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù) của Luật tổ chức VKSND năm 2002 thành 02 mục mới trong Dự thảo Luật là Mục 5 (Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự) và Mục 7 (Kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính) cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật thi hành án dân sự năm 2008, Luật thi hành án hình sự năm 2010 và sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND cho phù hợp với từng lĩnh vực.

- Bổ sung quy định về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp; xác định VKSND là cơ quan có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp (Mục 8).

- Bổ sung quy định về các công tác khác mà trong thực tiễn VKSND đang thực hiện nhưng chưa được Luật quy định (Mục 9).

4. Về Chương IV: Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của VKSND

Chương IV gồm có 38 điều (Từ Điều 49 đến Điều 86). Chương này được xây dựng trên cơ sở kế thừa Chương IX Luật tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011), quy định về: chế độ pháp lý của Kiểm sát viên, Điều tra viên. Đồng thời, có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:

- Bổ sung quy định về tuổi nghỉ hưu của cán bộ VKSND, trong đó, tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên VKSNDTC là 60 tuổi đối với nữ, 65 tuổi đối với nam và cơ chế sử dụng chuyên gia đầu ngành (Điều 52).

- Bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND cấp cao, cấp tỉnh, khu vực/cấp huyện và của Phó Viện trưởng VKSND các cấp (các điều 56, 57, 58, 59).

- Quy định mở rộng nhiệm vụ của Kiểm sát viên không chỉ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp mà còn thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng (Điều 60).

- Sửa đổi quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên theo hướng Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì không thời hạn (Điều 60).

- Sửa đổi ngạch Kiểm sát viên theo 2 phương án (Điều 61):

+ Phương án 1: 4 ngạch Kiểm sát viên (gồm Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên chính/Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên/Kiểm sát viên sơ cấp);

+ Phương án 2: 2 ngạch Kiểm sát viên (gồm Kiểm sát viên VKSNDTC - có 3 bậc, Kiểm sát viên  - có 12 bậc).

- Bổ sung quy định về trách nhiệm tuyên thệ của Kiểm sát viên khi được bổ nhiệm (Điều 62).

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của từng ngạch Kiểm sát viên tương ứng với 2 phương án: thi tuyển/Hội đồng tuyển chọn (các điều 66, 67, 68, 69).

- Về cơ chế tuyển chọn Kiểm sát viên, Dự thảo Luật xây dựng 2 phương án (từ Điều 65 đến Điều 75):

+ Phương án 1: Hội đồng tuyển chọn đa thành phần đối với Kiểm sát viên VKSNDTC, thi tuyển đối với các ngạch Kiểm sát viên còn lại;

+ Phương án 2: Hội đồng tuyển chọn đối với tất cả các ngạch Kiểm sát viên, được chia thành 2 phương án:

. Phương án 2a: Hội đồng tuyển chọn đa thành phần đối với Kiểm sát viên VKSNDTC, Kiểm sát viên cao cấp; Ủy ban kiểm sát tuyển chọn Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp

. Phương án 2b: Hội đồng tuyển chọn đa thành phần đối với tất cả các ngạch Kiểm sát viên (như hiện nay).

- Bổ sung quy định về vị trí pháp lý của Kiểm tra viên (Điều 78);

- Bổ sung một số quy định có tính chất đặc thù của Điều tra viên của VKSND như tiêu chuẩn bổ nhiệm, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, quan hệ công tác.. (các điều 81, 82, 83).

- Bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công chức khác, viên chức và nhân viên của VKSND, việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức khác, viên chức và nhân viên của VKSND (các điều 84, 85, 86).

5. Về Chương V: Viện kiểm sát quân sự

Chương V gồm có 15 điều (Từ Điều 87 đến Điều 101). Chương này được xây dựng trên cơ sở kế thừa Chương VIII Luật tổ chức VKSND năm 2002 và Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, quy định các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát quân sự. Tuy nhiên, do yêu cầu của việc pháp điển hóa, Chương này chỉ quy định những vấn đề có tính đặc thù trong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cán bộ, hoạt động giám sát và những điều kiện bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát quân sự; những vấn đề chung sẽ được thể hiện tại các chương tương ứng của Dự thảo Luật.

Những nội dung mới cơ bản của Chương này:

- Bổ sung quy định về việc VKSQS bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội, còn thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng VKSND tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (Điều 87).

- Bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát quân sự như sau “Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự chỉ tuân theo pháp luật và độc lập với/không phụ thuộc vào người chỉ huy của các cơ quan, đơn vị quân đội” (Điều 87).

- Sửa đổi các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; Bổ sung các quy định về Viện trưởng VKSQS quân khu và tương đương, VKSQS khu vực, Phó Viện trưởng VKSQS quân khu và tương đương, VKSQS khu vực (các điều 91, 92, 95, 97, 98).

- Bổ sung quy định về vai trò tư vấn của Ủy ban kiểm sát cho Viện trưởng trong việc giải quyết những vụ án phức tạp và những vấn đề quan trọng khác theo yêu cầu của Viện trưởng (các điều 90, 94).

- Quy định rõ hơn cơ chế trình về kinh phí hoạt động của VKSQS (Viện trưởng VKSQSTW lập dự toán báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định, không phải phối hợp với VKSND tối cao lập dự toán như quy định hiện nay) (K2Đ101).

6. Về Chương VI: Bảo đảm hoạt động của VKSND

Chương VI gồm có 09 điều (Từ Điều 102 đến Điều 110). Chương này được xây dựng trên cơ sở kế thừa Chương X Luật tổ chức VKSND năm 2002 và Chương IV Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002, quy định các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của VKSND và cán bộ của VKSND (biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên; kinh phí hoạt động; cơ sở vật chất; công nghệ thông tin; chế độ tiền lương, phụ cấp, trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên và các chế độ ưu tiên). Bên cạnh đó, có những sửa đổi, bổ sung quan trọng sau đây:

- Về thẩm quyền quyết định tổng biên chế, cơ cấu Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND, Dự thảo Luật xây dựng 2 phương án (Điều 102):

+ Phương án 1: Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định tổng biên chế của VKSND, số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC; Viện trưởng VKSNDTC quyết định biên chế, cơ cấu kiểm sát viên, điều tra viên của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát cấp dưới.

+ Phương án 2: Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định số lượng Kiểm sát viên VKSNDTC; Viện trưởng VKSNDTC quyết định tổng biên chế; cơ cấu kiểm sát viên, điều tra viên của VKSND trên cơ sở ngân sách do Quốc hội quyết định.

- Bổ sung quy định cho phép sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách địa phương; đổi mới quy định về những vấn đề Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho VKSND trong giai đoạn hiện nay (Điều 103);

- Về quy trình quyết định dự toán kinh phí hoạt động của VKSND, Dự thảo Luật xây dựng 2 phương án (Điều 103):

+ Phương án 1: Kinh phí hoạt động của VKSND do VKSNDTC lập dự toán và đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định.

+ Phương án 2: Kinh phí hoạt động của VKSND do VKSNDTC lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

- Bổ sung các quy định về chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên VKSND. Trong đó, quy định chế độ tiền lương của Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên có thang, bậc lương riêng (Pháp lệnh Kiểm sát viên hiện hành chỉ quy định KSV); Quy định về chế độ phụ cấp đặc thù của VKSND…(các điều 104, 105).

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm quyền cấp trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên (Điều 106).

- Bổ sung quy định về chính sách bảo đảm kinh phí cho sinh viên, học viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ VKSND là người dân tộc ít người và ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa (Điều 107).

- Bổ sung quy định chế độ đối với người nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi phục vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân (Điều 108).

- Bổ sung quy định về thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao trong việc quyết định các hình thức khen thưởng (Điều 109).

7. Về Chương VII: Điều khoản thi hành

Chương VII gồm có 02 điều (Điều 111, Điều 112), tiếp tục kế thừa quy định tại Chương XI Luật tổ chức VKSND năm 2002, tuy nhiên có những sửa đổi, bổ sung sau đây:

- Xác định cụ thể thời điểm Luật có hiệu lực thi hành (Điều 111).

- Bổ sung quy định về các cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Luật (Điều 112).

Nguồn: Tạp chí kiểm sát

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,460,883
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.16.82.208

    Thư viện ảnh