ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -15:01 PM

Thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiến nghị, kiến nghị phòng ngừa thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính ở tỉnh Bắc Giang

 | 

Trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay của tỉnh Bắc Giang, số lượng các vụ án hành chính Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Giang thụ lý, giải quyết ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Khiếu kiện chủ yếu là yêu cầu hủy quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng... Trong thời điểm từ ngày 01/12/2020 đến 31/7/2023,  Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bắc Giang đã thụ lý tổng số: 508 vụ án hành chính sơ thẩm (tỉnh 462 vụ, huyện 46 vụ); 14 vụ án hành chính phúc thẩm.

Quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Bắc Giang thấy, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính của Tòa án về cơ bản tương đối tốt. Tuy nhiên, một số Tòa án vẫn còn có vi phạm về tố tụng như: Vi phạm về thời hạn giao các văn bản tố tụng (Thông báo thụ lý vụ án; Thông báo trả lại đơn khởi kiện; quyết định đưa vụ án ra xét xử, thông báo thay đổi phiên tòa…) không đúng thời hạn; gửi chậm bản án, quyết định giải quyết vụ án cho VKS; xác định không đúng thời hiệu khởi kiện; không tiến hành mở phiên họp kiểm tra, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại; không tiến hành giải thích trợ giúp pháp lý cho những người tham gia tố tụng; vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử…

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có sự chỉ đạo bằng Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; Luật tố tụng hành chính quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người bị kiện; Tỉnh ủy Bắc Giang cũng có văn bản số 2171-CV/TU ngày 05/6/2023 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án; Chủ tịch UBND tỉnh cũng có các văn bản chỉ đạo thực hiện nghiêm việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính đối với UBND các cấp như Công văn số 3396/UBND-TCD ngày 03/8/2020 về chấn chỉnh việc tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân, Công văn số 6058/UBND-TCD ngày 15/11/2021 về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, Công văn số 251/UBND-TCD ngày 20/4/2022 về việc chấn chỉnh và tăng cường hoạt động cung cấp tài liệu chứng cứ, tham gia tố tụng, giám định, định giá tài sản. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa được nghiêm túc, chưa hiệu quả. Người tham gia tố tụng là người bị kiện chấp hành chưa nghiêm túc quy định của Luật tố tụng hành chính, các dạng vi phạm chủ yếu là không tham gia phiên họp kiểm tra, tiếp cận công khai chứng cứ, đối thoại; chậm hoặc không cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ, ý kiến về việc kiện; lưu trữ tài liệu, quản lý hồ sơ địa chính, công tác quản lý hành chính nhà nước về đất đai không đúng quy định của pháp luật. Hậu quả làm cho việc giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án bị kéo dài, gây khó khăn cho công tác xét xử, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

Trong thời điểm nêu trên, thông qua công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, Viện kiểm sát đã ban hành 09 văn bản kiến nghị phòng ngừa vi phạm với cơ quan, tổ chức (Viện kiểm sát tỉnh 06, Viện kiểm sát huyện 03); ban hành 07 văn bản kiến nghị với Tòa án hai cấp (Viện kiểm sát tỉnh 04, Viện kiểm sát huyện 03). Các văn bản kiến nghị, kiến nghị phòng ngừa của VKS hai cấp đều có căn cứ, đúng pháp luật. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số đơn vị Viện KSND cấp huyện, thành phố có án hành chính, có vụ án người bị kiện có vi phạm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng. Nhưng Viện kiểm sát không ban hành kiến nghị mà chỉ dừng lại ở hình thức trao đổi, nhắc nhở người bị kiện trong từng vụ việc nên hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiến nghị, kiến nghị phòng ngừa vi phạm thông qua công tác kiểm sát giải quyết án hành chính cần thực hiện tốt một số biện pháp, giải pháp như sau:

Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiến nghị, kiến nghị phòng ngừa khắc phục vi phạm thông qua công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, theo quy định tại Điều 5 Luật tổ chức VKSND và quy định của Luật tố tụng hành chính.

Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo đối với công tác kiến nghị, kiến nghị phòng ngừa khắc phục vi phạm.

Nâng cao trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện công tác kiểm sát giải quyết án hành chính. Cán bộ, KSV phải thường xuyên cập nhật thông tin, tài liệu về việc ban hành, điều chỉnh, thay đổi chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nư­ớc liên quan đến việc giải quyết án hành chính để vận dụng vào giải quyết từng vụ, việc cụ thể.

Xây dựng và rèn luyện kỹ năng cho Kiểm sát viên nhận diện và phát hiện vi phạm; soạn thảo văn bản kiến nghị, kiến nghị phòng ngừa theo mẫu số 06, 07/HC ban hành kèm theo Quyết định số 410/QĐ-VKSTC ngày 25/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao. Bản kiến nghị phải có nội dung rõ ràng, phân tích, lập luận để xác định và chỉ rõ vi phạm pháp luật, hậu quả của vi phạm, nguyên nhân và trách nhiệm của của cơ quan, tổ chức, căn cứ pháp luật và nêu rõ yêu cầu đối với đối tượng bị kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và yêu cầu trả lời việc thực hiện kiến nghị. 

Quan tâm đến công tác đào tạo và tự đào tạo, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngànhKiểm sát theo quy định của pháp luật, yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế./.

Lương Thanh Hảo- Viện KSND tỉnh Bắc Giang 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,418,491
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.20.250

    Thư viện ảnh