ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -01:45 AM

Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm bản án dân sự sơ thẩm do Tòa án thu thập chưa đầy đủ tài liệu chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án

 | 

Nguyên đơn anh D và bị đơn bà L là hàng xóm của nhau. Anh D cho rằng, phần diện tích đất 2.500m2 do gia đình bà L đang quản lý sử dụng là của gia đình anh, yêu cầu gia đình bà L phải di rời cây cối để trả đất cho anh. Đất này có nguồn gốc là một phần của thửa đất ông M được cấp sổ lâm bạ năm 1991, diện tích 2ha, thuộc lô d, khoảnh 16, thôn C. Ông M chuyển nhượng là cho bố anh. Bố anh cho anh một phần lô đất này. Ngày 30/6/2014 anh đã được Ủy ban nhân dân huyện L cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) diện tích 7.000m2 (GCN này đã bị thu hồi).

Bị đơn bà L lại cho rằng, từ năm 1978 gia đình bà khai phá được lô đất để trồng rừng. Năm 1991 gia đình bà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, diện tích 4,5 ha thuộc lô đ1, đ2 khoảnh 16, thuộc thôn C. Diện tích đất anh D tranh chấp là một phần của lô đất gia đình bà được giao nêu trên. Gia đình bà quản lý, sử dụng trồng cây ăn quả ổn định, nhiều năm. Đến năm 2018 anh D mới bảo là đất của anh D, khi đó bà mới biết việc anh D được cấp GCN. Bà đã khởi kiện đến Tòa án việc UBND huyện L cấp GCN cho anh D. UBND huyện L đã phải thu hồi GCN đã cấp cho anh D. Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của anh D.

Xem xét lời khai hai bên, tài liệu chứng cứ là các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ông M và bà L được cấp năm 1991 thấy rằng, hộ ông M được cấp 01 lô đất là lô d diện tích 2,1ha; hộ bà L được cấp hai lô đất là lô đ1, đ2. Anh D đã được cấp GCN năm 2014 nhưng đã bị thu hồi. Nên để có cơ sở xác định diện tích đất tranh chấp có phải thuộc lô d ông M được cấp hay lô đ1, đ2 hộ bà L được cấp thì phải thực hiện việc xem xét thẩm định tại chỗ, đo đạc toàn bộ diện tích đất thuộc lô d và lô đ1, đ2; thu thập bản đồ địa chính thời điểm cấp GCN năm 1991. Nhưng Tòa án chỉ thực hiện thủ tục đo đạc phần diện tích đất hai bên tranh chấp 2.500m2; không thu thập tài liệu bản đồ thời điểm cấp GCN năm 1991; là chưa đủ căn cứ để xác định diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của ai; là thu thập chưa đầy đủ tài liệu chứng cứ để giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện L tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập thêm tài liệu chứng cứ nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận đã xác định diện tích đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng của anh D và xử buộc bà L phải trả đất cho anh D; giao cho anh D được sở hữu cây trên đất do bà L trồng; anh D thanh toán trả bằng tiền giá trị cây cho bà L.

Ngoài ra, Tòa án đã tuyên buộc anh D phải trả cho bà L 200.000.000đ tiền giá trị cây. Nhưng Tòa án không tuyên: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 là không đúng quy định Điều 357 BLDS năm 2015; Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã hướng dẫn về quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án

Xét thấy, việc Tòa án giải quyết vụ án khi chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, chưa đủ căn cứ để giải quyết vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng; không tuyên buộc người phải thi hành án về tài sản phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án là không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự, Viện KSND huyện L đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của TAND huyện L giải quyết vụ án nêu trên, đề nghị TAND tỉnh B xét xử phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án./.

Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,436,257
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.92.56

    Thư viện ảnh