ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -02:05 AM

Viện KSND huyện Lạng Giang tổ chức toạ đàm chuyên đề nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm

 | 

Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/BCSĐ -VKS ngày 19/3/2021 của Ban Cán sự Đảng Viện KSND tỉnh Bắc Giang về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm, đột phá năm 2021. Ngày 06/10/2021, Viện KSND huyện Lạng Giang tổ chức toạ đàm chuyên đề “Nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm giải quyết vụ án hành chính; vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh doanh thương mại; lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật”.

Thành phần tham dự toạ đàm gồm các đồng chí lãnh đạo, kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên làm công tác nghiệp vụ. Thay mặt VKSND huyện Lạng Giang, đồng chí Trần Thị Huệ - Phó Viện trưởng, trình bày báo cáo chuyên đề. Trong thời điểm từ tháng 12/2020 đến tháng 08/2021, Viện KSND huyện Lạng Giang đã tham gia phiên tòa, phiên họp xét xử 130 vụ án hành chính; vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; kinh doanh thương mại. Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên toà, phiên họp đều đã chuẩn bị dự thảo Bài phát biểu theo đúng mẫu hướng dẫn của Viện KSND tối cao; nội dung thể hiện được chức năng, vai trò của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Toà án và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng; ý kiến quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết nội dung vụ việc. Dự thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên đều được lãnh đạo phụ trách duyệt trước khi Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, phiên họp. Sau khi phiên toà kết thúc đã thực hiện việc giao bài phát biểu cho Toà án để lưu hồ sơ vụ, việc.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà còn có nhiều hạn chế, tồn tại, đó là: Còn có bài phát biểu viết chưa đúng biểu mẫu; Không nhận xét việc chấp hành pháp luật của đầy đủ người tham gia tố tụng (Trong vụ án có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn nhưng Kiểm sát viên không nhận xét việc tuân theo pháp luật của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn); không viện dẫn cụ thể điều luật được áp dụng để nhận xét; Không viện dẫn cụ thể điều luật áp dụng để đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết nội dung vụ án; Tại phiên toà, nguyên đơn vắng mặt các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nhưng Kiểm sát viên lại đề nghị công nhận thoả thuận của các đương sự về việc nuôi con chung là không đúng; Đề nghị giải quyết án phí còn chung chung, không cụ thể...

Với tinh thần cầu thị, sôi nổi, buổi toạ đàm đã có nhiều ý kiến phát biểu tham luận, thẳng thắn đánh giá về việc xây dựng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm của một số Kiểm sát viên trong đơn vị chất lượng chưa cao; nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, chưa bám sát quy chế hướng dẫn của ngành, các quy định pháp luật liên quan đến việc giải quyết. Buổi toạ đàm đã có nhiều ý kiến nêu lên những nguyên nhân dẫn đến hạn chế, thiếu sót, từ đó đề ra những giải pháp nhằm giúp các Kiểm sát viên xây dựng bài phát biểu có chất lượng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, đồng chí Lê Đình Tuấn - Viện trưởng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đồng chí trong đơn vị đồng thời cũng nhấn mạnh rõ rằng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự là kết quả của cả quá trình nghiên cứu hồ sơ, tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên, thể hiện vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự nhằm bảo đảm cho các hoạt động của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của các cơ quan, tổ chức và công dân./.

Nguyễn Thị Minh Tuyết- Viện KSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,436,399
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.59.2.242

    Thư viện ảnh