Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2021 của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, Viện KSND huyện Hiệp Hòa tích cực triển khai thực hiện công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm.
Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa, Viện KSND huyện Hiệp Hòa nhận thấy có vi phạm pháp luật trong việc ký xác nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần thiết kiến nghị phòng ngừa. Nội dung vụ án như sau:
Nguyên đơn bà Đ trình bày: Ngày 16/12/2018, vợ chồng anh Th và chị H có lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà diện tích 100m2 đất trong tổng số 234,4 m2 tại thôn Ngọ Phúc, xã Châu Minh theo GCNQSDĐ số CL 204466 được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cấp cho anh Th, chị H ngày 14/12/2017. Giá chuyển nhượng là 1.100.000.000 đồng. Bà Đ đã trả trước 1.050.000.000 đồng cho anh Th, chị H. Số tiền 50.000.000 đồng còn lại sẽ thanh toán khi anh Th, chị H làm thủ tục GCNQSDĐ sang tên bà. Hợp đồng chuyển nhượng được ông Nguyễn Văn T (trưởng thôn Ngọ Phúc) và ông Nguyễn Văn M (phó trưởng thôn Ngọ Phúc) ký xác nhận. Sau nhiều lần bà yêu cầu anh Th, chị H thực hiện các thủ tục để làm GCNQSDĐ sang tên bà đối với diện tích đất bà đã mua nhưng anh Th và chị H không làm. Bà Đ yêu cầu Tòa án giải quyết: Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 16/12/2018 giữa bà và anh Th, chị H. Buộc anh Th chị H thực hiện nghĩa vụ sang tên GCNQSDĐ diện tích 100 m2 đất cho bà.
Bà Đ cung cấp cho Tòa án 01 bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi ngày 16/12/2018 (có chữ ký của bà Đ, anh Th, chị H và xác nhận ghi ngày 17/12/2018 của ông T và ông M là trưởng, phó trưởng thôn Ngọ Phúc).
Bị đơn anh Phạm Ngọc Th và chị Nguyễn Thị H trình bày: Vợ chồng anh chị không mua bán thửa đất nào với bà Đ. Anh chị thừa nhận có ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đề ngày 16/12/2018. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng thì chỉ có hai bên ký với nhau, không có người làm chứng. Mục đích ký hợp đồng này là để ràng buộc khoản vay giữa vợ chồng anh chị và bà Đ. Anh chị chưa nhận được số tiền 1.050.000.000 đồng như bà Đ trình bày. Khi anh chị ký hợp đồng chuyển nhượng đất thì anh chị đang thế chấp GCNQSDĐ tại ngân hàng VPbank. Ngoài ra anh chị có nợ bà Đ một số tiền có giấy tờ vay.
Anh Th cung cấp cho Tòa án 01 bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi ngày 16/12/2018 (chỉ có chữ ký của bà Đ, anh Th, chị H).
Ông Nguyễn Văn T và ông Nguyễn Văn M đều có lời khai thừa nhận: Ngày 17/12/2018 khi các ông đang ở Nhà văn hóa thôn Ngọ Phúc thì bà Đ có cầm 01 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Đ với anh Th, chị H đến đề nghị 02 ông ký xác nhận và hai ông đã ký xác nhận vào hợp đồng với nội dung “Thửa đất gia đình ông Phạm Ngọc T như trình bày ở hợp đồng chuyển nhượng trên là đúng sự thực; hai bên đã đồng ý thống nhất chuyển nhượng; có trách nhiệm thực hiện những điều mà đã ký kết trong hợp đồng”. Khi ký xác nhận, không có mặt anh Th và chị H. Thực tế hai ông không được chứng kiến việc anh Th, chị H chuyển nhượng đất cho bà Đ, không được chứng kiến việc hai bên đã giao tiền cho nhau.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 17/2021/DS-ST ngày 08/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện Hiệp Hòa đã xử: Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 16/12/2018 giữa bà Đ với anh Th, chị H là vô hiệu; buộc bà Đ phải trả lại diện tích đất nêu trên cho anh Th, chị H. Anh Th, chị H phải trả cho bà Đ 1.050.000.000 đồng; ngoài ra bản án còn giải quyết các nội dung khác.
Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hiệp Hòa nhận thấy:
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực và theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp bản sao từ sổ gốc; chứng thực bản sao từ bản chính; chứng thực chữ ký; chứng thực hợp đồng, giao dịch; giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực; quản lý nhà nước về chứng thực thì trưởng, phó thôn không có thẩm quyền ký chứng thực hợp đồng.
Do vậy, việc ông T và ông M với danh nghĩa là trưởng, phó thôn thay mặt Ban quản lý thôn Ngọ Phúc ký xác nhận vào hợp đồng nên trên là trái quy định của pháp luật, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu; là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp dân sự, khiếu kiện trong nhân dân.
Để phòng ngừa vi phạm pháp luật trong việc ký xác nhận hợp đồng dân sự nói chung, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng; hạn chế thấp nhất tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất tại địa phương, Viện KSND huyện Hiệp Hòa đã ban hành văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thực hiện tổ chức rút kinh nghiệm và làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với cá nhân có liên quan đến vi phạm, thiếu sót nêu trên; tăng cường thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật nói chung, pháp luật liên quan đến đất đai nói riêng để không để xảy ra những vi phạm tương tự trong thời gian tới./.
Ngô Tuấn Hùng - Viện KSND huyện Hiệp Hòa