Năm 2020 là năm thứ tư Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm, đột phá theo Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và kế hoạch công tác của ngành.
Ngày 16/3/2020, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ-VKS về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm, đột phá năm 2020. Nội dung của Nghị quyết tập trung đi sâu vào các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tích cực khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực công tác đã được rút ra từ thực tiễn hoạt động năm 2019 và những năm trước đây; trên cơ sở đó, tập trung các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Nghị quyết đã đưa ra 4 vấn đề, cụ thể là: 1- Nâng cao chất lượng, hiệu quả một cách thực chất công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. 2- Tập trung nâng cao về số lượng, chất lượng kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm thông qua việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. 3- Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng các hình thức, biện pháp, cách làm cụ thể, phù hợp, nhất là công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ. 4- Tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị.
Việc đưa ra các vấn đề nêu trên trong Nghị quyết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đối với công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố: Mặc dù trong những năm vừa qua, các đơn vị trong ngành đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn có một số đơn vị (cả cấp tỉnh và cấp huyện), việc nhận thức và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của ngành, các nghị quyết của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, nhất là các quy định về vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, của kiểm sát viên đối với lĩnh vực công tác này chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc, thậm chí có biểu hiện tinh thần trách nhiệm chưa cao (cả lãnh đạo đơn vị và cán bộ, kiểm sát viên). Nhiều trường hợp kiểm sát viên được phân công thụ lý chưa tiến hành kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết của cơ quan điều tra; việc nghiên cứu, đánh giá và đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc không đảm bảo căn cứ, thiếu tính thuyết phục. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo của một số lãnh đạo đơn vị (hoặc cấp phó được ủy quyền) đối với một số vụ việc còn mang tính chung chung, thiếu cụ thể, kiên quyết dẫn đến kết quả giải quyết còn có vi phạm, thiếu sót, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác…Việc theo dõi, nắm bắt của các đơn vị đối với các thông tin có dấu hiệu tội phạm thông qua các nguồn tin chưa kịp thời, đầy đủ; công tác đối chiếu, phân loại, phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm với cơ quan điều tra ở cả hai cấp tuy được thực hiện cơ bản thường xuyên theo quy định, nhưng hiệu quả thực chất chưa đáp ứng yêu cầu.
Thứ hai, về việc ban hành các kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm thông qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp: Trong những năm gần đây, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân, chỉ tiêu ban hành kiến nghị phòng ngừa luôn được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và xác định rõ đối với từng khâu công tác kiểm sát nêu trong kế hoạch hàng năm. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy, vẫn còn có đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ chỉ tiêu này; chất lượng kiến nghị (cả về nội dung và hình thức) còn hạn chế, tính thuyết phục và hiệu quả từ việc thực hiện kiến nghị chưa cao, có trường hợp còn mang tính đối phó, “hợp thức hóa”, sao cho hoàn thành chỉ tiêu kiến nghị phòng ngừa.
Tình trạng nêu trên trước hết là do nhận thức của một số lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên được phân công chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm sát hoạt động tư pháp (cả trong lĩnh vực hình sự và các khâu công tác kiểm sát hoạt động tư pháp) về yêu cầu, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm chưa sâu sắc, đầy đủ, toàn diện, thậm chí có trường hợp còn nhận thức mơ hồ, chưa quan tâm thấu đáo đến nhiệm vụ này. Quá trình thực hiện công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, còn có cán bộ, kiểm sát viên chưa phát huy tích cực vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được phân công; chất lượng nghiên cứu, đề xuất quan điểm giải quyết còn hạn chế; bên cạnh đó, nhiều trường hợp lãnh đạo đơn vị chưa sâu sát, chỉ đạo thiếu cụ thể, dẫn đến chưa nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc ban hành kiến nghị…; việc đánh giá, rút kinh nghiệm về kỹ năng tổng hợp ban hành kiến nghị cũng chưa được coi trọng đúng mức và chưa thực hiện thường xuyên.
Thứ ba, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Nhiều năm qua, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác này, coi đây là một trong những giải pháp căn cơ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Hàng năm, đã cử nhiều lượt cán bộ đi học tập, bồi dưỡng, tập huấn các khóa học, lớp học về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kỹ năng quản lý, chỉ đạo, điều hành…nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ở cả hai cấp (tỉnh và huyện). Công tác tự đào tạo (đào tạo tại chỗ) cũng đã được triển khai một cách rộng rãi, đa dạng, linh hoạt ở các đơn vị trong ngành. Cụ thể như việc phân công kiểm sát viên có kinh nghiệm hướng dẫn, kèm cặp cán bộ mới được tuyển dụng vào ngành; mạnh dạn giao cho cán bộ trẻ (là chuyên viên, kiểm tra viên) nghiên cứu, đề xuất giải quyết vụ việc trong các khâu công tác kiểm sát gắn với việc theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra của kiểm sát viên, của lãnh đạo đơn vị; tiến hành tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, kiểm sát viên; tổ chức tọa đàm, trao đổi về nghiệp vụ…Hàng năm, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đều tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên sâu; kiểm tra kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong ngành trên các lĩnh vực công tác kiểm sát để có cơ sở đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thực trạng đội ngũ cán bộ của ngành hiện nay, bên cạnh nhiều nhân tố tích cực, tâm huyết, làm việc có trách nhiệm, hiệu quả, vẫn thấy còn bộc lộ một số biểu hiện cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cả hai cấp (tỉnh và huyện). Những biểu hiện đó thể hiện dưới nhiều hình thái, mức độ khác nhau, nhưng tập trung và đáng quan tâm là tình trạng lười nghiên cứu, ngại học hỏi (trong đó có nhiều cán bộ trẻ và cá biệt có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý); chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, còn có tư tưởng “được chăng hay chớ”; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chưa được lan tỏa rộng rãi…Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà trước hết cần chú trọng công tác tự đào tạo, đào tạo tại chỗ.
Thứ tư, về giải pháp tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành: Có thể thấy rõ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành luôn được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đặc biệt coi trọngvà thường xuyên quan tâm, nhấn mạnh trong quá trình chỉ đạo các mặt hoạt động của ngành; xác định công tác này có vai trò then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công, hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Chính vì vậy, trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động của các đơn vị trong ngành, từ năm 2017, Nghị quyết của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xác định công tác này là một trong những nhiệm vụ đột phá cần tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực sự.
Thực tế thời gian qua cho thấy, những biểu hiện của sự hạn chế trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh, tính chất, mức độ khác nhau, song tập trung ở một số khía cạnh chủ yếu sau:
Một là, việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản, ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên ở một số đơn vị còn có biểu hiện qua loa, hình thức, thiếu triệt để, sâu sắc.
Hai là, một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức chưa đầy đủ về các nguyên tắc hoạt động, quy trình làm việc của ngành, của cơ quan, đơn vị và ở mức độ nào đó mới chỉ tập trung vào công việc chuyên môn cụ thể. Đáng lưu ý là biểu hiện này còn ít nhiều xuất hiện ở cả cán bộ có chức danh lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ mới được bổ nhiệm, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; có trường hợp chưa thực sự đề cao tinh thần khiêm tốn, cầu thị, học hỏi, thậm chí bảo thủ; chưa tích cực nghiên cứu, rèn giũa kỹ năng quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Ba là, ý thức trách nhiệm, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn có biểu hiện lơi lỏng; chưa thực sự nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện chỉ đạo của cấp trên; việc chỉ đạo chuyên môn của lãnh đạo đối với cán bộ, kiểm sát viên có lúc chưa kịp thời, sâu sát, cụ thể; tính chủ động, sáng tạo trong công tác chưa được đề cao, hiệu quả còn hạn chế; …
Nhìn nhận khách quan những vấn đề nêu trên, với tinh thần quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 10-NQ/BCSĐ-VKS, ngày 16/3/2020 của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, tin tưởng rằng, các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang sẽ khắc phục cơ bản những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao./.
Nguyễn Xuân Hồng