ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -02:40 AM

Xây dựng mối quan hệ phối hợp “hiệu quả, thực chất”, khẳng định vị thế của Viện Kiểm sát

 | 

Là Kiểm sát viên, công việc yêu thích của tôi là được trực tiếp tham gia đi khám nghiệm hiện trường, nghiên cứu hồ sơ các vụ án hình sự nhằm gắn giữa thực tiễn và lý luận, giữa tài liệu điều tra và diễn biến thực tế của vụ án thông qua các dấu vết để lại hiện trường cũng như phán đoán của bản thân.

Đặc biệt, có những vụ án đã để lại sự ám ảnh thời gian dài vì những hậu quả xảy ra trong quá trình giải quyết còn thiếu kinh nghiệm... Chính vì vậy, khi thụ lý vụ án, điều quan trọng với mỗi Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự là đọc và ghi chép ngay tất cả các chứng cứ quan trọng.  

Đó là những chia sẻ của Viện trưởng VKSND thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Trường Thọ.    

Đồng chí Nguyễn Trường Thọ- Viện trưởng Viện KSND thành phố Bắc Giang

Vượt qua áp lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Viện trưởng Nguyễn Trường Thọ cho biết, do trước đó, gia đình có chú và anh rể công tác trong Ngành nên anh có điều kiện được biết về ngành Kiểm sát, hình ảnh Kiểm sát viên mặc áo màu thiên thanh, nghiêm nghị mà bình dị, đặc biệt là vai trò quan trọng của Kiểm sát viên khi tham gia thụ lý vụ án, tuy vất vả nhưng góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật đã khiến anh mong muốn trở thành Kiểm sát viên. Vì vậy, anh đã chọn thi vào trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội...

Tốt nghiệp ra trường, anh được về công tác tại VKSND huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang (năm 1995). Sau gần 1 năm công tác, anh được chuyển về VKSND huyện Yên Thế. Đây đều là những huyện trung du, miền núi của tỉnh, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp, giao thông đi lại khó khăn. Nhưng nơi đây cũng đã giúp anh rèn luyện, trưởng thành và bản lĩnh hơn trong công việc. Trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác, với những cố gắng phấn đấu, anh được cấp trên tín nhiệm và hiện được bổ nhiệm là Viện trưởng VKSND thành phố Bắc Giang.

So với nhiều đơn vị trong tỉnh, thành phố Bắc Giang là địa bàn có khối lượng công việc nhiều, liên tục tăng về số lượng các vụ án và tính chất phức tạp, đòi hòi phải có phương pháp lãnh đạo toàn diện nhưng phải sát sao với các vụ việc cụ thể, kể cả những nhiệm vụ mang tính “hành chính”. Không những vậy, áp lực, yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng, hiệu quả của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ngày càng cao, đặc biệt là nhiệm vụ phòng, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm... Tuy vậy, thời gian qua, anh cùng đơn vị đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự: Năm 2019, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, đơn vị đã kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi khởi tố, đề ra yêu cầu điều tra đối với 100% vụ án, nắm chắc tiến độ điều tra và kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, bảo đảm việc thu thập chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, đơn vị đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 285 vụ/ 365 bị can, giảm 2 vụ, tăng 13 bị can. Cơ quan điều tra đã giải quyết 241vụ/312 bị can, tỉ lệ giải quyết đạt 84,56% (vượt chỉ tiêu gần 5%)...  Đáng nói, 100% kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát đều được tiếp thu, thực hiện.

Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, Viện trưởng Nguyễn Trường Thọ cho biết, Viện kiểm sát đã thụ lý, giải quyết 203 vụ/ 289 bị can; đã xử lý 201 vụ/286 bị can, tỉ lệ giải quyết đạt 99% (vượt chỉ tiêu 4%). Không những vậy, 100% truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh; không có án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Kiểm sát viên lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung 100% các bị can trước khi truy tố.

Ngoài ra, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, đơn vị cũng đều hoàn thành vượt chỉ tiêu. Cùng với đó, đã giải quyết dứt điểm các vụ án của năm 2018 chuyển sang trong tháng 2/2019 theo đúng kế hoạch.... Tuy số lượng Kiểm sát viên không nhiều nhưng trong năm 2019, đơn vị đã tổ chức 28 phiên toà rút kinh nghiệm (tăng 3 phiên so với năm 2018), trong đó có 1 phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm trong tỉnh và có sử dụng số hóa hồ sơ, tài liệu. Không có bị cáo Tòa án tuyên không phạm tội. Không có vụ nào bị cấp phúc thẩm hủy án, sửa án có trách nhiệm của cấp sơ thẩm...

“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc khiếu kiện kéo dài. Các quyết định giải quyết của Viện kiểm sát được cơ quan giải quyết khiếu nại lần hai (nếu có) đồng ý, giữ nguyên quyết định giải quyết lần đầu. Các yêu cầu, kiến nghị của Viện kiểm sát đều được chấp nhận, thực hiện”- Viện trưởng Nguyễn Trường Thọ cho biết.

Điều đáng nói, trong 9 năm giữ cương vị Viện trưởng, đã có 7/10 đơn vị do Viện trưởng Nguyễn Trường Thọ phụ trách đều được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (các năm 2009, 2010, 2011, 2013, 2015, 2016, 2018); trong đó, 6/10 năm được tặng Cờ thi đua dẫn đầu khối cấp huyện.

Nhiệt tình chia sẻ về nhiệm vụ, công việc và những kết quả của đơn vị, nhưng khi Phóng viên đề cập về những cống hiến của bản thân, người Viện trưởng ấy lại rất khiêm tốn và cho rằng đó là thành tích chung của cả đơn vị. Và thay vào đó, anh kể về những kỉ niệm, những vụ án mà anh đã từng tham gia giải quyết. Anh cho rằng, đó là những điều được lớn nhất khi trở thành một Kiểm sát viên...

Quang cảnh một cuộc họp triển khai công tác của đơn vị

Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, hướng đến “hiệu quả thực chất”

Vụ án để lại nhiều ấn tượng, kinh nghiệm đối với bản thân anh, đó là Vụ Hủy hoại tài sản xảy ra tại bản Chay, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (đây là địa bàn giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên). Do muốn đòi lại một phần diện tích đất rừng mà UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận cho Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Trường Lộc thuê để thực hiện dự án, trong các ngày 02/11/2011, Triệu Văn Thao (Trưởng xóm Đồng Bứa, xã Bình Long, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã tổ chức họp dân lập ra bản “Quy ước xóm Đồng Bứa” với nội dung: Các hộ dân trong xóm đều phải tham gia đấu tranh giữ đất; ngày 17/11/2011, Triệu Văn Thao tổ chức họp dân thống nhất là sáng ngày 19/11/2011, mỗi gia đình phải có 01 người đi lên Công ty Trường Lộc, mang theo vũ khí là dao, gậy, nỏ, ai có gì thì đem theo để đập phá tài sản, đánh đuổi người của Công ty Trường Lộc để đòi đất. Đúng theo kế hoạch, sáng ngày 19/11/2011, Triệu Văn Thao đã đánh kẻng tập trung được khoảng 50 người thuộc các hộ dân ở xóm Đồng Bứa và xóm Chùa, xã Bình Long đi lên lán của Công ty Trường Lộc ở khu vực đồi Thùm Thùm thuộc bản Chay, xã Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang để đập phá tài sản, mục đích để đòi lại đất. Khoảng 10h cùng ngày, nhóm người này kéo đến cửa lán của Công ty Trường Lộc. Triệu Văn Sinh cầm 1 con dao quắm xông lên chém hỏng chiếc Ăngten tivi Prabol-VTC, rồi tiếp tục chém hỏng bình nhựa đựng nước loại 20 lít để ở cửa lán; Sinh hô xông lên, rồi cầm dao quắm xông vào trong lán, đập hỏng chiếc tivi Samsung 21 inch, và một số tài sản khác. Khi Triệu Văn Sinh hô “xông lên” thì mọi người ở ngoài sân xông vào trong nhà đập phá tài sản. Trong đó, có Phan Văn Hoa cầm 01 chiếc nỏ chĩa vào trong lán để uy hiếp, hỗ trợ mọi người vào trong lán đập phá tài sản, rồi cầm nỏ xông vào trong lán. Phan Văn Quyết cầm gậy gỗ xông vào trong lán đập vỡ bàn ghế. Nguyễn Thị Hà là người tích cực thúc giục mọi người và cùng đám đông kéo nhau đến Công ty Trường Lộc đập phá tài sản. Trong khi đám đông xông vào trong lán đập phá tài sản thì Nguyễn Thị Hà chạy qua, chạy lại cửa lán hô hét, khi phát hiện thấy bảo vệ của Công ty Trường Lộc chạy lên đồi thì Nguyễn Thị Hà nói to cho mọi người biết là “Họ đi gọi điện kia kìa” và hô: “Về đi, công an đến đấy” để mọi người biết và bỏ về. Tài sản mà các đối tượng đã đập phá, hủy hoại tại trụ sở của Công ty Trường Lộc được xác định bị thiệt hại là 55.907.000 đồng.

Ngay sau khi nắm được diễn biến vụ việc, với vai trò là Viện trưởng VKSND huyện Yên Thế, anh Nguyễn Trường Thọ đã chỉ đạo, đề ra nhiều yêu cầu điều tra bằng văn bản, họp liên ngành và báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND huyện tổ chức hội nghị đối thoại giữa Công ty và UBND, các cơ quan tố tụng huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Kết quả, vụ án được xét xử sơ thẩm tuyên phạt 6 bị cáo, án đã có hiệu lực pháp luật, không có kháng cáo, góp phần ổn định tình hình, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các hộ dân và hài hòa giữa quyền lợi của người dân với doanh nghiệp.

Dù vụ án xảy ra đã lâu, nhưng qua vụ án này đã giúp anh có thêm nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là khi ở cương vị người đứng đầu một cơ quan công tố. Đó là, luôn xác định công tác tham mưu, tư vấn là nhiệm vụ quan trọng để khẳng định vai trò, vị thế của Viện Kiểm sát với cấp ủy, chính quyền và các ngành hữu quan.

Những tham mưu, kiến nghị của Viện Kiểm sát đều được tiếp thu như: Kiến nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang xem xét, thực hiện các biện pháp để giải quyết “điểm đen” về tai nạn giao thông; kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa, xóa bỏ một số tụ điểm mua bán trái phép chất ma túy; kiến nghị áp dụng các giải pháp để hạn chế các vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng...;

Tham mưu cho cấp ủy chính quyền nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quản lý nhà nước, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điển hình là, đã trực tiếp tham mưu, tư vấn để Huyện ủy, UBND huyện Yên Thế lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đập Hồ Quỳnh; tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, UBND huyện Lạng Giang chỉ đạo, thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị phía Tây, thị trấn Vôi...

Để đạt những kết quả đó, Viện trưởng Nguyễn Trường Thọ chia sẻ, với một người lãnh đạo, điều quan trọng là kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Do đó, bản thân phải thật sự gương mẫu, nhiệt tình và có trách nhiệm, nhất là đối với những việc khó của đơn vị; biết chia sẻ với cán bộ, Kiểm sát viên trước những vụ việc khó khăn, phức tạp; tạo điều kiện cho cán bộ thể hiện bản thân để tự phát triển; kiên quyết phê bình những cán bộ, Kiểm sát viên thiếu trách nhiệm, đã được nhắc nhở vẫn vi phạm; lãnh đạo đơn vị bằng sự công tâm, công bằng với vai trò là người đứng đầu.

Đồng thời, phải nắm rõ được năng lực, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, Kiểm sát viên để phân công và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện cho phù hợp, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”, thực hiện nghiêm túc việc rút kinh nghiệm trực tiếp, thông qua hội nghị cơ quan ngay sau khi phát hiện cán bộ, Kiểm sát viên có vi phạm, thiếu sót.

“Quan tâm xây dựng mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ nhưng phải theo hướng “hiệu quả, thực chất”, không xuôi chiều với các cơ quan tư pháp; tạo được mối quan hệ thật sự có sự tôn trọng lẫn nhau trong giải quyết công việc. Đối với những vụ án có khó khăn, phức tạp cần trực tiếp nghiên cứu tài liệu và trao đổi trực tiếp với Điều tra viên để nắm rõ bản chất, sau đó, mới trao đổi với lãnh đạo Cơ quan điều tra để định hướng giải quyết, bảo đảm tính khách quan”- Viện trưởng Nguyễn Trường Thọ chia sẻ./.

Thanh Dịu

Báo Bảo vệ pháp luật

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,425,710
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.145.67

    Thư viện ảnh