Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/1/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2015 và Kế hoạch số 51/KH-VKS-VP ngày 12/5/2015 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội về việc tổ chức phiên toà hình sự rút kinh nghiệm bằng hình thức trực tuyến, ngày 29/5/2015 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến.
Vụ án được đưa ra xét xử là vụ Ngô Mạnh Cường và đồng bọn phạm tội “Cố ý gây thương tích” và “Gây rối trật tự công cộng ” theo quy định tại Điều 104 và Điều 245 Bộ luật Hình sự. Đây là phiên tòa rút kinh nghiệm đầu tiên được tổ chức truyền hình trực tuyến với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến của ngành Kiểm sát nhân dân. Mục đích của việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm theo hình thức này, một mặt nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà của Kiểm sát viên, nhất là kỹ năng xét hỏi, tranh tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp; một mặt nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ đối với cán bộ, kiểm sát viên đang công tác cũng như tạo ra diễn đàn trao đổi, gắn lý luận với thực tiễn nhằm phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy, học tập cho các giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Hình ảnh phiên tòa trực tuyến chụp qua màn hình
Điểm cầu VKSND tỉnh Bắc Giang
Hình ảnh điểm cầu trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (chụp qua màn hình)
Thành phần tham dự phiên toà tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến gồm:
1. Tại điểm cầu truyền hình Viện KSND tỉnh Bắc Giang có các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang do đồng chí Nguyễn Xuân Hùng – Phó Viện trưởng Thường trực chủ trì; lãnh đạo, Kiểm sát viên các phòng 1, 1A, 2, 3 và cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Giang.
2. Tại điểm cầu truyền hình của các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có các đồng chí lãnh đạo Viện, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ làm công tác giải quyết án hình sự.
3. Tại điểm cầu truyền hình Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có Ban giám hiệu nhà trường, cán bộ các khoa, phòng và các sinh viên của trường.
Sau khi kết thúc phiên tòa, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng – Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Giang chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm trực tuyến toàn ngành Kiểm sát Bắc Giang với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết nghề nghiệp, các đồng chí Kiểm sát viên của các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang và đại diện cho các giảng viên, sinh viên của trường tham dự phiên toà đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến thực sự bổ ích, thiết thực đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xửcủa Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Bên cạnh việc đánh giá những ưu điểm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, các ý kiến tham gia cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề tồn tại, thiếu sót của Kiểm sát viên, những vấn đề cần rút kinh nghiệm chung đối với kiểm sát viên khi thực hiện công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Phiên tòa trực tuyến được truyền đi với hình ảnh và âm thanh đạt chất lượng cao
Đ/c Nguyễn Xuân Hùng - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì họp rút kinh nghiệm
Buổi họp rút kinh nghiệm đã có nhiều đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang phát biểu ý kiến
Đại diện giảng viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phát biểu ý kiến
Đại diện sinh viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phát biểu ý kiến
Kết thúc hội nghị rút kinh nghiệm về việc phối hợp tổ chức, theo dõi phiên tòa hình sự nêu trên, đa số người tham dự ở các điểm cầu (cả các đơn vị trong ngành Kiểm sát Bắc Giang và Trường Đại học Kiểm sát) đều cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa và tác dụng thiết thực mang lại từ phiên tòa, đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các đơn vị trong ngành tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức các phiên toà trực tuyến (cả hình sự, dân sự...), nhằm góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của kiểm sát viên, đồng thời tham gia có hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành.
Phạm Hữu Cường