(BVPL) - Mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) cùng với PGS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Luật sư Hoàng Văn Dũng, Công ty luật hợp danh Bross và cộng sự đã có buổi tham gia chương trình Đối thoại chính sách về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) với chủ đề: Bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự và yêu cầu minh bạch hóa quá trình tố tụng.
Tại buổi đối thoại, Viện trưởng VKSNDTC đã trao đổi những lý do cần thiết sửa đổi Bộ luật TTHS; mục tiêu cần đạt được và điểm mới, mang tính đột phá của dự thảo Bộ luật; về cách thức tranh tụng, vận dụng kết quả tranh tụng và những biện pháp để nâng cao chất lượng tranh tụng của các bên trong hoạt động xét xử; việc tiếp cận hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo; vấn đề thời hạn tạm giam; cách hiểu và nhận thức đúng về “Quyền im lặng” được quy định trong dự thảo Bộ luật; vai trò của Luật sư và những quy định của dự thảo Bộ luật để tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư hành nghề; mục tiêu đảm bảo quyền con người, quyền công dân, chống bức cung, nhục hình được quy định trong dự thảo Bộ luật…
Cũng tại buổi đối thoại, Viện trưởng VKSNDTC và các vị khách mời đã trao đổi một số nội dung trong dự thảo Bộ luật liên quan đến việc tăng khả năng phát hiện, xử lý tội phạm, tháo gỡ những vướng mắc của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thời gian qua như: Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quy định cụ thể trình tự, thủ tục của từng giai đoạn tố tụng; tăng quyền đồng thời tăng trách nhiệm cho các chức danh tư pháp trực tiếp tiến hành tố tụng như: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; bổ sung các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác. Liên quan đến những nội dung sửa đổi để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân, chống oan sai, bức cung, nhục hình trong tố tụng hình sự, các chuyên gia cũng trao đổi về những quy định trong Dự thảo Bộ luật như: Về đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội; quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo; về bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can; về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội...
Theo Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII khai mạc vào ngày 20/5, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến, chỉnh lý đối với nhiều dự án Luật, trong đó có dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi), một trong những dự luật thu hút sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, một dự luật có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Cũng theo Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Bộ luật TTHS được sửa đổi trên tinh thần của cải cách tư pháp, của Hiến pháp năm 2013 và hội nhập quốc tế, đã chuyển tải được nhiều giá trị nhân văn, tiến bộ với mục tiêu phải thể hiện được sâu sắc quan điểm của Đảng về tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, chống bức cung, ép cung và tránh oan sai trong quá trình tố tụng; bổ sung các nguyên tắc tư pháp tiến bộ; bổ sung và làm rõ hơn nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng đã được Hiến pháp quy định.
Với những nội dung đặt ra, buổi đối thoại đã góp phần giúp người dân và những người quan tâm đến Bộ luật hiểu thêm về vị trí, vai trò của Bộ luật TTHS (sửa đổi) trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Theo Viện trưởng VKSNDTC và các chuyên gia tại buổi đối thoại, để đạt được những mục tiêu và nội dung cải cách mà dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) trình Quốc hội tới đây, điều quan trọng nhất là cần phải có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp. Có như thế thì Bộ luật TTHS sửa đổi mới có thể đi vào cuộc sống và phát huy những tư tưởng tiến bộ, cải cách mà nó chuyển tải.
Đắc Thái (Bảo vệ pháp luật)