ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -17:44 PM

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình giao lưu với sinh viên các trường đại học.

 | 

BBVPL- Nhằm tạo thêm một kênh thông tin giúp sinh viên các trường đại học và quần chúng nhân dân có điều kiện tiếp cận với những tư tưởng mới tiến bộ về vấn đề bảo đảm quyền con người trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) mà VKSNDTC là đơn vị được Quốc hội giao chủ  trì soạn thảo, tối 03/5/2015, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đã có buổi giao lưu với sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đại học Luật và Học viện tư pháp do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với chủ đề “Đảm bảo quyền con người, chống bức cung, nhục hình trong tố tụng hình sự” là vấn đề đang được dư luận quần chúng cũng như trên các diễn đàn khoa học pháp lý hiện nay quan tâm. Cùng dự buổi giao lưu còn có PGS. TS Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện tư pháp; TS. Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC tại buổi giao lưu

Tại buổi giao lưu, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình và các khách mời đã chia sẻ, trao đổi về những lý do mà Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quyết định đưa vào dự thảo những quy định mới tiến bộ trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa của pháp luật tiên tiến trên thế giới trong việc đảm bảo quyền của bị can, bị cáo như: quyền im lặng (hay nói đúng hơn là quyền không đưa ra lời khai chống lại chính mình), quyền được tiếp cận hồ sơ vụ án (trong trường hợp không có luật sư tham gia bào chữa), quy định bắt buộc phải ghi âm ghi hình trong lúc lấy lời khai bị can, mở rộng các trường hợp bắt buộc phải có luật sư tham gia bào chữa…  Tất cả những quy định này đều nhằm mục đích minh bạch và công khai hóa quá trình tố tụng, chống bức cung, nhục hình, hạn chế và tiến tới loại bỏ oan sai trong tố tụng hình sự.
Đại đa số sinh viên tham dự buổi giao lưu đã bày tỏ quan điểm đồng tình với những quy định mới, tiến bộ trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) về vấn đề đảm bảo quyền của bị can, bị cáo trong tố tụng hình sự, song nhiều sinh viên cũng bày tỏ những băn khoăn về hiệu quả và tính khả thi của những quy định này, như: Việc quy định cho bị cáo có quyền im lặng liệu có làm cản trở quá trình điều tra vụ án; việc mở rộng đối tượng bắt buộc phải có luật sư bào chữa liệu có khả thi trong khi số lượng luật sư hiện nay ở nước ta còn quá ít và trên thực tế mới chỉ có  20% số vụ án hình sự đưa ra xét xử có luật sư bào chữa; việc bắt buộc phải ghi âm ghi hình liệu có quá tốn kém trong khi điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, kinh phí cấp cho hoạt động điều tra còn hạn chế?.
Tất cả những băn khoăn, thắc mắc của các sinh viên đã được Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình và các khách mời tham gia buổi giao lưu giải đáp một cách thỏa đáng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên tại buổi giao lưu
Buổi giao lưu là một dịp tốt để các sinh viên ngành Luật, những cán bộ thực thi pháp luật trong tương lai có điều kiện tiếp cận và tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật. Với các thành viên ban soạn thảo đây cũng là cơ hội để  lắng nghe ý kiến của thế hệ trẻ và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, bắt đầu khai mạc ngày 20/5/2015.
Liên quan đến việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, chiều ngày 03/5/2015, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đã trả lời phỏng vấn của Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam về những  quy định mới  trong Luật tổ chức VKSND năm 2014, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015.
Thu Huyền
Vksndtc.gov.vn
 
 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,433,456
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.20.66

    Thư viện ảnh