.

Thứ năm, 02/05/2024 -13:36 PM

Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01 về trả hồ sơ điều tra bổ sung

 | 

Ngày 04/12/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang có đ/c Nguyễn Văn Lượng – Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; đại diện Viện kiểm sát quân sự khu vực; lãnh đạo, Kiểm sát viên các phòng chuyên môn của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Đ/c Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh chụp màn hình)

Theo báo cáo sơ kết, trong 3 năm qua Viện kiểm sát nhân dân các cấp trả hồ sơ 3.911 vụ/188.302 vụ cho cơ quan điều tra để điều tra bổ sung và đã được cơ quan điều tra chấp nhận 3.825 vụ, chiếm tỷ lệ 2,03%. Tòa án nhân dân các cấp trả hồ sơ 6.703 vụ/187.620 vụ cho Viện kiểm sát nhân dân để điều tra bổ sung và được Viện kiểm sát nhân dân các cấp chấp nhận 4.518 vụ (chiếm 2,4%).Trong đó, số vụ án trả hồ sơ do thiếu những chứng cứ quan trọng chiếm tỷ lệ lớn nhất. (cụ thể: có 66,48% vụ án Viện kiểm sát nhân dân các cấp trả lại cho cơ quan điều tra và 63,76% số vụ án Tòa án nhân dân các cấp trả hồ sơ cho Viện kiểm sát).

Đáng chú ý là tỷ lệ bình quân số vụ án cơ quan tiến hành tố tụng các cấp trả hồ sơ điều tra bổ sung được chấp nhận điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ 2,22% giảm so với thời kỳ trước. Qua số liệu các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thời gian qua cho thấy phần lớn các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Điển hình một số địa phương có tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thấp như: Lai Châu 0,10%; An Giang 0,19%; Hậu Giang 0,27%; Hà Tĩnh 0,35%; Tây Ninh 0,43%; Ninh Bình 0,44%; Sơn La 0,53%; Điện Biên 0,56%; Vĩnh Phúc 0,60%; Nam Định 0,65%; Phú Thọ 0,72%; Yên Bái, Hải Phòng và Hưng Yên 0,82%; Lào Cai 0,89%... Đồng thời, một số địa phương đã hạn thấp tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng so với 03 năm trước như: Hải Dương, Bình Định, Long An...Bên cạnh đó, một số đơn vị có tỷ lệ án trả HSĐTBS quá cao như: Vụ 1: 38,41%; Vụ 2: 21,96%; Vụ 1B: 19,51%; Vụ 1A: 15,77%; Vụ 1C: 8,59%. Một số đơn vị có số vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cao như: Quảng Nam 4,19%; Cà Mau 3,87%; Bình Phước 3,79%; Khánh Hòa 3,69%; Đăk Nông 3,60%; Kon Tum 3,58%; TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu 3,51%; Hà Nội 3,25%; Bắc Giang 3,22%; Quảng Trị 3,18%; Gia Lai 3,16%; Quảng Ngãi 3,12%; Thái Nguyên 3,11%...

Đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu VKSND tỉnh Bắc Giang

Qua 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01 cho thấy, nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán) đã có chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết án hình sự được nâng lên rõ rệt, góp phần hạn chế tỷ lệ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại hội nghị, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh đã thẳng thắn trao đổi những kinh nghiệm, đồng thời chỉ ra những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án, cũng như một số nội dung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01 còn bất cập; công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương chưa đồng đều, thống nhất và triệt để dẫn đến có những trường hợp hoàn không đúng, lạm dụng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung...

Nhữ Dũng

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,815,274
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.220.178.207

    Thư viện ảnh