Trong hai ngày 12, 13/9/2013, tại thành phố Đà Nẵng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo về thực trạng, giải pháp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân.
Dự và chủ trì hội thảo có Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Trung tướng Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương. Đại biểu khách mời có đồng chí Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính thành phố Đà Nẵng. Thành phần tham dự hội thảo gồm: Đại diện Lãnh đạo đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện trưởng, Trưởng phòng kiểm sát điều tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu khai mạc hội thảo
Đồng chí Trần Thanh Vân, Trưởng Ban Nội chính thành phố Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong đánh giá: Những năm qua, các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án dân sự trên toàn quốc đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm pháp luật và tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì ổn định và phát triển kinh tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động tư pháp cũng xuất hiện nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực với những biểu hiện tinh vi, phức tạp. Đồng chí Phó Viện trưởng cho biết, thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao nhiệm vụ triển khai nghiên cứu Đề án: “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phục vụ tích cực yêu cầu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, được đề ra trong các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, là mong muốn, đòi hỏi của nhân dân đối với nền tư pháp văn minh, vì công lý. Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu Đề án được Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động như: Thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập Đề án; tổng kết, đánh giá tình hình tham nhũng, tiêu cực và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; rà soát, nghiên cứu các văn bản pháp luật liên quan; nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực trong công tác này. Những hoạt động trên thể hiện thái độ nghiêm túc và sự quyết tâm của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện mục tiêu, yêu cầu của cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp thực sự trong sạch, vững mạnh. Đánh giá ý nghĩa tổ chức hội thảo toàn Ngành về thực trạng, giải pháp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp Kiểm sát đối với nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Qua hội thảo này, sẽ tập hợp được đầy đủ ý kiến của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương về tình hình tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp thời gian tới. Đồng chí Phó Viện trưởng đề nghị đại biểu dự hội thảo phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn tham gia thảo luận, đề xuất, kiến nghị, nêu giải pháp có tính chất đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đồng chí Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Điều tra (cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo
Đồng chí Lê Minh Long, Phó Cục trưởng Cục Điều tra (cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) trình bày báo cáo kết quả tổng hợp các chuyên đề phục vụ đề án
Tại hội thảo, đại biểu nghe đồng chí Vũ Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Điều tra (cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo; đồng chí Lê Minh Long, Phó Cục trưởng Cục Điều tra (cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) trình bày báo cáo kết quả tổng hợp các chuyên đề phục vụ đề án. Nghe tham luận của các nhà khoa học, đại diện đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thực trạng, giải pháp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Ngày làm việc thứ hai (13/9/2013), dưới sự điều hành hội thảo của Trung tướng Trần Phước Tới, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương đại biểu dự hội thảo đã thảo luận về tình hình tham nhũng, tiêu cực; trao đổi kinh nghiệm thực tiễn công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Qua hai ngày hội thảo, có 24 ý kiến tham luận của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các ý kiến nhất trí cao với nội dung xây dựng Đề án “Thực trạng, giải pháp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân” do Ban tổ chức trình bày tại hội thảo. Đồng thời, tập trung đánh giá thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp hiện nay; đây là một lĩnh vực khó, phức tạp, đòi hỏi toàn Ngành phải nỗ lực, tập trung thực hiện quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách liên quan; đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân bảo đảm bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, kiểm sát viên; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong việc cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp; học tập, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Đại biểu dự hội thảo
Kết luận hội thảo, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng tham luận của đại biểu tại hội thảo. Các ý kiến tham luận phân tích sâu, đánh giá tổng quan thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, trên cơ sở đó đề xuất nhiều giải pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Đồng chí Phó Viện trưởng khẳng định, thành công của hội nghị đã góp phần thống nhất nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, giúp cho việc xây dựng đề án của Ngành bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đồng chí chỉ đạo Cục Điều tra (cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) với trách nhiệm là đơn vị thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và tham luận tại hội thảo; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo sớm hoàn thành đề án bảo đảm yêu cầu, tiến độ mà Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.
Hội thảo về thực trạng, giải pháp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân bế mạc, thành công tốt đẹp.
Theo Trường Thanh: vksndtc.gov.vn