Trong hai ngày 04 và 05/9/2013, Vụ 3 phối hợp với Viện phúc thẩm 1, Viện phúc thẩm 2, Viện phúc thẩm 3 VKSND tối cao tổ chức Hội nghị Nâng cao chất lượng công tác kháng nghị án hình sự các tỉnh phía bắc tại Tp. Hạ Long. Dự và chủ trì hội nghị có tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; tham dự Hội nghị có Vụ trưởng Vụ 3, Viện trưởng Viện phúc thẩm 1, cùng cán bộ nghiệp vụ Vụ 3, Viện phúc thẩm 1, Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự và Văn phòng VKSND tối cao; VKS quân sự Trung ương, VKS Quân khu 1, VKS Quân khu 2, VKS Quân khu 3, VKS Quân đoàn 1, VKS Quân đoàn 2, VKS Quân chủng Không quân, VKS Quân khu Thủ đô và Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh phía bắc (Trước đó, Hội nghị nâng cao chất lượng công tác kháng nghị án hình sự đã được tổ chức tại Tp. Cần Thơ vào ngày 26, 27 tháng 8 và tại Tp. Huế vào ngày 29, 30 tháng 8 năm 2013, với sự tham dự của VKS các tỉnh phía nam và miền trung).
Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Nông trình bày Báo cáo tổng kết tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19/6/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao về Tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự. Theo đó Báo cáo thể hiện: Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành Vụ 3, Viện phúc thẩm 1, phối hợp với Viện phúc thẩm 2, 3 tổ chức hội thảo nhiều lần để trao đổi, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự, đồng thời trao đổi các kinh nghiệm về kết quả thực hiện Chỉ thị trong toàn Ngành. Qua đó kịp thời phát hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Chỉ thị số 03 đã nâng nhận thức của VKS về công tác kháng nghị. VKS các cấp coi công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác THQCT và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Các VKS địa phương tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị tới cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị. Nhiều địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thi, đồng thời tổ chức nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng về công tác kháng nghị phúc thẩm. Một số VKS tỉnh có các công văn chỉ đạo cho VKS cấp huyện; có văn bản trao đổi với Tòa án tỉnh để phối hợp thực hiện tốt Chỉ thị và tổ chức duy trì thực hiện thường xuyên. Một số VKS tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề, tập huấn, hội thảo về công tác kháng nghị phúc thẩm án hình sự, đưa vào chỉ tiêu thi đua đánh giá kết quả công tác của cá nhân, đơn vị hằng năm.
Thực hiện tốt nội dung Chỉ thị, qua 5 năm (từ 01/7/2008 – 30/6/2013 ) VKSND tối cao và các Viện kiểm sát địa phương đã phát hiện vi phạm và ban hành 5.110 kháng nghị phúc thẩm; trong đó kháng nghị cùng cấp: 3.456 kháng nghị (cấp huyện 2755 kháng nghị, cấp tỉnh 701 kháng nghị), kháng nghị trên 1 cấp là 1.654 kháng nghị (đối với bản án sơ thẩm cấp huyện là 1512 kháng nghị, với bản án sơ thẩm cấp tỉnh là 142 kháng nghị).
Tòa án và VKS đã giải quyết theo thủ tục phúc thẩm 8460 bị cáo do VKS kháng nghị (trong đó cấp Trung ương giải quyết 1.531 bị cáo, cấp tỉnh giải quyết 6.929 bị cáo). Viện kiểm sát cấp phúc thẩm bảo vệ kháng nghị là 1.291/8.460 bị cáo, đạt tỷ lệ 84,74 %. Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của của Viện kiểm sát là 5.524/7.169 bị cáo, đạt tỷ lệ 77%.
Nội dung kháng nghị: Phát hiện đúng các vi phạm và có đủ căn cứ để kháng nghị. Chiếm tỷ lệ cao nhất là kháng nghị áp dụng thêm hoặc bỏ bớt tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và kháng nghị tăng giảm hình phạt, sau đó là kháng nghị áp dụng biện pháp chấp hành hình phạt (chuyển tù giam sang tù treo hoặc ngược lại); kháng nghị chuyển tội danh, chuyển khung hình phạt; kháng nghị hủy bản án sơ thẩm do vi phạm về thủ tục tố tụng cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Kháng nghị tập trung vào một số loại tội như Giết người, Hiếp dâm trẻ em, Cướp tài sản…
Số lượng kháng nghị được tăng lên đáng kể (5.110 kháng nghị; trung bình mỗi năm ban hành 1.022 kháng nghị cao hơn nhiều so với tổng kết giai đoạn năm 2008 -2011 là 964 kháng nghị/trên năm). So với trước khi có Chỉ thị, số bị cáo bị VKS kháng nghị chiếm 10% đến 10,5% số bị cáo bị đưa ra xét xử ở cấp phúc thẩm. Đơn vị có kháng nghị nhiều là VKS Hà Nội 454, Tp. Hồ Chí Minh 365, Đồng Nai 219, Đắk Lắk 254, Đắk Nông 136, Quảng Ninh 173, Bình Định 174, Thanh Hóa 148 kháng nghị…Số kháng nghị trên 1 cấp cũng tăng nhanh so với trước khi thực hiện Chỉ thị. số bị cáo bị kháng nghị trên 1 cấp là 1.703, (trước đó 03 năm là 636 bị cáo). Trong 5 năm có 3016 bị cáo, chiếm tỷ lệ 35,65% trên tổng số bị cáo bị kháng nghị. Một số VKS địa phương tăng nhanh về số lượng kháng nghị phúc thẩm là VKS Hà Nội từ 270 kháng nghị tăng lên 492 (tăng 182%), Long An từ 88 tăng lên 178 (tăng 202%); Tây Ninh từ 180 tăng lên 290 (tăng 161%)...
Về chất lượng kháng nghị được nâng lên rõ rệt như: Hình thức, bố cục các bản kháng nghị tuân thủ đúng mẫu 138 ban hành theo QĐ 960. Các kháng nghị đã phát hiện đúng vi phạm, viện dẫn đúng, chính xác, đầy đủ căn cứ pháp luật. Cách viết tốt hơn. Lập luận rõ ràng, chặt chẽ hơn, đã hạn chế được thiếu sót về hình thức và thiếu căn cứ. Qua 5 năm, VKS đã kháng nghị cùng cấp và trên 1 cấp là 6.929 bị cáo (đối với bản án sơ thẩm cấp huyện); kháng nghị cùng cấp và trên 1 cấp 1.531 bị cáo (đối với bản án sơ thẩm cấp tỉnh). Kháng nghị được bảo vệ là 7.169 bị cáo chiếm 84,7% và được Tòa án phúc thẩm chấp nhận 5.524 bị cáo, đạt 77%.
Báo cáo cũng chỉ rõ nguyên nhân đạt được kết quả nêu trên là do Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kịp thời và có tác động tích cực; sự nỗ lực của Viện kiểm sát các cấp và thực sự trách nhiệm của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên. Mặc dù vậy, công tác này cũng còn một số thiếu sót cần khắc phục như: theo dõi việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án thực sự chưa có hiệu quả cao, việc chưa phát hiện vi phạm trong kiểm sát bản án còn xảy ra; số lượng kháng nghị còn thấp; chất lượng bản kháng nghị còn chưa cao; một số trường hợp rút kháng nghị không chính xác; Tòa án bác kháng nghị vì không có căn cứ còn xảy ra.
Toàn cảnh hội nghị
Về công tác kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thời gian qua đã thực hiện tốt Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao. Những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc điều tra, tuy tố và xét xử vụ án đã được phát hiện kịp thời, kháng nghị đã giúp cho Tòa án kịp thời sửa chữa, khắc phục vi phạm nghiêm trọng của Bản án, quyết định; giúp cho Tòa án nâng cao chất lượng xét xử, sửa chữa sai lầm, thiếu sót khi ra bản án, quyết định, đảm bảo cho việc xét xử của Tòa án được nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; tăng cường được pháp chế trong hoạt động tố tụng, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp. Số lượng, chất lượng kháng nghị được nâng cao. Tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án chấp nhận cao. Viện kiểm sát đã quan tâm chú trọng hơn đến công tác này; tăng cường nghiên cứu hồ sơ, bản án đã có hiệu lực pháp luật, phát hiện vi phạm nghiêm trọng, để kháng nghị giám đốc thẩm. Công tác này đã góp phần đảm bảo tính đúng đắn của bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; nâng cao chất lượng xét xử.. Sau 5 năm VKSND đã phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị giám đốc thẩm 667 vụ/1309 bị cáo (trong đó Vụ 3- VKSND TC kháng nghị 206 vụ/260 bị cáo); trung bình mỗi năm VKS kháng nghị 133 vụ/207 bị cáo. Trong đó kháng nghị thông qua kiểm sát bản án phát hiện vi phạm 414 vụ, chiếm 62%; phát hiện vi phạm qua đơn khiếu nại, kháng nghị 202 vụ, chiếm 30,2%; phát hiện vi phạm thông qua đề nghị của cấp dưới, kháng nghị 51 vụ, chiếm 7,6%. Cụ thể: Kháng nghị theo hướng hủy án: 346 bị cáo = 33,3%; theo hướng tăng hình phạt, tăng bồi thường 383 bị cáo = 36,8 %; xử lại chuyển từ tù treo sang giam 215 bị cáo = 20,64 %; giảm hình phạt, giảm bồi thường 45 bị cáo =3,5%; không tội do hành vi không cấu thành tội phạm 07 bị cáo = 0,67%; miễn TNHS 03 bị cáo = 0,29%.
Hội nghị đã nghe lãnh đạo Vụ 3, VPT2, VPT 3 báo cáo tham luận và 14 ý kiến (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Lào Cai, Hà Giang, Hưng Yên, Bắc Giang, Tp. Hạ Long, VKS quân sự TW). Tất cả ý kiến đều nhất trí với nội dung Báo cáo và đề xuất biện pháp, cách thức hiệu quả để đưa công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm án hình sự đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Tiến sỹ Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, có hiệu quả trong việc tổ chức hội nghị của Vụ 3 và Viện phúc thẩm 1 VKSND tối cao; tinh thần, và thái độ nghiêm túc tham gia hội nghị và có nhiều ý kiến thực sự tâm huyết, xây dựng và cần thiết nhằm đưa công tác kháng nghị đạt chất lượng cao của các đại biểu VKS địa phương. Đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng và vị trí ý nghĩa to lớn của công tác kháng nghị trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mà hạt nhân là kiểm sát xét xử; làm tốt công tác này là nâng cao thực sự nhận thức đúng đắn về công tác kháng nghị cho các đơn vị, thực hiện tốt nhiệm vụ và chức năng mà ngành Kiểm sát giao cho; là thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của Chỉ thị công tác năm 2013 của Viện Trưởng VKSND tối cao, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Để công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm án hình sự được đi vào nề nếp và đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn trong thời gian tới, đồng chí yêu cầu các đơn vị:
Cần nắm vững và qúan triệt đầy đủ nội dung Chỉ thi 03 của Viện trưởng VKSND tối cao đến từng đơn vị, cán bộ, Kiểm sát viên.
Phải nghiên cứu kỹ các tài liệu Hội nghị tổng kết hôm nay về công tác kháng nghị phúc thẩm ấn hình sự, phổ biến cho đơn vị và cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu học tập.
Lãnh đạo VKS các cấp phải nâng cao nhận thức đúng về nội dung và ý nghĩa của công tác kháng nghị; phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa về thực hiện công tác này.
Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ THQCT và KSXX sơ thẩm án hình sự phải nâng cao tình thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ bản án, quyết định, tích cực phát hiện vi phạm, sai sót của Tòa án…kịp thời báo cáo lãnh đạo, đề xuất việc kháng nghị.
Tăng cường công tác lãnh đạo. rèn luyện, bồi dưỡng cho Kiểm sát viên về mọi mặt, có bản lĩnh, chính trị vững vàng, tinh thông về pháp luật… Tăng cường công tác giảng dạy của nhà trường về trau dồi nghiệp vụ công tác này; Cục thống kê, Văn phòng nắm các ý kiến của địa phương về các vi phạm của hoạt động xét xử của Tòa án và công tác kháng nghị của VKS, tập hợp, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Viện có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm nâng cao công tác kháng nghị.
Làm tốt công tác phối hợp giữa VKS cấp trên với VKS cấp dưới, giữa VKS với Tòa án nhằm thực hiện tốt nội dung của Chỉ thị; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị.
Làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho VKS địa phương.VKS địa phương chủ động thỉnh thị đề xuất cấp trên kháng nghị; VKS cấp trên trả lời thỉnh thị kịp thời, ra thông báo rút kinh nghiệm để cấp dười thực hiện thống nhất, áp dụng pháp luật chuẩn mực. Tăng cường công tác cán bộ, sử dụng bố trí cán bộ cho phù hợp với công tác này.
Thái Hưng - VKSNDTC