Các đơn vị cần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và của ngành KSND; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đề cao tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2024, ngày 3/1/2023. Hội nghị được truyền hình trực tuyến từ điểm cầu VKSND tỉnh đến điểm cầu của 10 Viện kiểm sát huyện, thành phố.
Theo báo cáo, trong năm 2023, Viện kiểm sát hai cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, các chỉ thị, kết luận chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của HĐND tỉnh về nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Viện trưởng VKSND tỉnh trao Cờ thi đua Ngành tặng các tập thể dẫn đầu khối. |
Đồng thời, khắc phục khó khăn và đề ra nhiều giải pháp, biện pháp bảo đảm hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác, tạo bước chuyển biến trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm; chất lượng công tác thực hành quyên công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được nâng lên. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đều đạt, vượt so với Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội và kế hoạch đề ra, nổi bật là:
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự tiếp tục đạt những kết quả tích cực: Đã kiểm sát chặt chẽ, hiệu quả việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao, không xảy ra trường hợp đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội hoặc đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định của pháp luật. Chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục được nâng lên, số lượng kháng nghị phúc thẩm ngang cấp được nâng lên; chất lượng kháng nghị được chấp nhận và kiến nghị được các cơ quan, đơn vị tiếp thu đều vượt so với Nghị quyết 96 của Quốc hội và chỉ tiêu công tác của Ngành.
Công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan hữu quan tiếp tục được tăng cường, đảm bảo hiệu quả thực chất hơn. Đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh Bắc Giang giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cấp ủy theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc.
Những kết quả công tác trên của ngành Kiểm sát Bắc Giang góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Ngành, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội của địa phương.
Ký giao ước thi đua giữa các đơn vị ngành Kiểm sát Bắc Giang. |
Tại Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Văn Lượng cũng đã quán triệt, triển khai các nội dung của Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2024 và trình bày dự thảo Kế hoạch công tác của ngành Kiểm sát Bắc Giang năm 2024.
Theo đó, ngành Kiểm sát Bắc Giang quyết tâm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao; Nghị quyết 111-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2023 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao và các chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh năm 2024.
Ngoài việc triển đồng bộ các giải pháp bảo đảm thực hiện có hiệu quả các khâu công tác đột phá theo Chỉ thị công tác của Ngành, VKSND tỉnh Bắc Giang đã xác định 3 nhiệm vụ đột phá của ngành Kiểm sát Bắc Giang. Bên cạnh đó, dự thảo Kế hoạch công tác đã xác định rõ nội dung các nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tiêu nghiệp vụ cần phải thực hiện, đặc biệt là triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện các mặt công tác; khắc phục hạn chế, tồn tại trong năm 2023, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị địa phương năm 2024.
Trọng tâm là, thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống oan, sai và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xác định đây là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, quan trọng hàng đầu; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Phát biểu kết luận hội nghị, Viện trưởng VKSND tỉnh Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024, yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Ngành; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, đề cao tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ; quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các khâu công tác còn có hạn chế, thiếu sót, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và của Ngành đề ra. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Bản lĩnh, liêm chính, chuyên nghiệp”, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác và nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong giai đoạn hiện nay. |