Ngày 25/12/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến 817 điểm cầu trong toàn Ngành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Đại biểu khách mời tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ; đồng chí Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương, gồm: Ban Tổ chức Trung ương; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Văn phòng Quốc hội; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin và Truyền thông; Kiểm toán Nhà nước; Hội luật gia Việt Nam.
Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương. Cùng dự có các Kiểm sát viên VKSND tối cao, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức và quân nhân của Viện kiểm sát các cấp ở 817 điểm cầu trong cả nước.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được xem video clip tóm tắt kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023. Theo đó, Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị công tác năm 2023, xác định rõ 04 nhóm mục tiêu lớn và giải pháp, 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành; thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao điều hành phần tham luận tại Hội nghị
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự; tăng cường trách nhiệm công tố, “công tố song hành với điều tra”. Năm 2023, toàn Ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 159.231 nguồn tin về tội phạm, tăng 10,2%; ban hành 124.933 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, tăng 3,6%; trực tiếp kiểm sát 1.870 cuộc về giải quyết nguồn tin về tội phạm, tăng 16,7%. Chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, một số chỉ tiêu vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội, như: Số vụ án Viện kiểm sát truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 100%, vượt 10%; số bị can Tòa án xét xử theo tội danh Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,98% vượt 4,98%.
Trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, toàn Ngành tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp theo chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng pháp luật.
Về hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, năm 2023, đơn vị đã thụ lý điều tra 88 vụ/166 bị can phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 83% (vượt 13% chỉ tiêu của Quốc hội); tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,5%, tăng và vượt 6,5% so với chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng đạt 85,4% (vượt 25,4% chỉ tiêu của Quốc hội).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo VKSND tối cao
Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát quân sự các cấp được thực hiện ngày một tốt hơn; tích cực, kiên quyết trong giải quyết, xử lý nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; phát huy vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát quân sự trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi lưu niệm tại Phòng truyền thống VKSND tối cao
Trong công tác tổ chức cán bộ, thanh tra, kiểm tra, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Tập trung đổi mới, tổ chức nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kỹ năng chuyên sâu, nâng cao chất lượng trong các lĩnh vực công tác. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề, gắn công tác thanh tra với kiểm tra đảng để xác minh làm rõ và xử lý vi phạm đối với người vi phạm là cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên.
Công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. VKSND tối cao đã tổ chức ký 05 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc, Cộng hòa Ác-hen-ti-na, Cộng hòa hồi giáo Iran, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Cộng hòa I-ta-li-a; phối hợp với cơ quan có thẩm quyền Xinh-ga-po hoàn thành việc thực hiện yêu cầu thu hồi tài sản trong vụ án Giang Kim Đạt, thu hồi về cho Nhà nước Việt Nam hơn 8 triệu đô la Xinh-ga-po. Đầu tháng 12/2023, VKSND tối cao đã tổ chức thành công Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 13 với chủ đề tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, góp phần duy trì hòa bình, ổn định của mỗi quốc gia và khu vực, được các đại biểu các nước đánh giá cao kết quả hội nghị này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao, đại biểu là Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao và đại biểu là Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao
Trong công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, đồng thời chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo Kết luận của Chủ tịch nước ngày 25/5/2023 và xây dựng 03 đề án thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể xuất sắc
Về công tác thi đua khen thưởng, toàn Ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về việc phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết, gương mẫu, trách nhiệm, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023”; gắn công tác thi đua với kết quả chuyên môn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực công tác, đóng góp những kinh nghiệm, cách làm hay nhằm giải quyết thực tiễn công tác của đơn vị, của Ngành.
Trong công tác bảo đảm, phục vụ, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công; thực hiện nghiêm quy định phân cấp thẩm quyền quản lý, sử dụng tài sản công và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn Ngành.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân tại Hội nghị
Tại Hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, các đại biểu đã trình bày tham luận về những nội dung sau: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát pháp luật; trao đổi kinh nghiệm xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải pháp nâng cao chất lượng việc giải quyết các vụ án hành chính; một số biện pháp, cách làm hay để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân tại Hội nghị
Đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Như Hùng, Vụ trưởng Vụ 16 VKSND tối cao đã công bố các quyết định về việc trao tặng danh hiệu thi đua năm 2023. Theo đó, năm 2023 có 22 đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ và 54 tập thể nhận Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân.
Trong đó, các đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ gồm: Vụ 3, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 13, Vụ 16, Cục 3 VKSND tối cao, Báo Bảo vệ pháp luật, VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội, VKSND thành phố Hải Phòng, VKSND thành phố Cần Thơ, VKSND tỉnh Quảng Ninh, VKSND tỉnh Phú Thọ, VKSND tỉnh Hải Dương, VKSND tỉnh Thanh Hoá, VKSND tỉnh Hà Tĩnh; VKSND tỉnh Gia Lai; VKSND tỉnh Quảng Nam, VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; VKSND tỉnh Tiền Giang; VKSND tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2023. VKSND tối cao và ngành Kiểm sát nhân dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu công tác được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao, kết quả công tác năm 2023 đạt cao hơn năm 2022.
Điểm lại một số kết quả nổi bật ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong năm 2023, đồng chí Chủ tịch Quốc hội thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2023.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những kết quả này càng đáng trân trọng trong bối cảnh khối lượng công việc của cả hệ thống chính trị nói chung và của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng ngày càng tăng, biên chế có hạn, áp lực công việc ngày càng lớn. Qua đó, góp phần làm dày thêm thành tựu của 63 năm xây dựng và trưởng thành, tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam “nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ Nhân dân”.
Năm 2024, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đề nghị VKSND tối cao tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; tập trung đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực cho ngành Kiểm sát nhân dân, qua đó tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; không để xảy ra trường hợp bị oan, sai trong tố tụng hình sự, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Thứ ba, tập trung sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có. Tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của Ngành. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp Kiểm sát, tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý để rèn luyện thử thách, đào tạo toàn diện cán bộ. Bố trí cán bộ đúng năng lực, sở trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ tư, tập trung đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; kiện toàn lực lượng, tăng cường các điều kiện bảo đảm và triển khai thực hiện công tác giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Thứ năm, kịp thời triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; ban hành đồng bộ, đúng thời hạn văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng, với truyền thống vẻ vang hơn 60 năm của ngành Kiểm sát nhân dân, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, quyết tâm, chung sức đồng lòng của toàn Ngành, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, phối hợp của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, những thành tích đạt được trong năm 2023 của ngành Kiểm sát nhân dân vừa là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành. Bên cạnh đó là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội, sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ban, ngành Trung ương. Thay mặt ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội. Sau Hội nghị, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch công tác trọng tâm của toàn Ngành để triển khai ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội một cách nghiêm túc và đầy đủ.
Năm 2024, với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát nhân dân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị VKSND các cấp tập trung thực hiện một số yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm sau: Thủ trưởng đơn vị và cán bộ, Kiểm sát viên phải giữ vững phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn sự đoàn kết, nêu gương trong mọi mặt hoạt động; thực hiện nghiêm Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát. Toàn Ngành thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật và quy định của Ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; tập trung giải quyết tốt các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ; tham mưu cấp ủy địa phương ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó, phức tạp trong công tác tư pháp; đặc biệt chú ý công tác thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án.
Các Viện kiểm sát địa phương cần chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra nhằm kiểm sát chặt chẽ, kịp thời, đầy đủ, đúng quy định trong việc thụ lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm, nhất là nguồn tin do Công an cấp xã thụ lý giải quyết; phối hợp kiểm sát chặt chẽ ngay từ đầu và xuyên suốt trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan tố tụng rà soát, giải quyết án tạm đình chỉ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương đầu mối trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự và hợp tác quốc tế, góp phần đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp xác định công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động là nhiệm vụ trọng tâm đột phá của toàn Ngành trong năm 2024, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; tăng cường kiểm sát và kiến nghị xử lý các trường hợp chậm thi hành án hành chính; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Toàn Ngành đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xác định đây là khâu đột phá trọng tâm năm 2024 và 2025. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao giao cho người đứng đầu các cấp Kiểm sát chịu trách nhiệm trong triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ số, bảo mật để đem lại kết quả trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ; hướng tới đưa toàn bộ hoạt động hành chính và một số hoạt động nghiệp vụ chính của Ngành lên môi trường số; từng bước ứng dụng công nghệ số trong công tác nghiệp vụ của Ngành.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tập trung vào các nhiệm vụ của Ngành theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận về VKSND gắn với việc sơ kết 08 năm thực hiện Luật Tổ chức VKSND và 05 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Đối với Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, cần tập trung chỉ đạo và thực hiện nghiêm quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư công của đơn vị mình, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí theo quy định của pháp luật.
Căn cứ nội dung chỉ đạo tại Hội nghị, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện; đồng thời chủ động đề ra yêu cầu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với các lĩnh vực công tác khác của Ngành phù hợp với từng đơn vị, bảo đảm hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu công tác của Quốc hội, của Ngành giao trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nguồn: vksndtc.gov.vn