Sáng 08/01, tại Hội nghị triển khai công tác Kiểm sát năm 2021, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng phát biểu tại Hội nghị
Những kết quả nổi bật của ngành Kiểm sát trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng và biểu dương những nỗ lực cố gắng và thành tích đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2020 và nhiệm kỳ vừa qua.
Thường trực Ban Bí thư nhận định: Trong nhiệm kỳ này, nhất là trong năm 2020, ngành Kiểm sát nhân dân đã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt công tác, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo được niềm tin với Đảng và Nhân dân. Nổi bật là:
Ngành Kiểm sát đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là các văn bản, phục vụ hiệu quả việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Công tác triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp được quan tâm và đạt được nhiều kết quả. Đồng thời, Ngành đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy VKSND theo 04 cấp, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động toàn bộ hệ thống ngành Kiểm sát, góp phần nhanh chóng đưa các đạo luật về tư pháp đi vào cuộc sống.
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, trách nhiệm công tố được tăng cường ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm; VKS các cấp đã thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của VKSND theo luật định, nhất là những nhiệm vụ mới, quy định mới của pháp luật nhằm bảo đảm cho VKS thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Vai trò, trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự được tăng cường, chất lượng tranh tụng được nâng cao, góp phần quan trọng bảo đảm khách quan, dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích của công dân.
Ngành Kiểm sát tiết tục quán triệt, thực hiện nghiêm và hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai". Năm 2020 và trong nhiệm kỳ vừa qua, VKSND đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị cao, tập trung giải quyết các vụ việc về tham nhũng, kinh tế. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao, Ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đáp ứng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; trách nhiệm, vai trò của VKS được nâng cao rõ rệt, góp phần giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Đã kịp thời phát hiện, ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, qua đó kịp thời khắc phục và hạn chế các vi phạm trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án và giải quyết đơn khiếu nại, tố cao của công dân trong hoạt động tư pháp.
Trong nhiệm kỳ qua, thông qua hoạt động kiểm sát, ngành Kiểm sát đã tích cực tham mưu cho Đảng, Quốc hội nhiều giải pháp hay trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, qua đó đánh giá thực chất kết quả hoạt động tư pháp của các cơ quan tố tụng và trong đó có ngành Kiểm sát.
Hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của VKSND Việt Nam trong quan hệ quốc tế; phục vụ thiết thực cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Tích cực hợp tác với nhiều quốc gia trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra tội phạm kỹ thuật số, tội phạm công nghệ cao và bước đầu có những thành quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ qua Ban Cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao đã có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, trong đó công tác quy hoạch đã đào tạo được nguồn cán bộ chiến lược và cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho Ngành. Trong nhiệm kỳ đã thực hiện quy trình đề nghị và được lựa chọn giới thiệu 02 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 -2026; đã chủ động tạo nguồn cán bộ có chất lượng để đề nghị và được cấp thẩm quyền bổ nhiệm nhiềm đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao; nhiều đồng chí lãnh đạo VKSND cấp tỉnh, cấp huyện tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế để ngành Kiểm sát tập trung làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ngành trong năm tới.
Sáu nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ngành kiểm sát nhân dân
Đồng chí Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Năm 2021, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm mở đầu cho một thập kỷ mới, năm đầu toàn Đảng toàn dân, toàn quân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; là năm tiếp tục thi hành nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp về đẩy mạnh việc phòng, chống các tội phạm và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, một số tội phạm vẫn có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn. Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao, ngành Kiểm sát cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, cải cách tư pháp. Toàn Ngành phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm kỳ 2021 -2026, là giai đoạn bắt đầu xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp mới theo Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, ngành Kiểm sát cần phải chuẩn bị tốt cùng các ngành nhiên cứu tham mưu với Trung ương về Chiến lược cải các tư pháp, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Hai là, ngành Kiểm sát cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, nâng chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tăng cường và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với một số loại tội phạm đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đã khởi tố theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.
Ba là, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự; bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Thông qua thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành Kiểm sát nhân dân phải tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đổi mới phương pháp công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, chủ động phát hiện những bất cập, sơ hở, các vi phạm, đặc biệt là vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, để kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục. Quan tâm chỉ đạo tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, kịp thời áp dụng các biện pháp triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Bốn là, tiếp tục kiện toàn tổ bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động kiểm sát, tăng cường các nguồn lực, bảo đảm cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực sự là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp và các cơ quan khác trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế; tích cực phối hợp với các ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Tích cực chủ trì, tham gia xây dựng các dự án luật, các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật.
Năm là, quan tâm công tác xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, trọng tâm là xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên có tính chuyên nghiệp cao, giỏi chuyên môn, trọng danh dự, tâm huyết, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao, kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống. Chú trọng đổi mới, phát triển các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động kiểm sát, bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vài trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan kiểm sát. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa công tác xây dựng, chính đốn Đảng trong ngành Kiểm sát.
Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao sẽ nghiêm túc tiếp thu, thảo luận, chỉ đạo quyết liệt để toàn Ngành thực hiện nghiêm, qua đó hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Theo đó, ngành Kiểm sát sẽ phát huy truyền thống, tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", nhất định sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân" mà Đảng, Nhà nước và nhân dân mong đợi.
Nguồn: kiemsat.vn