.

Thứ năm, 16/05/2024 -20:18 PM

Góc nhìn của Kiểm sát viên qua phiên tòa phúc thẩm vụ án “Giao cấu với trẻ em”

 | 

Thời gian gần đây, Phòng 3 Viện KSND tỉnh Bắc Giang thụ lý ngày càng nhiều các vụ án có tội danh “Giao cấu với trẻ em”. Là Kiểm sát viên, vừa qua tôi được lãnh đạo phòng phân công xét xử phúc thẩm 1 vụ án với tội danh này.

Nội dung vụ án: Nguyễn Văn S - sinh năm 1992 và Nguyễn Thị A - sinh ngày 10/6/1998 có mối quan hệ yêu đương nhau. Từ khoảng tháng 4/ 2013 đến ngày 6/5/2013, S đã 3 lần rủ Nguyễn Thị A đến các nhà nghỉ rồi thực hiện hành vi giao cấu. Cả 3 lần, A đều tự nguyện cùng S giao cấu. Lần thứ 3,  khi S và A vẫn đang ở nhà nghỉ thì bị gia đình A phát hiện và trình báo Công an.

Tòa án nhân dân huyện đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 115; Điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 33 BLHS xử phạt S 3 năm tù về tội “Giao cấu với trẻ em” và chấp nhận sự thỏa thuận bồi thường số tiền 50 triệu đồng của S đối với A trong quá trình điều tra.

Ảnh minh họa

Sau khi xét xử sơ thẩm, mẹ người bị hại là người đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng: Đề nghị phải xử lý S về tội “Hiếp dâm trẻ em” và tăng bồi thường trách nhiệm dân sự lên mức 200.0000.000đồng;

Ngoài ra, gia đình bị hại còn thuê luật sư thuộc Đoàn luật sư Hà Nội để bảo vệ quyền lợi cho bị hại. Tại phiên Tòa, luật sư tranh luận với KSV rất nhiều nội dung nhưng có 1 nội dụng Luật sư nhấn mạnh nhất đó là “đề nghị hủy án sơ thẩm để định giá trinh tiết cho người bị hại làm căn cứ bồi thường trách nhiệm dân sự”.

Với trách nhiệm được phân công giải quyết vụ án, cũng là tình yêu với nghề, tôi đã nghiên cứu vụ án rất kỹ và đã dự kiến trước những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa. Kết quả toàn bộ phần tranh luận, đối đáp của tôi đã được HĐXX chấp nhận và tuyên y án sơ thẩm.

Đáng lưu ý, kết thúc phần tranh luận, khi HĐXX nghị án, người đại diện hợp pháp của bị hại đã gặp tôi và nói: “Chị rất buồn về sự việc xảy ra đối với con chị nhưng chị đồng ý với tranh luận của KSV, giá như chị biết Kiểm sát viên từ trước, chị sẽ không làm đơn kháng cáo …”.  Lúc này, với tư cách là người mẹ cũng có con gái, tôi rất thông cảm và đã có lời chia sẻ với chị ấy. Chị ấy rơm rớm nước mắt và nói lời cảm ơn tôi.

Nhìn sang ghế bên cạnh tại phòng xử án là bị cáo S, tôi phát hiện thấy bị cáo S như muốn nói gì với tôi nên tôi đã hỏi bị cáo: “Bây giờ thì bị cáo suy nghĩ gì? Đã xác định được lỗi của mình chưa ”. Bị cáo trả lời ngay: “Cháu có lỗi là yêu bé A sớm, ban đầu cứ nghĩ yêu nhau thì quan hệ tình dục có sao đâu. Bây giờ cháu hiểu được thì quá muộn, cháu rất ân hận…” 

Thông qua phiên tòa này, với suy nghĩ cần thiết phải tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức trong phòng, chống tội phạm trên và để ngăn chặn loại tội phạm này. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho rất nhiều người: thứ nhất, đối với bị cáo cái giá phải trả cho sai lầm trên là phải chấp hành hình phạt tù; thứ 2, với người bị hại chữ “trinh” như vị luật sư đưa ra tranh luận nó là “cái vô giá” không gì lấy lại được; ngoài ra, người bị hại còn bị ảnh hưởng lớn tới tâm, sinh lý và ảnh hưởng đến danh dự, phẩm giá cả hiện tại và sau này, như lời băn khoăn, lo lắng của mẹ người bị hại “không biết tương lai của cháu A sẽ thế nào, liệu sau này chồng của cháu có thấu hiểu, thông cảm không”; thứ 3, đây là bài học cảnh tỉnh cho các bậc cha, mẹ có con ở độ tuổi mới lớn (kể cả con trai và con gái) đã buông lỏng quản lý con cái dẫn đến sự việc đau lòng như trên./.

Dương Thị Hồng Tiến

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,912,956
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.133.112.82

    Thư viện ảnh