Sáng ngày 08/5/2024, Tòa án nhân dân tỉnh B mở phiên tòa phúc thẩm giải quyết vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung ”, giữa nguyên đơn là cụ Đinh Thị B, sinh năm 1934 với các bị đơn là con trai, con dâu, cháu của cụ B gồm: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1963; bà Ngô Thị C, sinh năm 1968; chị Nguyễn Thị N, sinh năm 1993 và chị Nguyễn Thị Thu T, sinh năm 2000.
Việc cụ bà 90 tuổi, là người ở độ tuổi phải được hưởng sự quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu. Nhưng lại phải chống gậy đến phiên tòa, cũng như những tình tiết nội dung của vụ án khiến cho các thành viên Hội đồng xét xử, những người tham dự phiên tòa rất nhiều cảm cảm xúc, đáng phải suy ngẫm.
Năm 1962, cụ B kết hôn với cụ T. Sau khi kết hôn, cụ T đi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đã hy sinh năm 1967. Ông T là con trai của cụ B và cụ T. Sau khi kết hôn với cụ T, thì cụ B đã về ở trên đất có nguồn gốc của cụ L (bố cụ T). Đến năm 1996, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, cụ B đã làm một căn nhà và liên tục ở trên nhà đất này đến nay. Theo bản đồ đo vẽ năm 1992, 1998 đã thể hiện phần đất cụ B sử dụng là thửa đất số 62, tờ bản đồ số 62 diện tích 837m2.
Năm 2002, ông T đã kê khai xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Năm 2003, hộ ông T được UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ diện tích 3.335,2m2 đất (gồm cả phần diện tích cụ B đang sử dụng). Cụ B cho rằng, cụ không biết việc ông T kê khai, không ủy quyền cho ông T kê khai xin cấp GCNQSD phần diện tích đất của cụ. UBND xã P cũng đã xác định, diện tích đất hộ ông T được cấp GCNQSDĐ có đất của cụ B.
Diện tích đất được cấp GCNQSDĐ trên, năm 2014 ông T và bà C (vợ ông T) tặng cho con gái là chị N diện tích 185m2. Năm 2021, ông T, bà Cvà hai con gái của ông bà chị N, chị T lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung hộ gia đình phần diện tích đất còn lại là 3.150m2 cho bà C. Năm 2022, bà C lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất này và tài sản trên đất cho bà M (em gái bà C). Sau đó, bà M đã được đăng ký biến động trên trang 4 GCNQSDĐ.
Cụ B vẫn đang ở trên đất. Nhưng theo GCNQSDĐ thì đất đã bị chuyển nhượng cho người khác. Tranh chấp giữa cụ B và các con, cháu đã được UBND xã P hòa giải nhưng không thành. Nên cụ B đã khởi kiện yêu cầu ông T, bà C, chị N, chị T trả lại cho cụ 1/2 diện tích đất 3.335,2m2 =1.581,2m2; Yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông T, bà C và chị N là vô hiệu. Yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung ngày 04/3/2021 giữa ông T, bà C, chị N và chị T là vô hiệu.
Ông T cho rằng, diện tích đất hộ gia đình ông được cấp GCNQSDĐ gồm đất của ông nội ông để lại cho ông và do vợ chồng ông mua thêm. Ông T, bà C, chị N, chị T đều không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của cụ B.
Bà M xác định toàn bộ thửa đất là của bà, không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của cụ B. Ban đầu bà M có yêu cầu độc lập đề nghị công nhận hợp đồng giữa bà và bà C, sau đó bà M rút yêu cầu.
Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định: Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung của hộ gia đình ông T ngày 04/3/2021 là chưa đảm bảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cụ B, văn bản thỏa thuận này vô hiệu đối với phần của cụ B và đã xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ B về việc yêu cầu tuyên bố văn bản thỏa thuận chia tài sản chung ngày 04/3/2021 giữa ông T, bà C, chị N và chị T là vô hiệu một phần đối với phần của cụ B. Buộc ông T, bà C, chị N, chị T phải liên đới trả cho cụ B giá trị diện tích đất là 630m2bằng tiền là 201.116.000đ. Còn lại các yêu cầu khác của cụ B Tòa án không chấp.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, cụ B kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu phải trả cụ bằng đất. VKSND huyện Y đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, cụ B giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; VKS giữ nguyên quyết định kháng nghị, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Vợ chồng ông T, bà C thừa nhận từ trước đến nay cụ B ở trên đất đang tranh chấp; cụ B có quyền sử dụng đối với diện tích đất được cấp GCNQSDĐ năm 2003; nhưng cụ B đã nói bằng miệng cho vợ chồng ông bà hết đất; ông bà không có chứng cứ về việc cụ B cho đất; bà C đã chuyển nhượng hết đất, tài sản trên đất cho bà M nên không còn đất để trả cho cụ B; bà M cho vợ chồng ông bà mượn sử dụng và có thỏa thuận cho cụ B ở trên đất đến khi cụ Bốn chết.
Căn cứ lời khai các bên và tài liệu chứng cứ có liên quan, có căn cứ xác định cụ B có quyền sử dụng một phần diện tích đất hộ ông T được cấp GCNQSDĐ nêu trên.
Cụ B có nhà trên đất, cụ vẫn ở liên tục ở trên nhà đất này đến nay. Nhưng ông T và bà C đã tặng cho chị N diện tích 185m2; ông T, bà C và chị N, chị T lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản chung hộ gia đình phần diện tích đất còn lại là 3.150m2 cho bà C; bà C lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất này và tài sản trên đất (gồm cả phần đất có nhà của cụ Bốn đang ở) cho bà M khi không có tài liệu thể hiện sự đồng ý của cụ B là không đúng quy định của pháp luật.
Mặc dù bà M đã được đăng ký biến động đất. Nhưng giữa bà M và bà C có mối quan hệ chị em gái. Bà M cũng ở gần nhà cụ B. Khi nhận chuyển nhượng nhà đất, bà M phải biết cụ B đang ở trên đất. Việc chuyển nhượng này là không khách quan. Nên có cơ sở để xác định hợp đồng chuyển nhượng giữa bà C và bà M vô hiệu một phần (phần diện tích đất, tài sản trên đất thuộc quyền sử dụng, sở hữu của cụ B). Việc bà M nhận chuyển nhượng không thuộc trường hợp được xác định là người thứ ba ngay tình theo quy định tại Điều 133 Bộ luật dân sự. Việc Tòa án cấp sơ thẩm nhận định bà M là “người chiếm hữu ngay tình và có căn cứ pháp luật” là không đúng quy định tại Điều 133, Điều180 Bộ luật dân sự.
Mặc dù cụ B không có yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà C và bà M là vô hiệu. Nhưng việc giải quyết yêu cầu đòi lại đất của cụ B có liên quan trực tiếp đến hợp đồng giữa bà C và bà M. Khi giải quyết vụ án, Tòa án không hướng dẫn, giải thích cho cụ B biết để cụ B có yêu cầu xem xét đối với hợp đồng này, hỏi các đương sự có yêu cầu xem xét hậu quả hợp đồng vô hiệu hay không, là không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho cụ B.
Cụ B là vợ liệt sỹ, đã già yếu. Hiện nay cụ đang ở một mình. Cụ không còn nhà đất nào khác. Cụ có yêu cầu được nhận tài sản là quyền sử dụng đất. Tòa án nhận định bà M là “người chiếm hữu ngay tình”, không buộc các phải trả lại đất cho cụ B. Chỉ xác định cụ B có quyền sử dụng 1/5 thửa đất = 630m2 và xử buộc ông T, bà C, chị N, chị T phải liên đới trả cho cụ B 201.116.000đ là giá trị của 630m2 đất, dẫn đến việc cụ B không còn nhà đất để ở,là không đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của cụ B.
Mặc dù cụ B kháng cáo, đề nghị sửa án sơ thẩm, trả lại cho cụ 684m2 đất. Nhưng việc giải quyết yêu cầu này của cụ B có liên quan đến việc bà M đã nhận chuyển quyền sử dụng đất, bà M đã được đăng ký biến động đất; việc này chưa được cấp sơ thẩm xem xét. Nên không thể giải quyết sửa bản án theo yêu cầu của cụ B được.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã phân tích, động viên, hướng dẫn các đương sự hòa giải với nhau, về làm lại các thủ tục tách trả lại cho cụ B phần đất như cụ đã yêu cầu. Nhưng ông T, bà C và chị N cương quyết không đồng ý, chỉ đồng ý để cho cụ B ở trên đất đến khi cụ chết. Do trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm, giải quyết vụ án không thấu tình, không đạt lý. Nên Tòa án cấp phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án, để chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án và sau đây cụ bà 90 tuổi lại phải tiếp tục tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.
Việc cụ bà 90 tuổi phải tham gia vụ án nêu trên, trước tiên là do hành vi, xử sự không đúng pháp luật, không đúng luân thường đạo lý của các con cháu cụ B. Nhưng cũng có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi cụ B sinh sống, đã không quan tâm đúng mức đến đời sống của thân nhân liệt sĩ; UBND xã P thực hiện không đúng việc chứng thực hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất; văn bản thỏa thuận chia tài sản chung hộ gia đình; thực hiện không tốt công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở; Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án không công tâm, không khách quan, không đúng pháp luật.
Thông qua vụ án này, đòi hỏi mỗi người dân đều phải chấp hành đúng quy định của pháp luật; quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng thân nhân liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Mỗi người cán bộ, phải thực hiện đúng, đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao. Giải quyết các vụ việc phải đảm bảo có lý, có tình./.
Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, VKSND tỉnh Bắc Giang