.

Thứ sáu, 03/05/2024 -15:13 PM

Trao đổi bài viết: “Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản có căn cứ hay không?”

 | 

Sau khi đọc bài viết “Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản có căn cứ hay không?” của tác giả Nguyễn Thị Thủy- Phòng 11 Viện KSND tỉnh Bắc Giang được đăng trên Trang tin điện tử của Viện KSND tỉnh Bắc Giang, tôi có một số ý kiến tham gia trao đổi như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 44 và Điều 89 Luật thi hành án dân sự thì trước khi cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh, yêu cầu Cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch bảo đảm cung cấp thông tin. Cụ thể, cần yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Y cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất của bà A, ông H: bà A, ông H có quyền sử dụng đất không? Quyền sử dụng đất này đã được cấp giấy chứng nhận hay chưa? Có biến động gì không (có chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp… hay không?). Việc xác minh có ý nghĩa quan trọng trong việc có cưỡng chế, kê biên được quyền sử dụng đất hay không và xác định quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của bên thứ 3 (nếu có). Tại biên bản xác minh với  Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Y chỉ thể hiện nội dung bà A, ông H có quyền sử dụng đất ở thuộc thửa đất tại phố T, thị trấn A, huyện Y và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2000 là chưa đảm bảo, do chưa xác định được các biến động liên quan đến quyền sử dụng đất trong quá trình sử dụng, chưa thể khẳng định quyền sử dụng đất trên của bà A, ông H để cưỡng chế, kê biên.

Thứ hai, trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án, khi ông C xuất trình hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất đối với diện tích đất ở của bà A, ông H đã được UBND thị trấn xác nhận và trình bày việc ông có xây dựng nhà hai tầng trên diện tích đất trên, Chấp hành viên cũng cần lập biên bản xác minh tại UBND xã để xác định có hay không việc mua bán, thời điểm mua bán và có hay không việc ông C xây dựng nhà hai tầng trên mảnh đất của ông A, bà H. Đồng thời, cần đo đạc cụ thể hiện trạng, diện tích của nhà ở gắn liền trên quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết quyền, lợi ích chính đáng của ông C (nếu có). Việc xác minh này có ý nghĩa trong việc sẽ quyết định cưỡng chế, kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất (nếu nhà ở và quyền sử dụng đất đều của ông H, bà A) hay chỉ kê biên quyền sử dụng đất của ông H, bà A và thông báo cho ông C (nếu quyền sử dụng đất của ông H, bà A, quyền sở hữu nhà của ông C) theo quy định tại Điều 111, 113 Luật thi hành án dân sự hay không thể thực hiện việc cưỡng chế, kê biên (nếu quyền sử dụng đất không còn của ông H, bà A). Chấp hành viên không tiến hành thao tác này là thiếu sót.

Thứ ba, do hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất giữa ông H, bà A và ông C lập ngày 09/12/2013, tức là sau khi có quyết định thi hành án là ngày 05/6/2013. Do đó, cần xem xét đến trách nhiệm của Chấp hành viên có thực hiện việc thông báo các quyết định về thi hành án đúng quy định hay không? Có thực hiện việc ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản và thông báo cho đương sự theo quy định tại Điều 69 Luật thi hành án dân sự không?

Đồng thời, cũng cần xác định hiệu lực của hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất nêu trên. Tại khoản 3 Điều 188 Luật đất đai năm 2013 quy định về hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, như sau: “Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”. Về kê tài sản thi hành án, theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 thì: “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự”. Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự  quy định về giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án như sau: “Trường hợp tài sản của người phải thi hành án bị cưỡng chế để thi hành án mà có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết”.Theo quy định này thì việc ông H, bà A và ông C có hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn tất thủ tục tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Y cho nên về mặt pháp lý, tài sản trên vẫn thuộc quyền sử dụng và sở hữu của ông H, và A. Mặt khác, do việc mua bán tài sản được thực hiện sau khi Bản án số 01/2013/DSST ngày 03/4/2013 của Tòa án nhân dân huyện Y có hiệu lực. Do đó, nếu ông H, bà A không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì theo các quy định nêu trên, cơ quan thi hành án dân sự vẫn có quyền kê biên tài sản là quyền sử dụng đất này để đảm bảo thi hành nghĩa vụ. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì ông C có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định hoặc công nhận tài sản trên thuộc quyền sử dụng, sở hữu của mình theo quy định tại khoản 12 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.

Như vậy, để xác định có cưỡng chế, kê biên được quyền sử dụng đất của ông H, bà A không thì Chấp hành viên cần nghiên cứu các quy định của Luật thi hành án dân sự, các quy định của pháp luật liên quan. Việc Chấp hành viên tiến hành xác minh chưa đầy đủ các thông tin liên quan đến tài sản mà đã ra quyết định cưỡng chế, kê biên là không đảm bảo căn cứ theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, tôi đồng tình với quan điểm thứ 3 của tác giả. Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thuỳ Trang- Viện KSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,823,892
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.102.225

    Thư viện ảnh