.

Thứ sáu, 26/04/2024 -14:07 PM

Bắc Giang giải quyết án hành chính: Chú trọng hòa giải, đối thoại

 | 

Thời gian qua, lượng án hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng và có tính chất phức tạp, trong đó chủ yếu là khởi kiện những quyết định hành chính của UBND các cấp liên quan đến vấn đề đất đai. 

Án hành chính tăng

Theo lịch xét xử đợt 1 tháng 9 này, TAND tỉnh sẽ mở 14 phiên tòa hành chính. Trong đó, có gần 30 người khởi kiện những quyết định hành chính của UBND tỉnh và các huyện như Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, TP Bắc Giang.

Bắc Giang, án hành chính, hòa giải, đối thoại, quyết định hành chính, đất đai

TAND tỉnh mở phiên tòa hành chính sơ thẩm xét xử vụ việc người dân khởi kiện quyết định hành chính của UBND huyện Lạng Giang.

Đơn cử như phiên tòa hành chính mà nguyên đơn là giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) kiện UBND tỉnh và UBND TP Bắc Giang do không thể đầu tư dự án Khu dịch vụ thương mại - Ẩm thực - Văn hóa thể thao và vui chơi giải trí tại công viên Hoàng Hoa Thám bởi chính quyền các cấp ban hành một số quyết định không phù hợp. Nhìn chung, mỗi tháng, TAND tỉnh đều mở hơn 10 phiên tòa hành chính.

Được biết, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã thu hồi diện tích đất khá lớn để triển khai nhiều dự án phát triển KT-XH. Từ đó, những lá đơn khiếu kiện các quyết định hành chính của Chủ tịch UBND các cấp cũng tăng cao. Riêng năm 2017, TAND tỉnh thụ lý khoảng 100 vụ liên quan đến việc thu hồi đất để nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 293 đoạn qua huyện Lục Nam, Sơn Động; 147 vụ liên quan đến tranh chấp đất lâm nghiệp ở huyện Yên Thế. 

Còn từ năm 2018 đến nay, khi tỉnh thu hồi đất để xây dựng Khu công nghiệp Hòa Phú (Hiệp Hòa), hàng chục người dân không đồng tình với mức bồi thường nên đã gửi đơn khiếu kiện ra tòa. Ngoài ra, còn những tranh chấp về thu tiền sử dụng đất do bán trái thẩm quyền; tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các cá nhân...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng về chính sách pháp luật, nhất là trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nông nghiệp, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất. 

Người dân không đồng ý mức đền bù do có sự so sánh giữa tỉnh Bắc Giang với một số tỉnh, TP lân cận như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội. Có thời điểm, cơ quan chức năng đo đạc thiếu khách quan, thất lạc giấy tờ, cấp đất không đúng diện tích thực tế sử dụng, đối tượng cũng gây tranh cãi trong cộng đồng dân cư dẫn đến việc khởi kiện.

Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật

Ông Nguyễn Như Hiển, Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh cho hay, quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về đất đai còn thiếu, chồng chéo khiến hội đồng xét xử (HĐXX) thiếu căn cứ đánh giá tính chính xác của các quyết định. Hơn nữa, một số phiên tòa, cả phía người khởi kiện và người bị kiện không tham gia đầy đủ, không cung cấp đủ chứng cứ khiến phiên tòa không thể diễn ra. 

Trước thực tiễn đó, TAND tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát các vụ án hành chính đã thụ lý, vụ việc nào kéo dài hoặc có tính điển hình thì ưu tiên giải quyết trước. Cơ quan chức năng cũng chú trọng đối thoại để bị đơn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ quyết định (nếu có sai sót) hoặc người khởi kiện rút đơn.
Ví dụ như mới đây, TAND tỉnh mở phiên tòa hành chính sơ thẩm giải quyết đơn khiếu kiện của ông Hà Văn L đối với UBND huyện Lạng Giang. Tuy nhiên, thành phần khởi kiện thiếu nên phiên tòa bị hoãn, điều này làm tốn kém thời gian, chi phí, ảnh hưởng đến công việc chung của các bên.

Trao đổi thêm với ông Hoàng Đức Trình, Phó Trưởng Phòng kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và phá sản doanh nghiệp (Viện KSND tỉnh) được biết, trước và trong mỗi phiên tòa liên quan đến thu hồi đất, kiểm sát viên cùng HĐXX thường tuyên truyền, giải thích pháp luật để người có đất bị thu hồi hiểu quyền, nghĩa vụ của mình.

Liên quan đến án hành chính, Viện KSND tỉnh đã gửi ba thông báo tới UBND tỉnh về các dạng vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai của UBND các cấp. Đó là các vi phạm như: Một số cơ quan quản lý nhà nước về đất đai chưa cung cấp đủ chứng cứ cho tòa án, không trả lời yêu cầu xác minh của tòa, chưa hợp tác trong điều tra, xét xử. Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo các huyện, TP thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật nhằm hạn chế thấp nhất hoặc bảo đảm không để xảy ra sai sót khi ra quyết định hành chính.

Để bảo đảm những quyết định hành chính của UBND các cấp chính xác, mới đây, Sở Tư pháp đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ liên quan. Thông qua tập huấn, cán bộ làm công tác tham mưu, tư pháp các cấp nắm rõ hơn những vấn đề về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND, quyết định UBND cấp tỉnh; những lưu ý khi thực hiện quy trình chính sách./.

Nguồn: baobacgiang.com.vn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,764,406
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.163.58

    Thư viện ảnh