.

Thứ hai, 20/05/2024 -03:22 AM

Hội nghị triển khai công tác kiểm sát đặc xá năm 2013, Hội nghị tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân

 | 

Ngày 05/8/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị Triển khai công tác kiểm sát đặc xá năm 2013. Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức qua trực tuyến tại 66 điểm cầu: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Đại diện Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang thành phần tham dự hội nghị gồm: đồng chí Vũ Mạnh Thắng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng, đồng chí Bùi Thị ngân, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện Viện kiểm sát quân sự Quân đoàn 2, đ/c Chánh Văn phòng, Lãnh đạo phòng 3, phòng 4, phòng 10 và Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự Viện kiểm sát cấp tỉnh, huyện.
Đ/c Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Vũ Huy Thuận, Vụ trưởng Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao công bố Quyết định số 1251/2013/QĐ-CTN ngày 20/7/2013 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013 và Quyết định số 1252/2013/QĐ-CTN ngày 20/7/2013 của Chủ tịch nước về việc thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2013; trình bày Hướng dẫn số 164/HĐTVĐX ngày 23/7/2013 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1251/2013/QĐ-CTN ngày 20/7/2013 của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013.

Theo Hướng dẫn, đối tượng xét đặc xá là người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý. Điều kiện được đề nghị đặc xá bao gồm: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn; đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/4 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất là 20 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Hướng dẫn cũng đề cập tới các trường hợp không đề nghị đặc xá như: Bản án hoặc quyết định của Tòa án đang có kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm hoặc Tái thẩm; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; trước đó đã được đặc xá; có 02 tiền án trở lên; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biết nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia… Hướng dẫn quy định về hồ sơ, trình tự và thủ tục xét đặc xá bao gồm: Trình tự, thủ tục lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá; thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá; quản lý tài liệu, hồ sơ, danh sách và số liệu người được đề nghị xét đặc xá.

Tham luận tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, tham gia ý kiến để triển khai công tác đặc xá năm 2013 ở đơn vị mình. Các ý kiến tham luận nhất trí, thể hiện quyết tâm cao trong thực hiện chủ trương đặc xá của Chủ tịch nước. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện công tác đặc xá sẽ được triển khai từ nay đến ngày 22/8/2013, hoàn thành hồ sơ trình Chủ tịch nước quyết định.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và ý kiến tham luận của đại biểu dự hội nghị. Đồng chí Phó Viện trưởng nhấn mạnh, nhân 68 năm ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch nước có chủ trương đặc xá, thể hiện sự nhận đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước, động viên những người lầm lỗi, biết ăn năn hối cải trở về con đường lương thiện. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong đề nghị Kiểm sát viên, cán bộ, công chức quán triệt thực hiện công tác đặc xá; phối hợp nội bộ trong Ngành kiểm sát công tác đặc xá đúng trình tự pháp luật; kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, vụ lợi cá nhân trong công tác đặc xá.

Trước đó ngày 31/7/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị toàn Ngành Tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 

Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu chỉ đạo hội nghị

Dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, công cuộc cải cách tư  pháp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến cải cách tư pháp như: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 79-KL/TW ngày 28-7-2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Toà án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Qua 08 năm thực hiện Nghị quyết số49-NQ/TW bước đầu tạo nên diện mạo mới cho nền tư pháp quốc gia và các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân. Trong hoạt động của Viện kiểm sát các cấp, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được nâng lên rõ rệt; đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên từng bước trưởng thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình cải cách tư pháp...

Tại hội nghị, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết 08 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo báo cáo, từ khi Nghị quyết số 49 ­-NQ/TW của Bộ chính trị được ban hành, ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực và toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Kết quả triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, công chức trong ngành Kiểm sát. Viện kiểm sát các cấp đã nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện việc đổi mới sâu rộng về tổ chức, bộ máy, cán bộ và phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thiết thực đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Tại hội nghị, đã có 12 ý kiến phát biểu đại diện cho một số đơn vị trực thuộc VKSNDTC, VKSND các địa phương và VKSQS Trung ương trình bày tham luận, góp ý về các vấn đề: Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; Đổi mới tổ chức tổ chức, hoạt động của Cơ quan Điều tra VKSNDTC đảm bảo hiệu quả công tố; đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp quân sự… và nêu lên những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 49 như: Việc thành lập VKS khu vực; việc thực hiện Nghị quyết 49 ở một số bộ, ngành cũng cần được kiểm tra khắc phục trong việc cấp kinh phí xây dựng trụ sở VKS một số nơi, trang bị đầy đủ phương tiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, trong đó có VKSND; vấn đề tăng biên chế… đưa ra những kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hoạt động tư pháp; việc thực hiện thành lập Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân theo khu vực; việc bổ sung biên chế, cán bộ và bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí… cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị qua tổng kết cho thấy VKS các cấp đã tích cực tổ chức triển khai chủ trương trong toàn Ngành rất đầy đủ, nghiêm túc. Kết quả đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cán bộ toàn Ngành và của toàn xã hội trên mọi phương diện làm cho xã hội hiểu và tin tưởng vào ngành KSND. Bên cạnh đó, đã tạo ra được một phong trào thi đua sâu rộng, toàn diện trên các mặt góp phần tăng cường thế và lực mới cho Ngành.

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC lưu ý, qua báo cáo của các đơn vị hiện nay còn nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại chưa thống nhất trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 49, vì vậy đồng chí đề nghị VKSND các địa phương cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn phát hiện vấn đề để báo cáo. Đồng thời quán triệt nghiêm túc các nhiệm vụ cải cách tư pháp đi liền với việc tăng cường góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, sửa đổi Bộ luật TTHS, sửa đổi Luật Tổ chức VKSND; nâng cao chất lượng hoạt động trên các mặt công tác; tích cực tham mưu góp ý cho chính quyền địa phương trong việc góp ý sửa đổi Nghị quyết 49; tổng hợp ý kiến của đơn vị xây dựng báo cáo gửi Văn phòng VKSNDTC tiếp thu hoàn thiện báo cáo chung của Ngành để gửi Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương theo yêu cầu.

Nhữ Dũng

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,937,863
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.12.110

    Thư viện ảnh